Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết, tam thất đứng đầu bảng trong số các vị thuốc Đông y, dân gian có câu nói “thứ nhất tam thất, thứ nhì nhân sâm”.
Tam thất là vị thuốc quý, được sử dụng lâu đời, nhưng không phải trường hợp nào, bệnh nào cũng dùng được tam thất, thậm chí với một số người, dùng tam thất có thể gây phản tác dụng.
Những ai không nên uống tam thất
Phụ nữ có thai
Phụ nữ đang mang thai, nhất là trong 3 tháng thời kỳ đầu không nên sử dụng tam thất. Phụ nữ giai đoạn này đang có những biến đổi về máu và nội tiết khá lớn. Củ tam thất vừa bổ máu sinh huyết nhưng nó cũng có tác dụng tiêu huyết và tiêu u. Vì những lý do đó mà dùng tam thất lúc này không tốt cho cơ thể, thậm chí còn gây sảy thai.
Phụ nữ trong thời kỳ hành kinh
Bột tam thất tác dụng thúc đẩy quá trình lưu thông máu và loại bỏ huyết ứ. Uống trong thời kỳ kinh nguyệt sẽ dễ gây ra máu nhiều. Tuy nhiên với người bị rối loạn kinh nguyệt thể huyết ứ thì có thể dùng bột tam thất để điều hòa kinh nguyệt.
Trẻ vị thành niên
Bột tam thất có tác dụng thúc đẩy quá trình lưu thông máu và loại bỏ huyết ứ, nên trẻ em trong thời kỳ phát triển, chức năng tạng phủ chưa mạnh, nếu sử dụng bột tam thất không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển.
Người bị cảm mạo
Do tam thất có tính hàn nên người đang bị cảm lạnh không nên sử dụng. Nguyên nhân, tam thất có thể làm cho bệnh cảm lạnh trầm trọng hơn. Khi bị cảm mạo, người bệnh nên uống trà gừng hoặc sử dụng tinh dầu tỏi. Bệnh nhân cũng cần cố gắng giữ ấm cho cơ thể, uống nhiều nước và nghỉ ngơi để cơ thể có thể phục hồi nhanh.
Nên dùng tam thất như thế nào là tốt nhất?
Tam thất có nhiều công dụng khác nhau. Tam thất thường được chế biến dưới dạng bột. Tam thất uống lúc nào còn phụ thuộc vào mục đích sử dụng, tình trạng bệnh cũng như phương pháp kết hợp tam thất cùng với các dược liệu khác.
Có thể kết hợp bột tam thất với mật ong đun sôi để uống điều trị các bệnh liên quan tới đường ruột. Nên uống vào buổi sáng sau khi thức dậy giúp làm sạch ruột.
Cho vài lát tam thất vào để hầm gà hoặc chim bồ câu giúp tăng thêm độ thơm ngon cho món ăn và chữa bệnh hiệu quả hơn.
Để bồi bổ sức khỏe, những người khỏe mạnh có thể uống bột tam thất mỗi ngày 1 lần. Những người có thể trạng gầy yếu, khí huyết kém thì có thể sắc nước uống từ 2 -3 ngày 1 lần.
Liều dùng tam thất thông thường, mỗi ngày sắc lấy nước uống từ 5 - 10g, uống bột từ 1,5 - 3,5g, dùng ngoài không kể liều lượng.
Nếu sử dụng bột tam thất để chữa bệnh, cần hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất.
V.LinhBạn đang xem bài viết Tam thất rất tốt nhưng 4 trường hợp không nên ăn tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].