Như phần 2 mình đã viết, Bali đúng là sở hữu combo những trải nghiệm vượt giới hạn, đầu tiên là lên núi (trekking) và bây giờ là xuống biển (ra đảo).
Nusa Penida là điểm đến phổ biến nhất dành cho mọi du khách của Bali và vấn đề đau đầu nhất của bất cứ ai đến du lịch Bali, cũng như mình, là nên dành thời gian bao lâu ở đảo này. Câu trả lời sẽ có ngay dưới đây.
Nếu chỉ có 1 ngày: Hãy chiêm ngưỡng những tuyệt tác thiên nhiên nổi tiếng Nusa Penida
Ai đến Nusa Penida cũng sẽ vội vàng xếp lịch đến thăm ngay 4 điểm cực kì hút khách của đảo này, đó là Kelingking Beach, Angel’s Billabong, Broken Beach và Crystal Bay.
Rõ ràng ai chưa check in được ít nhất 4 điểm trên thì chẳng thể chứng minh được là mình đã đến Nusa Penida. Thời gian để đến check in và khám phá 4 điểm bạn phải sắp xếp nguyên 1 ngày, ít nhất 8 tiếng đồng hồ, đi từ sớm.
Phân bổ thời gian như sau: Tổng thời gian di chuyển 4 điểm khoảng 2,5 giờ kể cả ăn trưa, Angel’s Billabong 1 giờ, Broken Beach 0,5 giờ, Kelingking Beach 2 giờ, Crystal Bay 2 giờ.
Thứ nhất, đường đến các điểm này tương đối ngoằn ngoèo, không đẹp lắm, nhỏ và khá xa. Xe thường không di chuyển nhanh được nên mất nhiều thời gian để đến nơi.
Xấu nhất phải kể đến quãng đường đến điểm Angel’s Billabong với độ 1km đường ổ voi, à không, ổ khủng long mới đúng. Có những cái ổ, bánh xe rơi vào mà mình tưởng xe đổ ngang đến nơi rồi.
Thời gian đi qua 1km này mất nửa tiếng đồng hồ mà dài như mấy tiếng, xóc cứ gọi là lộn ruột lộn gan. Đường đến các điểm còn lại thì lác đác một vài đoạn ngắn xấu kiểu như vậy nhưng không đáng kể lắm.
Thứ hai, các điểm đến đều rộng, đều đẹp và cần nhiều thời gian khám phá và sống ảo.
Cụ thể, riêng điểm Kelingking Beach, để leo lên leo xuống thăm thú bãi biển nước xanh cát trắng đẹp như mộng mất tổng thời gian khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ.
Đường xuống bãi biển Kelingking bạn sẽ được đi qua những bậc thang đất và rào gỗ được đóng chằng chắc chắn nhưng trông thì cũng hết hồn đấy. Nếu không xuống bãi biển, bạn có thể trekking nhẹ trên sống lưng núi bằng một con đường mòn ngắm cảnh, còn nếu máu, đi triệt để thì chắc chắn mất một buổi luôn.
Điểm Angel’s Billabong, nhóm mình đi vào cuối mùa mưa, nước cao, sóng đánh lên cả phần nước đọng nên bị cấm bơi ở khu vực này.
Đây là một điều đáng tiếc vì khu vực này rất đẹp, nước xanh biếc nhìn rõ màu đá rêu, xung quanh 3 hướng đều là vách đá, phía trước là biển cả, nên nếu có thể xuống bơi và chụp ảnh sống ảo thì quả là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời.
Đến mùa khô, nước cạn, người ta mới cho phép khách du lịch được xuống phần nước đọng giữa các vách đá để bơi.
Nếu may mắn được đắm chìm trong làn nước của Angel’s Billabong thì có khi bạn sẽ ngốn thời gian không giới hạn mất, cho nên nhớ căn thời gian để tiếp tục hành trình nhé.
Cùng khu vực này, đi bộ qua một lối mòn là tới Broken Beach - bãi biển “thủng” - mình gọi thế. Một lỗ hổng lớn của vách đá, giúp nước tràn vào thung lũng tạo nên một bãi biển cô độc.
Vách đá này trông cũng như một chiếc cầu bắc qua dòng nước, giúp người ta có thể đi một vòng xung quanh để ngắm. Trên đường, người ta để sẵn một chiếc ghế cao chừng 1,5m để những photographer trèo lên tha hồ tác nghiệp.
Crystal Bay - điểm cuối và cũng là điểm gần cảng nhất. Đây là một bãi biển nhiều xác san hô, đá rêu và dòng nước xanh biếc. Các bạn nên căn thời gian đến điểm này vào khoảng 4 giờ chiều là đẹp, vừa chớm hoàng hôn, nắng ấm và đủ sáng để ngắm đá rêu.
Vịnh này còn hoang sơ, cực ít hàng quán và trông khá là nhếch nhác. Thậm chí ở đây còn không có chỗ để thay quần áo hay tắm tráng, xác định là mặc sẵn đồ bơi ở nhà hoặc là quây khăn để thay.
Quán ở đây người ta bán đồ uống, đồ ăn bao gồm cả cơm và hải sản đơn giản và cho thuê mặt nạ snorkeling để khách có thể ngắm những rạn đá rêu.
Biển rất nông, sóng nhẹ dập dềnh, nhiều thuyền du lịch gỗ nhỏ neo khá xa bờ và có một đảo đá nhỏ thơ mộng ngự giữa vịnh.
Biển này tắm thì không thích lắm, vì phía dưới toàn xác san hô hay đá nên dễ bị xước xát cơ thể. Cát đen dưới cát vàng thỉnh thoảng lộ ra làm cho tâm lí người tắm hơi lo lắng.
Dù thế nào thì đây cũng là điểm lí tưởng dừng chân, nghỉ ngơi, thư giãn sau chặng đường tương đối vất vả đã qua.
Nếu có ngày thứ 2: Hãy thử snorkeling hoặc scuba
Bali là một phần của Tam giác San hô - trung tâm đa dạng sinh học biển toàn cầu, khu vực bảo tồn có các loài sinh vật biển đa dạng bậc nhất thế giới. Chỉ riêng trong khu vực này, có hơn 500 loài san hô được tìm thấy, nhiều gấp gần 7 lần toàn bộ vùng biển Caribbean (theo Wikipedia). Vì thế mà phải tranh thủ trải nghiệm snorkeling hoặc scuba thôi.
Snorkeling là hoạt động phổ thông nhất dành cho bất kì du khách nào (trừ ai say sóng ra nhé). Tour này ngốn cả buổi sáng, khởi hành từ 9 giờ sáng và quay về lúc 12 giờ trưa. Mỗi tour đi như vầy khoảng 200.000 IDR/người. Tàu đón khách ở bến, cung cấp đủ áo phao, chân vịt và mặt nạ ống thở.
Một tour snorkeling người ta đưa bạn đi 4 điểm ngắm san hô và ngắm cá, may mắn thì gặp cá đuối nhé, không phải như người ta đồn là có điểm lặn ngắm cá đuối đâu, hiếm lắm đó. Nhưng san hô và các loài cá nhỏ thì có thừa.
Hưỡng dẫn viên sẽ nhảy xuống cùng đoàn, trong tay cầm thức ăn, thả để dụ cá tới. Từng đoàn cá sẽ tụ lại ăn, khách tha hồ hòa mình vào chúng. Khách cũng có thể tự cho cá ăn, chỉ cần biết lặn sâu xuống chút, giữ thức ăn trong tay, chúng sẽ bu lại chỗ của bạn, ăn uống tự nhiên, có khi chạy quanh quanh tạo thành xoáy, đáng yêu vô cùng.
Các bạn Tây khoản lặn này rất giỏi, mình mặc áo phao và không có kĩ năng lặn nên chỉ úp mặt xuống nước nhìn các bạn bơi cùng cá mà ghen tị thôi. Mình đã snorkeling nhiều nơi ở Việt Nam, Thái Lan, nhưng quả thật san hô ở Penida là những rạn to và hùng vĩ hơn hẳn, rất đáng để trải nghiệm.
Phải cảnh báo là snorkeling 4 điểm sẽ ngốn rất nhiều sức lực. Mình mặc áo phao trợ lực rồi, mà đến điểm thứ 4 mình đuối không bơi nổi về thuyền.
May mắn, mình được một bạn Tây nắm tay bơi đưa về thuyền. Cả hội Tây trông đều mệt lử và công nhận là “too hard”, vậy nên, các bạn lượng sức nhé.
Scuba (lặn sâu với bình khí) thì lại là một tầm khác. Đây là trải nghiệm đòi hỏi nhiều kĩ năng và sự chuyên nghiệp. Để có thể tham gia scuba đòi hỏi bạn phải có license (giấy phép lặn quốc tế). Và để có license bạn cần trải qua khóa huấn luyện ít nhất 3 ngày: Ngày 1 được hướng dẫn kĩ thuật, sử dụng thiết bị. Ngày 2 thực hành tại bể bơi và ngày 3 thực hành dưới biển với người hướng dẫn. Hiện ở Việt Nam có đơn vị đào tạo tại Nha Trang.
Chuyến đi 2 ngày của mình như vậy đấy, chiều ngày thứ 2 mình đã lên tàu về Sanur rồi. Tiếc thật! Nên nếu quan tâm đến Penida, mình khuyên các bạn hãy cân đối thêm thời gian.
Nếu có ngày thứ 3, mình sẽ đến Atuh Beach nữa, và nếu có ngày thứ 4 mình sẽ đến Tembeling Beach và các thác nước Peguyangan, Seganing… nữa.
Ngoài lề: Ngày đầu tiên nhóm mình có tranh thủ đi thêm thác Peguyangan, đây là điểm xa nhất phía Tây, mất nhiều thời gian di chuyển.
Đường đến thác cũng là đến một ngôi đền nên phải mang sarong theo. Tuy nhiên, đường xuống thác thật sự khó diễn tả. Nhóm mình đi mãi chưa thấy thác đâu, đền đâu thì hết kiên nhẫn quay trở lại, mệt không khác gì leo núi.
Còn quá nhiều thứ muốn khám phá ở đảo này nhưng thời gian và sức người có hạn. Mình ngồi trên thuyền hóng hớt chuyện một bạn Tây đã đi Bali lần này lần thứ 3, 2 lần trước mỗi lần 10 ngày rồi vẫn quay lại và càng biết nhiều về Bali mình càng hiểu tại sao Bali lại có sức hút đến thế./.
Nhật ký của SanBạn đang xem bài viết Nhật ký du lịch Bali: Dành bao lâu cho đảo Nusa Penida thì đủ? (phần 3) tại chuyên mục Du lịch của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].