Bác sĩ chuyên khoa tim mạch Trần Lê Vũ (Phòng khám CarePlus) cho biết, nhồi máu cơ tim xảy ra khi dòng máu cung cấp cho tim bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn trong một thời gian.
Nếu bệnh nhân có diện tắc tới 70%, có thể tử vong ngay lập tức, diện nhồi máu nhỏ thì nguy cơ tim sẽ hoại tử, hay có thể gặp rối loạn nhịp tim, suy tim… Để phát hiện sớm, phòng ngừa nhồi máu cơ tim cần chú ý những dấu hiệu cảnh báo dưới đây.
- Đau tức ngực: Triệu chứng của bệnh lý nhồi máu cơ tim chủ yếu là đau ngực, kéo dài hoặc ngắn nhưng tái phát nhiều lần. Nó có thể đến rất đột ngột khi mạch máu bị tắc thì bệnh nhân thấy đau vùng trước của xương ức và cơn đau đó kéo dài.
- Khó thở và khó chịu ở vùng ngực: Người bệnh sẽ có cảm giác như bị bóp ghẹt, kèm theo cảm giác khó thở, cơn đau kéo dài ít nhất 30 phút và nó có thể lan lên cổ hoặc lan ra cánh tay trái của bệnh nhân. Cơn đau này không đỡ khi bệnh nhân nghỉ ngơi.
- Tim đập nhanh, mạnh, đập không đều: Triệu chứng nhịp tim nhanh bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Bởi khi tim đập nhanh, nó sẽ bơm máu kém hiệu quả đi và lưu lượng máu được cung cấp sẽ ít hơn so với các phần còn lại của cơ thể, bao gồm cả chính nó.
Nhịp tim tăng cũng dẫn đến việc nhu cầu oxy cần cho tim (cơ tim) là cao hơn, việc này có thể dẫn đến thiếu máu cục bộ và như vậy, có lẽ nó sẽ gây ra một cơn đau tim (nhồi máu cơ tim).
- Đau nhói ở phần trên của cơ thể: Người bệnh có thể thấy đau ở cổ, lưng, xương hàm… Dấu hiệu này được cảm nhận bởi đau hai cánh tay, lưng, vai, cổ, xương hàm hoặc phía trên dạ dày (phía trên rốn).
Bình thường ít người quan tâm chú ý đến các triệu chứng của bệnh vì họ thường nghĩ chỉ là mệt mỏi đơn thuần hoặc đau ở xương. Nhưng, thực tế các cơn đau ở lưng, cổ, xương hàm là dấu hiệu nhồi máu cơ tim thường gặp ở phụ nữ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim, trong đó có những yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đặc biệt là tăng cholesteron, gia đình có người bị nhồi máu cơ tim, những người ít vận động, béo phí và căng thẳng trong cuộc sống.
Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, bác sĩ Vũ khuyến cáo:
- Có chế độ ăn lành mạnh (hạn chế chất béo và cholesterol).
- Giữ cân nặng trong giới hạn chuẩn.
- Hạn chế căng thẳng.
- Tập thể thao theo sức của bạn nếu bạn đang dùng thuốc điều trị rung nhĩ và không có triệu chứng.
- Uống thuốc đúng theo toa. Kiểm tra độ loãng máu định kỳ bằng xét nghiệm INR máu.
- Đến khám ngay với bác sĩ nếu bạn nghi ngờ bị tác dụng phụ của thuốc hoặc nếu bạn có các triệu chứng sau đây mới xuất hiện hoặc trở nặng: chóng mặt, đau thắt ngực, ngất, khó thở.
- Không thực hiện các hoạt động có nguy cơ gây bầm hoặc chảy máu nếu bạn đang uống thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu).
- Không hút thuốc lá.
- Không uống quá nhiều rượu, bia, cà phê.
L.MinhBạn đang xem bài viết Những dấu hiệu khó chịu ở vùng ngực cần lập tức đến bệnh viện ngay tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].