Báo Điện tử Gia đình Mới

Năm học 2021-2022, nhiều trường đại học tăng học phí

Năm học 2021-2022, nhiều trường đại học bắt đầu áp dụng cơ chế tự chủ sẽ có mức thu học phí tăng vọt so với năm học trước.

Hầu hết trường đại học hiện nay đã công bố đề án tuyển sinh năm 2021. Trong đó, mức thu học phí dự kiến cho các hệ đào tạo của năm học tới cũng được các trường công bố. Học phí ở nhiều trường đồng loạt tăng mạnh, nhất là những trường có tỉ lệ chọi cao. 

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra mức học phí năm 2021 dự kiến như sau:

Chương trình đào tạo chuẩn từ 22 - 28 triệu đồng/năm; các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến và chất lượng cao (ELiTECH) từ 40 - 45 triệu đồng/năm.

Các chương trình như: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (IT-E10, IT-E10x); Công nghệ thông tin Việt Pháp (IT-EP, IT-EPx); Logistic và quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14, EM-E14x) đều có học phí từ 50 - 60 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, học phí của chương trình Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế từ 45 - 50 triệu đồng/năm; chương trình đào tạo quốc tế từ 55 - 65 triệu đồng/năm; chương trình hợp tác đào tạo với ĐH Troy khoảng 80 triệu đồng/3 kỳ/năm.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, theo lộ trình tăng học phí từ năm 2020 đến 2025, mức tăng trung bình khoảng 8%/năm học và không vượt quá mức 10%/năm học đối với từng chương trình đang triển khai đào tạo để phù hợp với lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo vào học phí đến năm 2025.

Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM)

PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết từ khóa tuyển sinh năm 2021, trường xác định một mức học phí mới, dự kiến tăng với tất cả các ngành.

Theo đó, so với học phí hiện tại (khoảng 12 triệu đồng/năm), học phí mới chương trình đào tạo đại trà sẽ tăng cao gấp đôi, lên mức 25 triệu đồng/năm. Chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật ở mức 50 triệu đồng/năm. Chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Anh là 66 triệu đồng/năm. Hai chương trình đào tạo chất lượng cao sẽ tăng 10% so với hiện nay.

  Học phí của nhiều trường đại học tăng trong năm học mới.

Học phí của nhiều trường đại học tăng trong năm học mới.

Trường ĐH Hà Nội:

Đại diện trường ĐH Hà Nội cho biết, tổng mức học phí trong 4 năm (tính từ 2017 đến nay) của các chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ là 73 triệu đồng; các chuyên ngành dạy bằng tiếng Anh là 83,5 triệu đồng. Trường cam kết giữ nguyên mức học phí trong 4 năm kể từ khi sinh viên bắt đầu vào trường cho tới khi tốt nghiệp.

Sang năm 2021, mức học phí của trường có sự điều chỉnh theo hướng tăng nhẹ nhưng không quá 10%. Cụ thể, với các chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ có mức học phí 80 triệu đồng/4 năm; học phí các chuyên ngành giảng dạy bằng ngoại ngữ khoảng 90 triệu đồng/4 năm.

Theo thông báo của ĐH Ngoại thương, học phí dự kiến với chương trình đại trà là 20 triệu đồng/sinh viên/năm. Học phí chương trình chất lượng cao dự kiến là 40 triệu đồng/năm, chương trình tiên tiến dự kiến 60 triệu đồng/năm.

Học viện Ngân hàng công bố mức học phí năm học 2021-2022 sẽ áp dụng theo quy định mới về khung học phí. Học phí các chương trình tiên tiến, chất lượng cao hoặc học bằng tiếng Anh là 130 triệu đồng/ 4 năm. Chương trình cử nhân quốc tế (liên kết với Đại học CityU) dao động từ 120-160 triệu đồng/4 năm.

Chương trình cử nhân quốc tế (liên kết với Đại học Sinderland, Vương quốc Anh) học phí khoảng 315 triệu đồng bao gồm 3 năm đầu khoảng 175 triệu đồng. Chương trình cử nhân định hướng Nhật Bản cấp bằng đại học chính quy của Học viện ngân hàng là 108 triệu đồng cho 4 năm học.

Lý giải về việc tăng học phí, lãnh đạo trường ĐH Bách khoa cho biết, khi các trường tự chủ không còn được Nhà nước hỗ trợ ngân sách, ngưng cấp chi thường xuyên nên việc phải tăng học phí để bù vào các khoản hụt thu là tất yếu. Hiện nay các cơ sở giáo dục xây dựng học phí theo thông tư 14 của Bộ GD-ĐT quy định chi tiết định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo.

Theo đó, các trường sử dụng ngân sách nhà nước sẽ áp theo định mức do Bộ GD-ĐT ban hành. Trên cơ sở đó, các trường xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị nhưng không được vượt quá mức trần. Còn các trường thực hiện tự chủ sẽ tự xây dựng mức giá trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do trường ban hành.

Nghị định 86/2015 của Chính phủ đã quy định mức thu học phí, dịch vụ tuyển sinh, các khoản dịch vụ khác. Đối với các trường đại học tự chủ, Nhà nước quy định mức trần học phí cho mỗi trường.

Như vậy khi các trường áp dụng cơ chế tự chủ, Nhà nước không cấp chi thường xuyên, lúc đó học phí sẽ phải bù vào một phần. Vì vậy, việc tăng học phí là điều tất yếu, không thể khác được, để nhà trường tiếp tục tổ chức hoạt động đào tạo.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO