Người phụ nữ giấu tên là 1 trong số 25.000 người đã trải qua quy trình do một đạo luật ngày nay đã bị bài trừ: luật theo thuyết ưu sinh.
Thuyết ưu sinh là "khoa học ứng dụng hoặc là phong trào sinh học - xã hội ủng hộ việc sử dụng các phương thức nhằm cải thiện cấu tạo gen của dân số" (Theo Wikipedia).
Theo học thuyết này, các cá nhân có vấn đề về sức khỏe, mắc một số bệnh di truyền... có thể bị ‘sàng lọc’ bằng cách triệt sản, để không di truyền nguồn gen xấu cho các thế hệ sau.
Ngày nay, thuyết ưu sinh được xem là một phong trào tàn bạo đã gây ra những xâm phạm quyền con người nghiêm trọng.
Người phụ nữ đứng ra khởi kiện Chính phủ Nhật đã bị triệt sản năm 1972, khi bà được 15 tuổi. Bà phát hiện ra tài liệu y khoa chẩn đoán bà ‘có yếu tố di truyền về trí tuệ kém cỏi’.
Bà nằm trong số 16.500 người đã bị triệt sản mà không hỏi ý kiến, một số người còn rất nhỏ, chỉ 9 tuổi vào thời điểm đó.
Theo truyền thông Nhật, sau khi bị phẫu thuật triệt sản, người phụ nữ này thậm chí đã phải cắt bỏ buồng trứng do các vấn đề liên quan.
“Tôi đã bị triệt sản trong khi không hề mong muốn điều đó’ – bà cho biết. Bà sẽ đòi 11 triệu Yen (tương đương hơn 2,2 tỷ đồng) do thiệt hại này.
‘Chúng tôi đã có những ngày thật đau đớn... Chúng tôi đứng lên để làm cho xã hội tươi sáng hơn’ – chị gái của người phụ nữ này nói với một hãng truyền thông.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật, ông Katsunobu Kato từ chối bình luận về trường hợp này.
Một nhân viên của Bộ Y tế trả lời AFP rằng chính phủ nước này có thể sẽ gặp từng người trong vụ việc bị bắt buộc triệt sản, nhưng vẫn chưa có một kế hoạch chung để xử lý vấn đề này.
Bộ luật theo thuyết ưu sinh đã được áp dụng ở Nhật từ năm 1948 cho đến tận năm 1996.
Trước Nhật Bản, Chính phủ Đức, Thụy Điển – với các chính sách tương tự trong lịch sử, đã phải xin lỗi các nạn nhân và trả tiền đền bù.
Theo BBC
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Nhật Bản: Một phụ nữ kiện chính phủ vì bị cưỡng bức triệt sản, đòi đền bù 2,2 tỉ đồng tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].