Những phương pháp này nằm trong cuốn sách có tựa đề “Học làm cha mẹ hiệu quả” của tác giả Thomas Gordon – Tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng người Mỹ, sáng lập viên và là chủ tịch của Effectiveness Training Inc. – một mạng lưới toàn cầu chuyên cung cấp chương trình tập huấn cho cha mẹ, thầy cô giáo, nhà quản lý.
“Học làm cha mẹ hiệu quả” với những kỹ năng Đào tạo Cha mẹ Hiệu quả (Parents Effectiveness Training – P.E.T) ra đời nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy, giúp thay đổi cuộc sống của hàng triệu con người, làm tiền đề cho sự ra đời của hàng trăm cuốn sách khác nhau nói về cách làm cha mẹ và trở thành hình mẫu cho khoảng 50.000 chương trình đào tạo cha mẹ ở Hoa Kỳ nói riêng và hơn thế nữa trên phạm vi toàn cầu.
Cuốn sách còn được xuất bản bằng 30 thứ tiếng với hơn 4 triệu bản lưu hành và chương trình hiện đã được giới thiệu ở 43 quốc gia trên thế giới. Hiện nay, khóa học P.E.T được cung cấp qua video và chương trình tự học của khóa này có tên gọi Đào tạo Gia đình Hiệu quả (Family Effective Training – F.F.T).
Phương pháp Lắng nghe Chủ động
Trong các khóa học Đào tạo cha mẹ hiệu quả, Lắng nghe Chủ động là phương pháp nổi bật được tác giả Thomas Gordon đưa vào nhằm duy trì mối quan hệ mở giữa cha mẹ và con cái cũng như tăng cường sự sẻ chia trong gia đình.
Theo tác giả của “Học làm cha mẹ hiệu quả”, Lắng nghe Chủ động là “phương pháp phù hợp nhất nên được áp khi đứa trẻ tiết lộ rằng nó đang gặp vấn đề”. Tuy nhiên, không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể áp dụng Lắng nghe Chủ động để giải quyết những vấn đề trẻ gặp phải, mà chỉ trong trường hợp đứa trẻ làm chủ vấn đề.
Cuốn sách "Học làm cha mẹ hiệu quả" mang đến nhiều kỹ năng để làm cha hiệu quả
Vậy thế nào là đứa trẻ làm chủ vấn đề? Tác giả Thomas Gordon giải thích, "Đứa trẻ gặp vấn đề là khi nó bị cản trở việc thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Đó không phải là vấn đề của cha mẹ bởi hành vi của đứa trẻ theo cách không rõ ràng sẽ ngăn cản việc cha mẹ thỏa mãn nhu cầu của nó. Bởi vậy, đứa trẻ làm chủ vấn đề”.
Trong “Học làm cha mẹ hiệu quả”, tác giả đưa ra các vấn đề thuộc về đứa trẻ như: trẻ cảm thấy bị bạn bè hắt hủi, trẻ thất vọng vì không được chọn vào đội bóng, trẻ xấu hổ vì bị thừa cân, trẻ băn khoăn về việc có học tiếp lên đại học hay không,… Đây là những vấn đề mà hầu hết các đứa trẻ đều sẽ gặp phải khi đương đầu với chính cuộc đời mình.
Với những tình huống này, tác giả thiết lập một cuộc trò chuyện cụ thể ở đó cha mẹ sẽ thực hiện phương pháp Lắng nghe Chủ động, chấp nhận việc người đang gặp vấn đề là trẻ, từ đó giúp trẻ tìm ra cách giải quyết vấn đề và có cái nhìn sâu sắc hơn về bản thân.
Tác giả Thomas Gordon khẳng định, cha mẹ Lắng nghe Chủ động là phương pháp phù hợp và hữu ích nhất giúp trẻ tìm ra giải pháp cho những vấn đề của chính mình. Bởi việc lắng nghe chủ động của cha mẹ khiến trẻ tự tin thể hiện cảm xúc bản thân, giải phóng được cảm xúc tiêu cực và dành tâm trí cho những việc khác.
Giải quyết mâu thuẫn bằng phương pháp “không thua cuộc”
Tất cả các bậc cha mẹ đều phải đối mặt với tình huống khi cả việc chạm trán lẫn việc thay đổi môi trường sống cũng không thay đổi hình vi của trẻ. Điều này dễ làm nảy sinh mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Và việc giải quyết mâu thuẫn như thế nào chính là yếu tố quan trọng trong mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái.
Tuy nhiên, “hầu hết các ông bố bà mẹ đều nghĩ về cách giải quyết mâu thuẫn theo hướng ai đó thắng và ai đó thua”. Họ không biết rằng, chính sự định hướng “thắng – thua” này đã đặt mình vào tình thế khó xử - liệu họ nên nghiêm khắc (cha mẹ thắng) hay nên nhân nhượng (con cái thắng). Hẳn nhiên đây không phải là phương pháp tích cực.
Phương pháp "không-thua-cuộc" giúp giải quyết mâu thuẫn không có thắng-thua
Trong “Học làm cha mẹ hiệu quả”, tác giả Thomas Gordon đưa ra cho các cha mẹ phương pháp mới thay thế phương pháp “thắng – thua” họ thường áp dụng. Đó là phương pháp “không-thua-cuộc”, giúp giải quyết các mâu thuẫn và không ai là người thua cuộc.
Với phương pháp này, khi cha mẹ và con cái gặp phải mâu thuẫn, “cha mẹ sẽ yêu cầu con cái tham gia vào cuộc tìm kiếm giải pháp có thể chấp nhận được đối với cả hai bên. Một hoặc hai bên sẽ đưa ra những giải pháp khả thi. Họ cùng đánh giá những giải pháp đó và cuối cùng sẽ đưa ra quyết định xem giải pháp nào chấp nhận được”.
Cũng trong cuốn sách, cụ thể hóa phương pháp này, tác giả đưa ra những tình huống có đối thoại giữa cha mẹ và con cái để tìm ra giải pháp cuối cùng cho vấn đề hai bên đang mâu thuẫn. Qua đó, các cha mẹ dễ dàng áp dụng theo cho các tình huống trong gia đình.
“Không-thua-cuộc” là phương pháp hiệu quả để giải quyết mâu thuẫn bởi khi đứa trẻ được góp phần vào quyết định cuối cùng chúng sẽ có động lực thực hiện giải pháp.
Ngoài ra phương pháp này giúp trẻ phát triển kỹ năng tư duy, tăng thêm tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái, loại bỏ được nhu cầu về quyền lực của hai bên, giúp trẻ cảm nhận được bản thân đang được đối xử như người lớn. Hơn thế, đây là phương pháp tiếp cận được thực chất vấn đề và là “phương pháp trị liệu” cho trẻ giúp trẻ thay đổi hành vi, cách ứng xử.
Thục Linh
Bạn đang xem bài viết Những kỹ năng làm cha mẹ hiệu quả tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].