Những cơn khò khè về đêm và sáng sớm có thể nguy hiểm đến tính mạng

Bệnh hen phế quản không thể chữa khỏi hẳn được, nhưng người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh hen của mình bằng cách hiểu đúng về bệnh, nhận biết và tránh các yếu tố khởi phát cơn hen.

hen-phe-quan

Dấu hiệu khò khè, khó thở về đêm và sáng sớm có thể nguy hiểm đến tính mạng người bị hen phế quản 

Đó là lời khuyên mà bác sĩ Vũ Văn Thành (Bệnh viện Phổi Trung ương) dành cho bệnh nhân hen phế quản, giúp họ hiểu đúng về bệnh và biết cách phòng ngừa cơn hen kịch phát nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh có thể di truyền từ mẹ sang con

Hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở, với sự tham gia của nhiều tế bào và thành phần tế bào, làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt, phù nề, tăng tiết đờm) gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở, làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần, thường xảy ra ban đêm và sáng sớm, có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc. 

Theo bác sĩ Vũ Văn Thành, hen phế quản làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống (nghỉ học, nghỉ việc, giảm năng suất lao động, tàn phế, chết sớm). Hen gây ra gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình và xã hội. 

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh hen phế quản, trong đó có những yếu tố chủ thể của người bệnh. 

Người bệnh hen thường có liên quan đến yếu tố gia đình (di truyền), cơ địa dị ứng (chàm, viêm mũi dị ứng), với những gen liên quan đến sự hình thành IgE, các chất trung gian hóa học, sự gia tăng đáp ứng đường thở. 

Bên cạnh đó, những người béo phì, suy dinh dưỡng... cũng có nguy cơ mắc bệnh hen phế quản. Trẻ em nam có nguy cơ mắc hen nhiều hơn trẻ nữ, nhưng ở người lớn thì nữ giới lại mắc hen nhiều hơn ở nam giới. 

hen-phe-quan5

Khói thuốc lá có thể gây cơn hen kịch phát, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh 

Ngoài yếu tố chủ thể của người bệnh thì yếu tố môi trường cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh hen phế quản. 

Bởi, hen là tình trạng phản ứng dị ứng của cơ thể với các chất đóng vai trò là các dị nguyên. Trong môi trường sống có nhiều loại dị nguyên khác nhau như khói, bụi, nấm mốc, lông động vật, phấn hoa, hóa chất... 

Người bị bệnh hen thường có cơn hen kịch phát (cơn khó thở cấp tính) xảy ra khi tiếp xúc với các dị nguyên, thay đổi thời tiết, sau một gắng sức, một số mùi vị đặc biệt (hóa chất, chất tẩy rửa), hương khói các loại (đặc biệt khói thuốc lá) và những thay đổi cảm xúc mạnh… 

Dấu hiệu cảnh báo hen phế quản

Để xác định mình hoặc người thân có phải bị hen phế quản hay không cần chú ý đến các dấu hiệu điển hình của cơn hen, có tính chất tái diễn xảy ra khi có các yếu tố nguy cơ làm kịch phát hen. 

hen-phe-quan2

 Người bị hen phế quản nên thăm khám sức khỏe định kỳ để được bác sĩ theo dõi sức khỏe và hướng dẫn cách kiểm soát cơn hen

Đặc điểm cơn hen cấp là cơn khó thở đột ngột, khò khè, thở rít, tăng dần. Người bệnh có thể có dấu hiệu báo trước như ngứa mũi, hắt hơi, ngứa mắt, ho khan và cơn hen sẽ giảm hoặc hết sau khi được dùng các thuốc giãn phế quản. 

Nhưng rất nhiều trường hợp hen không có dấu hiệu điển hình như vậy, do đó cần nghĩ đến hen khi thấy các biểu hiện như: Có những cơn khò khè tái phát nhiều lần, nhất là về ban đêm; Ho, khò khè, khó thở, nặng ngực khi gắng sức; Ho, khò khè, khó thở và nặng ngực khi tiếp xúc với một số dị nguyên hay khói ô nhiễm; Có triệu chứng cảm cúm kéo dài hơn 10 ngày; Các triệu chứng của bệnh có cải thiện khi điều trị thuốc hen... 

Học cách kiểm soát cơn hen thay vì tìm 1 liều 'thuốc tiên'

Không ít người coi bệnh hen là bệnh di truyền và không thể điều trị được, dẫn đến tâm lý bi quan về bệnh và không điều trị gì, hoặc không hiểu rõ về bệnh nên luôn kỳ vọng một loại thuốc mà có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh hen bằng duy nhất một liều thuốc. 

Trong khi đó, tuy bệnh hen không thể chữa khỏi hẳn được, nhưng người bệnh hen hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh hen của mình, có nghĩa người bệnh không có hoặc có rất ít triệu chứng hen, không phải dùng thuốc cắt cơn hen, hoạt động thể lực bình thường với chức năng phổi hoàn toàn bình thường. 

hen-phe-quan

 

Để quá trình điều trị bệnh đạt hiệu quả, người bị hen phế quản cần nhận biết và tránh các yếu tố khởi phát cơn hen như bụi nhà, nấm mốc, phấn hoa, mùi hóa chất, thay đổi thời tiết. 

Thuốc điều trị hen có thể dùng tại chỗ (hít, khí dung), uống hoặc tiêm. Tuy nhiên việc dùng thuốc để điều trị bệnh cần có sự thăm khám và chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. 

Bên cạnh đó là các biện pháp điều trị bổ sung, thay thế như châm cứu, bấm huyệt, cấy chỉ, xử dụng các loại thảo dược… Ngoại trừ liệu pháp tâm lý, kỹ thuật thở có thể làm cải thiện triệu chứng và giảm nhu cầu dùng thuốc cắt cơn. 

Khi có dấu hiệu cơn hen cấp (khó thở, khò khè) cần dùng ngay thuốc giãn phế quản dạng xịt để giảm nhanh triệu chứng khó thở. Tiếp theo cần liên lạc ngay với bác sĩ để được tư vấn cách xử trí tiếp theo, có thể điều trị tại nhà hay phải nhập viện. 

hen-phe-quan3

 Các bài tập chức năng, tập thở có tác dụng rất tốt cho người bị hen phế quản

Lời khuyên của bác sĩ dành cho người bị hen phế quản

- Tránh các yếu tố khởi phát cơn hen như: bụi nhà, nấm mốc, phấn hoa, mùi hóa chất, một số thuốc điều trị, thức ăn gây dị ứng, thay đổi thời tiết. 

- Dùng thuốc đều đặn, đúng kỹ thuật (thuốc xịt, thuốc hít), theo hướng dẫn của thầy thuốc. Không tự ý ngừng thuốc, thay đổi thuốc điều trị.

 - Tập luyện thể dục vừa phải, phù hợp với thể lực, tránh luyện tập quá sức. 

- Khám bệnh định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được sự tư vấn của thầy thuốc, giúp tăng sự hiểu biết về bệnh, đưa ra kế hoạch kiểm soát hen. 

- Thuốc điều trị dự phòng duy trì, thuốc cắt cơn hen phải để ở nơi thuận tiện, dễ tìm, dễ lấy. 

- Biết cách phát hiện và xử trí ban đầu khi có cơn hen cấp, liên lạc ngay với bác sĩ để được hướng dẫn. 

- Các cách chữa bệnh bằng châm cứu, bấm huyệt và các loại thảo dược cũng có hiệu quả ở người bệnh hen.

Linh Nhi

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính