Trong phiên điều trần 2 ngày, 10 tiếng và 600 câu hỏi dành cho CEO Facebook Mark Zuckerberg, ngoài những câu hỏi xoáy sâu vào vụ bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng thì cũng có những câu hỏi bị cho là khá "kỳ quặc" của các nghị sĩ quốc hội Mỹ, khiến Mark Zuckerberg phải bối rối.
Độ tuổi trung bình của các thành viên trong Thượng viện Mỹ là 63 tuổi, chỉ có 12% thành viên từ 40 đến 49 tuổi. Các thành viên trong ủy ban tổ chức 2 buổi điều trần đều đã gần 80 tuổi.
Vậy nên nhiều người cho rằng chuyện có câu hỏi kỳ quặc là không tránh khỏi vì các nghị sĩ không hiểu nhiều về công nghệ.
Ngoài ra cũng có những câu hỏi "xoáy" của các nghị sĩ quốc hội khiến CEO Facebook không khỏi giật mình.
"Thưa thượng nghị sĩ, chúng tôi chạy quảng cáo"
Thượng nghị sĩ Orrin Hatch đặt câu hỏi: "Công ty của cậu làm thế nào để duy trì hoạt động kinh doạn mà người sử dụng không trả tiền cho dịch vụ?"
"Thưa thượng nghị sĩ, chúng tôi chạy quảng cáo" - Mark trả lời rồi nở một nụ cười.
Thượng nghị sĩ đáp lại: "Tôi hiểu rồi. Tuyệt lắm."
"Tôi đang gửi email bằng WhatsApp... các bên quảng cáo có đọc được nó không?"
Đây là câu hỏi của thượng nghị sĩ Brian Schatz, vì Facebook đã mua WhatsApp từ 2014.
Tuy nhiên có vẻ ông không biết rằng WhatsApp là ứng dụng nhắn tin chứ không phải để gửi email.
Zuckerberg có vẻ đã cố kiềm chế để không sửa lại lời của thượng nghị sĩ mà chỉ trả lời đơn giản rằng nội dung trong WhatsApp sẽ không làm bạn nhận được những quảng cáo liên quan.
"Twitter có giống cái cậu đang làm không?"
Đó là câu hỏi của thượng nghị sĩ Lindsay Graham dành cho Zuckerberg.
Anh trả lời: "Twitter có một số phần trùng với cái chúng tôi đang làm."
Graham: "Cậu không nghĩ Facebook chiếm độc quyền à?"
Zuckerberg: "Tôi không cảm thấy vậy."
Tôi thích chocolate
Thượng nghị sĩ Bill Nelson bày tỏ mình rất thích chocolate. Ông hỏi: "Tôi đang nói chuyện với bạn trên Facebook, có nhắc rằng tôi thích một loại chocolate. Ngay sau đó thôi bắt đầu nhận được các quảng cáo về chocolate. Nếu tôi không muốn nhận những quảng cáo như vậy thì phải làm sao?"
Palantir = "Stanford Analytica"
Thượng nghị sĩ Maria Cantwell đã đặt biệt danh cho công ty phân tích dữ liệu Palantir Technologies - công ty trợ giúp Tình báo Mỹ do thám toàn cầu thành lập bởi Peter Thiel - bằng cái tên "Stanford Analytica". Bà hỏi Mark có đồng ý với cái tên này không.
Ý của bà Cantwell là đang nhắc đến vụ Cambridge Analytica. Nhưng có vẻ mối liên quan giữa hai công ty này là quá mơ hồ khiến chuyện cười trở nên nhạt nhẽo.
Sau vài phút im lặng kỳ dị, Mark trả lời: "Thưa thượng nghị sĩ, tôi chưa từng nghe điều này."
Dù chất vẫn nhưng các thượng nghị sĩ vẫn yêu Facebook
Các thượng nghị sĩ vẫn tận dụng dịp chất vấn CEO Facebook để hỏi những câu không mấy liên quan. Chẳng hạn thượng nghị sĩ Roy Blunt chia sẻ: "Charlie con trai tôi 13 tuổi và rất mê Instagram, vậy nên nó muốn tôi nhắc đến nó khi ngồi với cậu ở đây."
Thượng nghị sĩ Thom Tillis thì nói với Mark Zuckerberg: "Tôi đã có 4.900 bạn trên Facebook. Tôi đã xóa những kẻ ném đấ để dành chỗ cho người thân và bạn bè thật trên trang cá nhân. Tôi là một thành viên đáng tự hào của Facebook, chị tôi cũng vừa đăng một bài về tôi nhân ngày Anh-Chị-Em hôm nay đấy."
Thượng nghị sĩ Shelley Moore Capito thì muốn Zuckerberg mang ít cáp quang khi đến thăm vùng Tây Virginia lần tiếp theo. Bà cho biết một số khu vực nông thôn ở bang của bà có kết nối Internet còn kém.
Đề nghị này giúp Mark Zuckerberg có thể nhắc lại sáng kiến Internet miễn phí của mình và biến phiên chất vấn thành cơ hội quảng cáo không ngờ cho CEO Facebook.
Đến ngày thứ hai của phiên điều trần, một số nghị sĩ quốc hội cũng nhắc đến chuyện tương tự, yêu cầu CEO liên lạc với họ để mang đến những cơ hội tương tự cho vùng của mình.
Thuyết âm mưu "Facebook nghe lén người dùng"?
Nhiều thành viên quốc hội tỏ ý nghi ngờ Facebook nghe lén người dùng qua điện thoại. Nghị sĩ Gary Peters còn trực tiếp hơn khi dùng câu hỏi dạng có hay không.
Hạ nghị sĩ Larry Bucshon thì minh họa thuyết âm mưu này bằng ví dụ của chính con trai ông. Con trai ông đang muốn mua com-lê thì lập tức nhìn thấy quảng cáo về com-lê trên mạng.
"Nếu Facebook không nghe lén chúng tôi qua điện thoại thì là ai? Facebook có thỏa thuận đặc biệt nào với các công ty để cung cấp loại dữ liệu chỉ được truyền miệng như vậy không?" - Hạ nghị sĩ Bucshon hỏi.
Zuckerberg đáp rằng: "Theo hiểu biết của tôi, nhiều trường hợp như ngài nói chỉ là trùng hợp."
Khi Mark Zuckerberg bị "đá xoáy"
Thượng nghị sỹ Dick Durbin đặt một câu hỏi khá khác thường cho Zuckerberg:
“Cậu Zuckerberg, cậu có thể thoải mái chia sẻ với chúng tôi tên khách sạn mình ở đêm qua không?"
Sau một khắc đứng hình vì câu hỏi, Zuckerberg trả lời "Không."
Ngài Durbin tiếp tục hỏi: "Nếu cậu vừa nhắn tin cho ai đó trong tuần này, cậu sẽ cho chúng tôi biết tên người đó chứ?"
Zuckerberg: "Không, tôi sẽ không công khai ở đây."
Đoạn hội thoại trên là cách nghị sĩ Durbin nhắc nhở tại sao người dùng Facebook lại lo ngại về vụ rò rỉ dữ liệu và xâm phạm riêng tư của người dùng Facebook.
Hoàng Nguyên (theo The Verge và Inc)Bạn đang xem bài viết Những khoảnh khắc dở khóc dở cười khi ông chủ Facebook bị 'xoay như dế' bởi 44 nghị sĩ Mỹ tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].