Nhịn ăn, kiêng khem ngặt nghèo chữa ung thư phổi
Cách đây hơn 3 tháng, ông T.H.L. (58 tuổi, ở Bắc Ninh) có biểu hiện ho ra máu, khó thở, tức ngực nên được người nhà đưa đi bệnh viện thăm khám. Kết quả thăm khám cho thấy ông L. bị ung thư phổi giai đoạn cuối và có dấu hiệu di căn.
Theo những gì mà bác sĩ điều trị cho biết thì tình trạng bệnh của ông L. phát hiện ở giai đoạn muộn nên việc điều trị không đem lại nhiều kết quả. Hiện, các biện pháp điều trị chỉ có thể làm giảm triệu chứng, giảm đau và kéo dài sự sống cho ông.
Kết quả nhận được như một “bản án tử hình” đối với ông T.H.L. và người thân của ông. Không chấp nhận số phận, người thân của ông đã tìm đến phương pháp thực dưỡng chữa ung thư.
Con gái ông L. cho biết rằng: “Tôi tìm hiểu thông tin trên mạng internet thấy có rất nhiều người mắc ung thư, trong đó có ung thư phổi áp dụng thực dưỡng bằng gạo lứt muối mè thành công.
Bản thân tôi cũng đã từng gặp một bệnh nhân ung thư đại tràng, người này là bà con xa với tôi, cô ấy áp dụng phương pháp chỉ ăn gạo lứt muối mè và thấy sức khỏe của mình tốt lên từng ngày”.
Chính vì tin tưởng những chia sẻ của bệnh nhân ung thư nên con gái ông L. đã tự tìm hiểu và lên cho bố mình một kế hoạch thực dưỡng chữa bệnh. “Theo chỉ dẫn của một bệnh nhân ung thư thì để đạt hiệu quả, bố tôi cần phải trải qua những ngày nhịn ăn để cơ thể đào thải các độc tố, lập lại cân bằng âm dương.
Trước khi nhịn ăn phải tập cho cơ thể quen dần bằng cách ăn ít hơn và ăn cháo loãng dần. Trong những ngày nhịn ăn không được ăn uống thứ gì ngoài nước lọc, khả năng nhịn được bao nhiêu ngày tùy thuộc cơ địa từng người, nhưng trong quá trình nhịn cần luôn lắng nghe cơ thể mình, theo dõi mạch, nhiệt độ…
Áp dụng chế độ ăn số 7 – 100% gạo lứt muối mè được cho là phương pháp nhanh nhất để chữa lành mọi bệnh tật, trong đó có bệnh ung thư phổi.
Điều quan trọng nhất khi áp dụng phương pháp chữa bệnh này là phải tin tưởng đến cùng, có ý chí cao trong thời gian chữa bệnh”.
Không chỉ áp dụng phương pháp ăn gạo lứt muối mè chữa bệnh, mà nhiều bệnh nhân ung thư phổi còn chia sẻ với nhau những cách kiêng khem ngặt nghèo trong ăn uống.
BSCKI Nguyễn Đức Hạnh, Phó trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ: “Trong quá trình thăm khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân, tôi thấy nhiều bệnh nhân chia sẻ cho nhau phương pháp kiêng ăn thịt đỏ, kiêng ăn đường, kiêng ăn sữa… với lối suy nghĩ bỏ đói khối u để khối u không thể phát triển và sẽ dần dần biến mất. Thậm chí nhiều bệnh nhân bảo nhau không ăn thực phẩm có chất đạm, nhịn ăn vì sợ ăn nhiều sẽ nuôi khối u phát triển nhanh hơn”.
Bệnh tăng nặng vì ăn uống kiêng khem quá mức
Bác sĩ Nguyễn Đức Hạnh cho biết thêm: “Với bệnh nhân ung thư, trong đó có ung thư phổi, việc thực hiện biện pháp thực dưỡng chữa bệnh, ăn kiêng bỏ đói khối u là hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Bệnh nhân ung thư phổi kiêng khem quá mức không những không làm bệnh giảm đi mà còn làm sức khỏe suy kiệt, bệnh diễn tiến nặng hơn và gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Trong các phương pháp điều trị ung thư phổi, tôi chưa thấy có phương pháp điều trị bệnh bằng chế độ ăn. Có chăng chỉ là việc các bác sĩ khuyến cáo một chế độ ăn uống khoa học, với đầy đủ các chất dinh dưỡng để giúp bệnh nhân nâng cao thể trạng, nâng cao sức đề kháng, từ đó giúp quá trình điều trị bệnh đạt hiệu quả hơn.
Một điều hết sức vô lý mà nhiều bệnh nhân ung thư vẫn tin tưởng đó là dù mắc các bệnh ung thư khác nhau, các giai đoạn bệnh khác nhau nhưng lại được hướng dẫn chung một cách thức, một thực đơn chữa bệnh.
Điều này là không có cơ sở khoa học. Bởi, bác sĩ chúng tôi khi điều trị bệnh với mỗi loại bệnh ung thư khác nhau, mỗi giai đoạn bệnh khác nhau phải dùng những phương pháp điều trị khác nhau.
Hơn nữa, nếu bệnh nhân cùng bị ung thư phổi, cùng mắc bệnh ở giai đoạn cuối thì tùy thuộc cơ địa mỗi người, khả năng đáp ứng thuốc của mỗi người mà sẽ dùng loại thuốc, liều lượng thuốc phù hợp. Vậy nên, không thể có chuyện cùng một phương pháp có thể điều trị bệnh cho rất nhiều người”.
Chỉ vì nghe người ta mách nhịn ăn bỏ đói khối u, chỉ ăn gạo lứt muối mè, kiêng thịt đỏ, đường, sữa… mà bệnh nhân ung thư bị suy kiệt sức khỏe phải vào cấp cứu.
Thậm chí có không ít trường hợp bệnh nhân vì điều trị bệnh theo kiểu truyền miệng mà bệnh tình trở nên nặng hơn, không hồi phục được.
Mặc dù các bác sĩ đã giải thích rất nhiều lần thực dưỡng điều trị ung thư là phương pháp phản khoa học và khuyên bệnh nhân không nên chữa bệnh theo kiểu truyền miệng.
Nhưng đa phần ở các khoa, phòng điều trị ung thư đều có tình trạng bệnh nhân truyền tai nhau cách ăn uống chưa bệnh mà không nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ, để rồi phải trả giá bằng cả tính mạng.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Nhịn ăn, chỉ ăn gạo lứt, muối mè có chữa được ung thư phổi hay không? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].