Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Nhận thức của cha mẹ về các quy định xâm hại tình dục trẻ em trong Luật Trẻ em

Những vụ việc xâm hại trẻ em liên tiếp được công khai làm rung động dư luận và cảnh báo “đỏ” về sự an toàn của những đứa trẻ và sự xuống cấp về đạo đức, ý thức pháp luật của những người trưởng thành

Tóm tắt: Dựa trên thông tin định tính từ Đề tài cấp Cơ sở “Thực hiện Luật Trẻ em: Nhận thức của cha mẹ về xâm hại tình dục đối với trẻ em” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2019, bài viết tìm hiểu nhận thức của cha mẹ về các quy định xâm hại tình dục đối với trẻ em.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề ngày càng đáng lo ngại ở Việt Nam trong khi nhận thức cha mẹ về quy định xâm hại tình dục trẻ em trong Luật Trẻ em 2016 còn khá mờ nhạt, nhiều cha mẹ chưa nắm được cụ thể về các quyền của trẻ dù việc tiếp cận thông tin của họ là khá đa dạng.

Ít người chủ động tìm hiểu về quy định của Luật Trẻ em cho thấy cần có sự truyền thông mạnh mẽ và sâu rộng hơn về Luật Trẻ em nói chung, đặc biệt truyền thông về vai trò, vị trí, nhiệm vụ của 17 cơ quan bảo vệ trẻ em, hướng dẫn cụ thể những địa chỉ cần đến để bảo vệ trẻ bị xâm hại tình dục[1]. 

1. Đặt vấn đề

Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua nhiều giai đoạn lịch sử từ Cách mạng tháng Tám đến nay cũng như hệ thống pháp luật quốc gia đều thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đặc biệt, Luật Trẻ em đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 05/4/2016 tại kỳ họp thứ 11 và có hiệu lực thi hành vào 1/6/2017 đã quy định cụ thể các quyền và bổn phận của trẻ em; các nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

Thời gian qua, tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng về mức độ, số lượng vụ việc, nhất là các vụ hiếp dâm, dâm ô trẻ em (Đào Hồng Lan, 2016). Thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho thấy, mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế nhưng mỗi năm trung bình có 1.600-1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục (XHTD), thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%. Những vụ việc xâm hại trẻ em liên tiếp được công khai làm rung động dư luận và cảnh báo “đỏ” về sự an toàn của những đứa trẻ và sự xuống cấp về đạo đức, ý thức pháp luật của những người trưởng thành (Vũ Hải Việt, 2015).

xam-hai-tre-em

Trẻ em là người dưới 16 tuổi, chưa phát triển đầy đủ về thể chất, trí tuệ và nhân cách, còn non nớt, thơ dại, nhỏ bé và yếu đuối, chưa thể tự nhận biết những rủi ro cũng như chưa tự kiếm sống nên cần dựa vào cha mẹ và những người thân trong gia đình để được bảo vệ. Tương lai, trách nhiệm sau này các em sẽ là lao động trụ cột và làm chủ gia đình, đất nước, do vậy nhiệm vụ bảo vệ, phòng chống của cha mẹ đối với việc thực hiện quyền không bị XHTD và nhận thức của cha mẹ về XHTD của trẻ em có ý nghĩa quan trọng.

Vai trò của cha mẹ thực sự thiết yếu trong việc bảo vệ, phòng chống XHTD trẻ em vì cha mẹ là người trực tiếp chăm sóc trẻ hàng ngày, hàng giờ. Cha mẹ có thể biết được đặc điểm riêng, tính cách, sở thích của con, có thể biết và quản lý, theo dõi thời gian biểu và các mối quan hệ của con với những người khác.

Cha mẹ nếu có kiến thức pháp luật về phòng chống XHTD trẻ em có thể trao đổi, hướng dẫn con thế nào là hành vi XHTD, dạy con về quyền tự quyết của trẻ em liên quan đến cơ thể của chúng và trực tiếp tham gia, giám sát, theo dõi, kiểm tra các quan hệ xã hội (như nhóm bạn học, nhóm thể dục thể thao...); đồng thời, đảm bảo đầy đủ quyền không bị xâm hại của con theo luật định.

