Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa là một bệnh lý phổ biến, gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh gây ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt và cuộc sống của người bệnh. Vậy nhiễm khuẩn đường tiêu hóa là gì? Hãy cùng Nhà thuốc An Khang tìm hiểu trong bài viết này nhé!
1 Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa là gì?
Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa hay nhiễm trùng đường ruột là bệnh lý trên đường tiêu hóa gây ra do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, gây ra tình trạng đi tiêu phân lỏng hơn bình thường, tăng số lần đi tiêu trong ngày, liên tục trong nhiều ngày.
Bệnh lây nhiễm chủ yếu qua đường ăn uống, những loại thực phẩm nhiễm khuẩn.
Vào những ngày lễ, các loại thực phẩm sử dụng thường khá đa dạng. Tuy nhiên, về chất lượng và nguồn gốc có thể không đảm bảo hoàn toàn vệ sinh, do đó vào những dịp này thì số ca bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa thường tăng lên.
Những thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh là môi trường để vi sinh vật phát triển. Nếu ăn phải những loại thức ăn này, vi sinh vật sẽ có cơ hội xâm nhập và tấn công niêm mạc đường tiêu hóa gây rối loạn hấp thu nước và các chất dinh dưỡng, từ đó dẫn đến tiêu chảy.
Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa là tình trạng đi tiêu phân lỏng hơn bình thường
2 Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa
Nhiễm khuẩn tiêu hóa do vi khuẩn
Tình trạng nhiễm khuẩn tiêu hóa do vi khuẩn bao gồm hai thể bệnh là nhiễm trùng do thực phẩm và ngộ độc thực phẩm. Các loại vi khuẩn phổ biến gây nhiễm trùng đường tiêu hóa như:
- Salmonella.
- E.Coli.
- Clostridium perfringens.
- Listeria.
- Staphylococcus.
Những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường ruột có thể lây bệnh sang cho người khác thông qua thực phẩm ăn chung hoặc chất thải không được xử lý đúng cách.
E.Coli là tác nhân thường gặp gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do vi khuẩn
Nhiễm khuẩn tiêu hóa do virus
Nhiễm khuẩn tiêu hóa do virus thường xuất hiện dưới dạng viêm ruột do virus, đây là tình trạng nhiễm trùng tiêu hóa cấp tính gây sưng đỏ ở ruột. Bệnh thường xuất hiện ở những người có hệ miễn dịch kém như bệnh nhân suy giảm miễn dịch, trẻ sơ sinh, người lớn tuổi.
Các virus hàng đầu gây viêm ruột như rotavirus, norovirus,... Khi nghi ngờ bệnh nhân bị viêm ruột do virus thì cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Nhiễm khuẩn tiêu hóa do virus thường xuất hiện dưới dạng bệnh cảnh là viêm ruột do virus
Nhiễm khuẩn tiêu hóa do ký sinh trùng
Bệnh cảnh nhiễm khuẩn tiêu hóa do ký sinh trùng thường xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với phân người bệnh trong đất, ai cũng có thể bị mắc bệnh, đặc biệt là khi ăn uống các thực phẩm và nguồn nước kém vệ sinh.
Các loại ký sinh trùng thường gặp gây nhiễm khuẩn tiêu hóa ở người như: giun sán, Giardia, Cryptosporidiosis,...
Giardia là ký sinh trùng phổ biến gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa
3 Dấu hiệu nhiễm khuẩn đường tiêu hóa
Thông thường bệnh lý nhiễm trùng đường tiêu hóa do những nguyên nhân khác nhau đều có các triệu chứng tương tự nhau mặc dù có thể khác nhau về mức độ nặng.
Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiêu hóa bao gồm:
- Tiêu chảy.
- Buồn nôn, nôn.
- Đau quặn bụng.
- Chán ăn, ăn không ngon.
- Sốt.
- Mất cân bằng nước và điện giải.
- Mệt mỏi, suy nhược.
- Đầy hơi, chướng bụng.
- Vã mồ hôi.
- Tim đập nhanh.
- Sụt cân.
Đau quặn bụng là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân nhiễm khuẩn đường tiêu hóa
4 Biến chứng của nhiễm khuẩn đường tiêu hóa
Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn đường tiêu hóa mức độ nhẹ, khi bệnh nhân đi tiêu lỏng thì phân và các chất độc cũng được đào thải ra ngoài, bệnh nhân có thể tự hồi phục nhanh chóng.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp nhiễm khuẩn đường tiêu hóa mức độ nặng, việc lượng nước trong cơ thể mất quá nhiều qua phân sẽ làm giảm khối lượng tuần hoàn khiến cô đặc máu, rối loạn huyết động, từ đó làm giảm huyết áp gây trụy tim mạch dẫn đến tử vong.
Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa mức độ nặng có thể gây trụy tim mạch dẫn đến tử vong
5 Chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiêu hóa
Lâm sàng
Khi đến các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân nhiễm khuẩn đường tiêu hóa bao gồm tiêu chảy, nôn mửa, đau quặn bụng, chóng mặt, vã mồ hôi, tim đập nhanh,... đồng thời kết hợp với tiền sử ăn uống, sinh hoạt và du lịch đến các vùng có yếu tố dịch tễ của bệnh nhân để đưa ra hướng chẩn đoán phù hợp.
Bên cạnh đó, đối với bệnh nhân nhiễm khuẩn đường tiêu hóa thì tình trạng mất nước của bệnh nhân là cực kỳ quan trọng. Bác sĩ thường dựa vào các dấu hiệu như da niêm khô, giảm lượng nước tiểu, dấu véo da mất chậm, tụt huyết áp,... Tùy vào nguyên nhân gây bệnh và sức khỏe hệ miễn dịch của từng người mà mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau.
