PGS Văn Như Cương nói với vợ là Đào Kim Oanh rằng tâm nguyện lớn nhất sau khi mất là dùng số tiền phúng viếng để xây trường cho trẻ vùng cao. Ngôi trường mang tên Mầm non Na Ngao tại xã Đồng Tâm (Bắc Quang, Hà Giang).
Số tiền còn lại sau khi xây trường vùng cao sẽ được đưa vào Quỹ tình thương của trường để tiếp tục hỗ trợ những học sinh kém may mắn.
PGS Văn Như Cương lập ra quỹ này từ năm 2014 với nhiều hoạt động đồng hành ý nghĩa cùng học sinh vùng cao.
Một di nguyện khác của thầy Văn Như Cương là được đưa thi hài về thăm trường Lương Thế Vinh lần cuối để tạm biệt ngôi trường, thầy cô giáo và học trò. Bao thế hệ các thầy cô giáo, học sinh tiếc thương trước sự ra đi của người thầy đáng kính.
Theo thông tin từ gia đình, từ 13h30 đến 14h30 ngày 12/10, gia đình sẽ đưa thi hài của PGS Văn Như Cương qua cơ sở A (Nam Trung Yên) và cơ sở 1 (Tân Triều) của trường Lương Thế Vinh Hà Nội và làm lễ tiễn đưa thầy tại đây.
Lễ viếng PGS Văn Như Cương được cử hành từ 10h30 đến 12h30 ngày 12/10 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ truy điệu diễn ra vào hồi 12h30 cùng ngày, an táng tại đài hoá thân hoàn vũ, nghĩa trang Văn Điển.
Gia đình PGS Văn Như Cương cho biết, sẽ tổ chức tang lễ của ông không lãng phí và dùng tiền phúng viếng để xây trường vùng cao như mong muốn lúc sinh thời của PGS Văn Như Cương.
Tiểu sử PGS Văn Như Cương
PGS Văn Như Cương sinh 1937, tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Tốt nghiệp khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội, ông trở thành cán bộ giảng dạy tại trường. Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành Toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971.
Sau khi về nước ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn Hình học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Vinh.
PGS Văn Như Cương được biết đến là người thành lập, hiệu trưởng (từ năm 1989 đến 2014) của trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam. Sau 25 năm làm hiệu trưởng, thầy đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường từ năm 2014.
Ông chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học… Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao) của Việt Nam.
An VyBạn đang xem bài viết Những di nguyện thiêng liêng của PGS Văn Như Cương trước khi mất tại chuyên mục Học đường của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].