Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thường được gọi tắt là bệnh viện 108, trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam là bệnh viện tuyến cuối của quân đội ở khu vực phía bắc, có nhiệm vụ khám chữa bệnh cho cán bộ cấp cao trong quân đội, cán bộ cấp cao Đảng - Nhà nước, và các đối tượng khác.
Những năm gần đây, càng có nhiều người biết đến khoa sản của bệnh viện 108. Được cho là chất lượng dịch vụ tốt ngang với các bệnh viện sản hàng đầu, nhưng lại không bị quá đông đúc, nên nhiều chị em lựa chọn sinh nở tại đây.
Nếu bạn đang có ý định chọn bệnh viện sinh đảm bảo tiêu chí tốt và vắng, mời tham khảo kinh nghiệm sinh nở tại bệnh viện 108 của chị Vũ Thảo Hương.
Được biết cả hai lần sinh nở, chị Vũ Thảo Hương đều chọn bệnh viện 108, lần đầu vào năm 2016 và lần thứ hai vào mùng 4 Tết năm 2019 mới đây.
Kinh nghiệm sinh nở tại bệnh viện 108
Khoa sản của bệnh viện 108 chia làm hai khu sinh nở: khu sinh trọn gói theo yêu cầu và khu sinh thường. Chị Thảo Hương chọn sinh dịch vụ, giá trọn gói là khoảng 20 triệu nếu đẻ thường và khoảng 35 triệu nếu đẻ mổ.
Để đăng kí sinh nở tại đây, từ 36 tuần, bạn vào viện làm hồ sơ sinh và các xét nghiệm. Khi đến làm hồ sơ sinh, sẽ có nhân viên y tá hướng dẫn và đưa lên từng phòng, bà bầu không cần phải xếp hàng.
Nếu sinh ở khu sinh thường, bạn cần phải làm hồ sơ từ tuần thứ 28 và theo dõi, siêu âm tại bệnh viện đến khi sinh nở. Sau 28 tuần, bệnh viện sẽ không tiếp nhận hồ sơ sinh nữa.
Khi đi sinh, bạn không cần phải mang theo đồ đạc gì, vì ở viện đã có đủ mọi thứ, bỉm, sữa, đồ dùng cho mẹ, đồ dùng cho bé.
Khi có dấu hiệu sinh, bạn được y tá cho nằm đo máy, kiểm tra liên tục và hỗ trợ sinh thường.
Có một vấn đề tế nhị nhiều mẹ quan tâm, đó là gửi phong bì cho ê-kip đỡ đẻ. Nhưng ở viện 108, bạn không cần lo lắng về điều này. Theo như chị Hương chia sẻ, “có đưa thì họ cũng không nhận”.
Về phòng ốc trong viện, phòng khá sạch sẽ, có phòng vệ sinh riêng, bình nóng lạnh, tủ lạnh, điều hòa, ti vi, wifi đầy đủ. Mỗi phòng có hai giường và có giường cho người nhà sản phụ ngủ cạnh, nôi riêng cho em bé cũng được trang bị đầy đủ.
Sau khi em bé chào đời, y tá sẽ cho bé ăn, tắm rửa, theo dõi thường xuyên cho bé và hướng dẫn mẹ cách thay tã cho bé. Nếu có vấn đề gì, mẹ chỉ cần bấm chuông, y tá sẽ đến hỗ trợ ngay, dù là nửa đêm.
Ngoài ra, tuyệt vời hơn cả là y tá cũng sẽ vệ sinh, thay bỉm, kiểm tra vết khâu tầng sinh môn hoặc vết mổ cho mẹ 3 lần/ ngày. Nên các mẹ mới sinh không cần phải phiền người nhà nữa.
Về ăn uống, sản phụ được phục vụ 4 bữa ăn/ ngày với thực đơn đa dạng.
Buổi sáng, em bé sẽ được tắm vào lúc 8 giờ. Sau 24 giờ, em bé được cắt rốn laze, tiêm đủ mũi viêm gan B và vitamin K. Nếu muốn lấy máu gót chân, bạn hãy nói với bác sỹ.
Nếu bạn đẻ thường sẽ lưu viện 2 ngày, 3 ngày nếu đẻ mổ. Nếu ở lại thêm sẽ tính giá phòng. Khi ra viện sẽ có quà mang về.
Điều ấn tượng hơn cả là từ bác sỹ, y tá, điều dưỡng đến lao công đều nhẹ nhàng, tình cảm và nhiệt tình hỗ trợ sản phụ.
Theo như chia sẻ của chị Hương, lần sinh đầu chị đăng ký đẻ khu thường của bệnh viện 108 với chi phí khoảng 3,5 triệu đồng. Ở khu thường, sản phụ vẫn được phục vụ bữa ăn sau sinh đầy đủ và hoàn toàn miễn phí.
Lần sinh nở thứ hai này, chị chọn khu đẻ trọn gói. “Dù đắt hơn nhiều so với khu thường ở lần sinh nở đầu, nhưng cũng đáng. Tuyệt hơn cả là lần thứ hai này, mình còn không cần nhờ người nhà vào chăm vì bệnh viện đã lo hết. Đây cũng là lựa chọn phù hợp cho các mẹ nếu ngại cảnh chen chúc, đông đúc ở các bệnh viện sản khác”, chị Hương chia sẻ ấn tượng khi sinh tại bệnh viện 108.
Minh Hồng - Ảnh: NVCCBạn đang xem bài viết Nhật ký sinh nở ‘heo vàng’ tại bệnh viện 108: Phòng ốc sạch sẽ, em bé được cắt rốn laze tại chuyên mục Sổ tay của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].