Nôn mửa là dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân nhiễm khuẩn đường tiêu hóa
Lâm sàng một số nguyên nhân thường gặp
Các dạng lâm sàng tùy vào nguyên nhân gây bệnh như:
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do virus bao gồm các triệu chứng lâm sàng chung. Tuy nhiên, các triệu chứng này khởi phát đột ngột và kéo dài dưới 1 tuần.
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do vi khuẩn bao gồm các triệu chứng tương tự nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do virus nhưng bệnh nhân có thể sốt cao hơn, có trường hợp tiêu chảy ra máu.
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do ký sinh trùng thường tiêu máu hoặc tiêu nhầy và kéo dài cho đến khi được điều trị dứt điểm.
Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do vi khuẩn thường có triệu chứng sốt cao
Xét nghiệm
Đối với nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, bác sĩ thường thực hiện một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu: giúp xác định tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân, dấu hiệu mất nước, rối loạn điện giải, chức năng gan và thận.
- Cấy và soi phân: giúp xác định nguyên nhân gây bệnh.
Xét nghiệm máu giúp xác định tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân
Chẩn đoán hình ảnh
Một số cận lâm sàng hình ảnh thường được sử dụng như:
- Siêu âm bụng tổng quát: thăm dò các cơ quan nội tạng trong ổ bụng nếu bác sĩ nghi ngờ dấu hiệu đau bụng ngoại khoa dựa tình trạng đau bụng của bệnh nhân.
- X quang bụng không chuẩn bị: đánh giá tình trạng tắc ruột.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT - scan) ổ bụng: cho thấy hình ảnh chi tiết các cơ quan trong ổ bụng.
Siêu âm bụng là một cận lâm sàng đầu tay thường sử dụng ở bệnh nhân đau quặn bụng
Nội soi
Thường bác sĩ sẽ chỉ định nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng để khảo sát những tổn thương bên trong đường tiêu hóa nhằm đánh giá thương tổn, làm các xét nghiệm liên quan đến Helicobacter pylori hay thậm chí là lấy mẫu sinh thiết để làm giải phẫu bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ có hướng điều trị cho phù hợp.
Nội soi tiêu hóa trên giúp bác sĩ khảo sát được các thương tổn bên trong đường tiêu hóa
6 Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Khi xuất hiện các tình trạng tiêu phân lỏng nhiều lần, đau quặn bụng, sốt, tim đập nhanh, lơ mơ, vã mồ hôi, run tay chân,... thì bạn nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng nề gây nguy hiểm đến tính mạng.
Khi mắc phải tình trạng tiêu phân lỏng nhiều lần, đau quặn bụng thì bạn nên đến gặp bác sĩ ngay
Nơi điều trị bệnh tiêu hóa uy tín
Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu. Ngoài ra có thể tham khảo 1 số bệnh viện/ phòng khám sau:
- Tp.Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bình Dân,...
- Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Quân đội 108,...
Bệnh viện Bạch Mai, số 78 Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội
7 Điều trị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa
Điều trị tại nhà
Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn tiêu hóa mức độ nhẹ, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà bằng các phương pháp sau:
- Bù nước và điện giải: bệnh nhân bị tiêu chảy cấp thường xảy ra tình trạng mất nước, rối loạn điện giải bên trong cơ thể. Do đó, bệnh nhân cần phải được uống đủ nước và bù các dung dịch điện giải để cân bằng lại.
- Các điều trị hỗ trợ khác như:
- Nghỉ ngơi hợp lý.
- Ăn uống lành mạnh, ăn từ loãng đến đặc.
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm khó tiêu hóa,...
Nên uống bổ sung đủ nước khi bạn bị nhiễm trùng đường tiêu hóa
Điều trị tại cơ sở y tế
Tại các cơ sở y tế, bệnh nhân được điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng.
- Đối với nhiễm vi khuẩn: bác sĩ thường sử dụng kháng sinh là chủ yếu. Một số loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị như Ciprofloxacin, Metronidazole,...
- Đối với nhiễm virus: sử dụng thuốc kháng virus. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì thường chủ yếu là điều trị triệu chứng.
- Đối với nhiễm ký sinh trùng: sử dụng thuốc chống ký sinh trùng.
Khi tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn thì bác sĩ thường sử dụng kháng sinh
8 Cách phòng tránh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa
Để phòng tránh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, bạn có thể thực hiện các phương pháp sau:
- Ăn chín, uống sôi, tránh sử dụng nguồn nước nhiễm khuẩn.
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm ôi thiu, quá hạn sử dụng.
- Rửa tay với xà phòng thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Bổ sung men vi sinh và lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe.
Lựa chọn sử dụng các thực phẩm tươi sạch để phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa
Xem thêm:
- 4 nguyên nhân tiêu chảy cấp giúp bạn nhận biết bệnh chính xác
- 7 nguyên nhân viêm ruột bạn nên biết
- Rối loạn tiêu hóa ở trẻ
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích về các dấu hiệu nhận biết, cách phòng tránh nhiễm khuẩn đường tiêu hoá vào ngày lễ. Nếu bạn cảm thấy bài viết hay, hãy chia sẻ cho bạn bè và gia đình cùng tham khảo nhé!
Nguồn: Sức khỏe và đời sống, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, National Library of Medicine
Bạn đang xem bài viết Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa: Các dấu hiệu bệnh và cách xử trí tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].