Cụ thể, tại Việt Nam có khoảng 10% dân số mắc các bệnh liên quan tới rối nhiễu tâm trí, số lượng người trầm cảm, tự kỷ, lo âu gia tăng nhanh. Ngoài ra, khoảng 200.000 người tâm thần nặng đang điều trị tại các trung tâm chăm sóc, cơ sở y tế thì ngoài xã hội vẫn có nhiều người mắc bệnh tâm thần và tâm lý xã hội nhẹ chưa được tiếp cận các dịch vụ phù hợp.
Theo thứ trưởng Đào Hồng Lan, các vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội không những ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới trí lực của người dân và thanh thiếu niên.
Cùng ý kiến đó, ông Friday Nwaigwe – Quyền Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho hay, tại Việt Nam, trẻ em vùng xa xôi hẻo lánh hoặc dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương khi gặp các vấn đề tâm lý ít nhận được sự hỗ trợ phù hợp do khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu hụt về nguồn nhân lực, chuyên môn nhân sự chưa đáp ứng được yêu cầu…
Tỉ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên. Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất trong trẻ em Việt là các vấn đề hướng nội như lo âu, trầm cảm, cô đơn, các vấn đề hướng ngoại như tăng động và giảm chú ý…
Có 4 cấp độ dẫn đến tình trạng trên gồm: Cá nhân, hộ gia đình, nhà trường và cộng đồng. Đáng lưu ý, việc tiếp cận các công nghệ hiện đại và các hành vi trực tuyến dễ gây nghiện đối với những trẻ có xu hướng sử dụng quá nhiều, đồng thời, cũng là những yếu tố nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe tâm lý xã hội.
Cũng theo ông Friday Nwaigwe , trên thế giới cứ 4 người có 1 người bị rối loạn tâm thần ở 1 giai đoạn trong cuộc đời. Khoảng 300 triệu người bị rối loạn lo âu, khoảng 10% phụ nữ mang thai bị trầm cảm, 10 - 20% trẻ em và thanh niên từ 14 tuổi trên thế giới mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội...
Ông Friday Nwaigwe nhấn mạnh, nếu không đươc điều trị kịp thời các bệnh về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng khả năng tiếp thu, khả năng sống trọn vẹn hữu ích của một đứa trẻ khi lớn lên. Bên cạnh đó, chúng còn phải đối mặt với thách thức lớn như bị kỳ thị, phân biệt đối xử, không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc cơ bản…
Để cải thiện tình hình sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cho trẻ em, thanh thiếu niên Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, chính phủ cần sớm thông qua Chiến lược Quốc gia về Sức khỏe Tâm thần , hướng trọng tâm vào việc cung ứng bảo hiểm y tế toàn dân, ưu tiên cho các vùng nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội đề xuất mong muốn trên cơ sở Luật Trẻ em, các Nghị định đã ban hành, các chuyên gia đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cho trẻ em, thanh thiếu niên Việt. Mục đích là tạo ra một nguồn nhân lực tốt, khỏe về thể chất và mạnh về tinh thần.
Ngoài ra, việc thực hiện chính sách cũng cần đến những hướng dẫn và quy định rõ ràng về trách nhiệm của tất cả các cơ quan liên quan gồm Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm đảm bảo các mục tiêu được phản ánh đầy đủ trong các chương trình và chính sách tương ứng của từng cơ quan.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường đào tạo để phát triển đội ngũ cán bộ y tế; đào tạo thêm các bác sỹ chuyên khoa tâm thần và chuyên gia tâm lý; phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp; nâng cao nhận thức công chúng về các nhu cầu sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội thể nhẹ của trẻ em và thanh niên…
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Nhiều trẻ em Việt Nam đang gặp vấn đề sức khỏe tâm thần tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].