Câu chuyện ở đây là bạn hoàn toàn có thể đụng mặt một con rắn vào lúc bất ngờ nhất. Ở một đất nước nóng ẩm như Việt Nam, rắn bò vào nhà là hiện tượng không hiếm, nhất là tại khu vực miền núi. Lúc đó, việc biết được con rắn ấy có độc hay không trở nên thực sự quan trọng.
Vậy rắn độc và rắn không độc khác nhau ở điểm gì?
Mỗi loài rắn sẽ có những điểm đặc trưng khác nhau, nhưng về cơ bản việc chúng có độc hay không sẽ được phân biệt qua một yếu tố sau đây (dù sẽ có ngoại lệ).
Mắt
Chính xác hơn thì là con ngươi. Những loài rắn không độc thường có con ngươi tròn, trong khi rắn độc thì con ngươi sọc dọc. Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ, khi con ngươi của một số loài rắn kịch độc như mamba đen (châu Phi), rắn hổ (Trung Đông, châu Á, châu Phi), và rắn taipan của Úc lại có hình tròn.
Ngoài ra, một số loài rắn dù không độc nhưng lại có khả năng thay đổi hình dạng con ngươi tùy theo tình huống nguy hiểm hay không. Vậy nên, nếu thấy tròng mắt của một con rắn có hình tròn thì cũng đừng vội tiếp cận nó. Hãy xem các đặc điểm khác nữa.
Mũi
Với các loài rắn độc, ở khoảng giữa mắt và lỗ mũi của chúng sẽ có cái hốc nhỏ. Đó là lỗ cảm nhận nhiệt, cho phép chúng xác định vị trí của con mồi.
Đầu
Hầu hết các loài rắn độc có phần đầu hình tam giác, bành rộng hơn so với phần cổ và thân hình. Trong khi đó, rắn không độc thường có đầu tròn hơn.
Đuôi
Vảy đuôi của rắn độc thường được phân thành từng hàng riêng lẻ, trong khi rắn không độc sẽ có một đường chia thành 2 cột vảy xen kẽ nhau.
Màu sắc, họa tiết
Rắn độc thường có màu nổi bật, và có thể phát ra những tiếng rít rất đặc trưng (giống như âm thanh của rắn đuôi chuông). Dĩ nhiên cũng có vài ngoại lệ, nhưng thường là như vậy.
Ngoài ra, nếu trên da rắn có những vân họa tiết hình kim cương, hoặc có từ 3 màu trở lên, đó nhiều khả năng là một con rắn độc.
Với rắn nước
Rắn nước cũng có con độc con không. Rắn nước độc, chúng thường bơi theo kiểu nổi toàn thân, còn rắn không độc thì chỉ nổi đầu, thân mình giấu dưới mặt nước.
Phải làm gì nếu không may bị rắn cắn?
Đừng nghĩ là chỉ rắn độc mới biết cắn. Rắn không độc cũng cắn vậy, chỉ là vết cắn của chúng là khác nhau.
Nọc của rắn độc giấu trong 2 răng nanh, nên nếu vết cắn của bạn có hai lỗ rất sâu thì nhiều khả năng đó là một con rắn có độc.
Hơn nữa, rắn độc cắn sẽ rất đau, vết cắn sẽ nhanh chóng sưng lên. Bạn cũng sẽ sớm cảm thấy khó thở, buồn nôn, huyết áp tăng, cơ bắp lịm dần, cơ thể gây sốt.
Khi bị rắn độc cắn, việc đầu tiên bạn cần làm là đến cơ sở y tế gần nhất để lấy thuốc giải (nhớ mang theo con rắn hoặc ảnh chụp con rắn để các y bác sĩ nhận định dễ hơn). Lưu ý: không hút độc ra, vì điều đó sẽ khiến các mô xung quanh bị tổn thương còn nhiều hơn là không hút.
Trong lúc chờ đợi bác sĩ, hãy hạn chế vận động để nọc độc không lan ra nhanh hơn.
Vân AnhBạn đang xem bài viết Những bí kíp phân biệt rắn có độc hay không để bớt hoảng sợ khi gặp tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].