Liên tiếp những ngày gần đây, thời tiết miền Bắc và Bắc Trung Bộ chuyển sang nắng nóng gay gắt, nhiệt độ lên tới 39-40 độ C.
Thời tiết nắng nóng cực điểm ảnh hưởng rất lớn tới công tác phòng chống, truy vết, ngăn chặn dịch COVID-19 tại những điểm nóng như Bắc Giang, Bắc Ninh. Dịch vẫn căng thẳng, lực lượng tuyến đầu chống dịch tại tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh vẫn phải làm việc mệt nhọc dưới thời tiết khắc nghiệt: lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, phụ trách cách ly tập trung...
Nắng nóng hầm hập, các lực lượng y tế thực hiện nhiệm vụ ở ngoài trời phải mặc quần áo bảo hộ theo đúng quy định phòng dịch đã gặp phải rất nhiều khó khăn, vất vả khi đi làm nhiệm vụ. Tại Bắc Giang, Bắc Ninh, nhiều nhân viên y tế, sinh viên tình nguyện đã mất nước, kiệt sức, choáng.
Có một số ý kiến cho rằng, lực lượng đi lấy mẫu có thể không phải mặc đồ phòng hộ kín mít mà chủ yếu là khẩu trang N95, kính che mặt, găng tay… có được không?
Trước những lo lắng của người dân, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y cho biết, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, lây lan nhanh nên việc phòng hộ là rất cần thiết và bắt buộc.
Đây là biện pháp quan trọng chống lây nhiễm đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, lực lượng lấy mẫu.
Tuy nhiên, thời tiết những ngày qua nắng nóng, khiến việc mặc những bộ đồ bảo hộ như vậy gây ra nhiều khó khăn. Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu xem như thế nào cho phù hợp căn cứ trên các vấn đề về đảm bảo an toàn sinh học quốc tế.
Hôm qua 1/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đã thông tin, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Bộ Y tế rất quan tâm đặc biệt tới việc đảm bảo sức khỏe và an toàn cho lực lượng nhân viên y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Do đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo yêu cầu tất cả các đoàn công tác phải đảm bảo sức khỏe bằng việc tăng cường bồi dưỡng về mặt dinh dưỡng, thời gian lấy mẫu bố trí hợp lý để ứng phó với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt (buổi sáng từ sáng sớm tới 9 giờ và buổi tối từ 19 giờ tới 23 giờ đêm hàng ngày).
Bên cạnh đó, các điểm lấy mẫu phải được bố trí ở vùng râm mát, có quạt, đầy đủ ánh sáng để các nhân viên y tế làm việc hiệu quả nhất.
Về ý kiến cho rằng nhân viên lấy mẫu xét nghiệm không cần mặc trang phục bảo hộ kín mít, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng tiêu chí an toàn cho những người lấy mẫu xét nghiệm phải đặt lên hàng đầu. Từ trước đến giờ, nhân viên y tế đi lấy mẫu đều được trang bị bộ đồ bảo hộ (PPE) để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, chúng ta bỏ trang phục bảo hộ sẽ mất vũ khí bảo vệ cho nhân viên y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng thông tin thêm: Hiện Bộ Y tế đang giao các đơn vị liên quan nghiên cứu và cho thử nghiệm trang phục bảo hộ có khả năng hút khí từ bên ngoài vào giúp giảm nhiệt cơ thể, nếu thành công sẽ cho triển khai nhân rộng trong thời gian sớm nhất nhằm phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Hiện chưa có nghiên cứu kỹ nên không thể không đảm bảo an toàn bằng trang phục bảo hộ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.
V.LinhBạn đang xem bài viết Nắng nóng hầm hập, nhân viên y tế chống COVID-19 không mặc quần áo bảo hộ có được không? tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].