Nhận thức của cha mẹ về các quy định XHTD trẻ em trong Luật Trẻ em thực sự cần thiết. Dựa trên thông tin định tính từ Đề tài cấp Cơ sở năm 2019 “Thực hiện Luật Trẻ em: Nhận thức của cha mẹ về xâm hại tình dục đối với trẻ em” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện, bài viết tìm hiểu nhận thức của cha mẹ về các quy định XHTD đối với trẻ em thông qua phỏng vấn sâu 15 cha mẹ có con trong độ tuổi dưới 16 ở nội thành Hà Nội, bao gồm các quận Thanh Xuân, Ba Đình, Hai Bà Trưng, nhằm góp phần làm cơ sở để các nhà làm công tác truyền thông - vận động về quyền trẻ em, các nhà hoạch định chính sách đưa ra kế hoạch cũng như chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cha mẹ về quyền được bảo vệ không bị xâm hại về tình dục của trẻ em.

Empty

Để Luật Trẻ em được thực hiện và đi vào đời sống thì điều kiện đầu tiên và cần thiết là Luật Trẻ em cần được các bậc cha mẹ biết đến, hiểu rõ và áp dụng, do đó, các phỏng vấn sâu cha mẹ tập trung vào các nội dung như cha mẹ có biết, hay nghe nói về Luật Trẻ em hay không và Luật có hiệu lực năm nào, Điều nào trong Luật quy định quyền được bảo vệ để không bị XHTD của trẻ em và cụ thể nội dung của Luật đó như thế nào, các kênh, nguồn thông tin mà cha mẹ có thể tiếp cận được.

2. Nhận thức của cha mẹ về các quy định xâm hại tình dục trẻ em trong Luật trẻ em

Hiểu biết của cha mẹ về Luật Trẻ em

Việc biết hoặc nghe nói về Luật Trẻ em và thời điểm Luật có hiệu lực là chỉ báo đánh giá nhận thức của cha mẹ. Kết quả từ nghiên cứu này cho thấy, có đến hơn một nửa số người trả lời không biết (8 người), họ thực sự chưa để ý có Luật Trẻ em và do đó không trả lời được Luật có hiệu lực khi nào: “... Em chưa biết, chưa có điều kiện để tìm hiểu” (Nữ, bán hàng, 34 tuổi có 1 con trai và 1 con gái dưới 10 tuổi), hay “Không để ý” (Nam, kỹ sư, 33 tuổi có con trai 3 tuổi); hoặc “Biết Luật cũng rất cần thiết nhưng hiện tại tôi chưa có việc gì liên quan và cần đến Luật cả” (Nữ, cán bộ, 39 tuổi có 2 con gái dưới 10 tuổi).

Có rất nhiều lý do giải thích cho việc không biết có Luật Trẻ em và một trong số đó là vì cha mẹ “bận rộn mưu sinh”: “Em bán hàng từ sáng đến chiều tối nên rất bận, cũng ít khi đọc báo chí, chỉ xem tivi một vài giờ buổi tối nên không có thông tin về Luật Trẻ em” (Nữ, bán hàng, 34 tuổi có con trai và con gái dưới 10 tuổi).

Bên cạnh nguyên nhân bận rộn – là nguyên nhân nhiều người đưa ra, thì cũng có người không biết đến Luật Trẻ em là do chưa quan tâm: “Không để ý vì các văn bản Luật thường dành cho các ban ngành, luật sư, những người làm công việc liên quan đến trẻ em, dân kỹ sư ít khi quan tâm” (Nam, kỹ sư, 33 tuổi có con trai 3 tuổi); hoặc cho rằng chưa đến lúc cần và sử dụng đến Luật: “Hiện nay, em chưa cần sử dụng Luật vì thế chưa tìm hiểu, nhưng nếu muốn thì có thể lên mạng internet tìm kiếm thì sẽ có ngay các thông tin cần, hơn nữa khi thực sự có việc liên quan đến Luật pháp thì sẽ hỏi, tư vấn Luật sư, người có chuyên môn sâu sẽ có chỉ dẫn cụ thể” (Nữ, cán bộ, 39 tuổi có 2 con gái dưới 10 tuổi); hoặc cho rằng vì con còn ít tuổi nên cũng chưa tìm hiểu về vấn đề này trong trong Luật Trẻ em: “Con họ còn nhỏ, hơn nữa là con trai” (Nữ, nội trợ, 30 tuổi có con trai và con gái dưới 10 tuổi). Cũng có một số người than phiền rằng: “Luật ban hành nhiều nên không thể quan tâm hết được” (Nữ, văn phòng, 38 tuổi có hai con gái dưới 12 tuổi).

Empty

Mặc dù nhiều bậc cha mẹ cho rằng mình không biết hoặc không nghe nói đến Luật Trẻ em, nhưng đa số những người này đều đồng ý rằng nếu hiểu và nắm được Luật thì sẽ rất tốt và cần thiết. Họ sẽ lưu ý và mong muốn sau này sẽ dành thời gian để tìm hiểu về Luật này: “Hiện tại mình chưa biết có Luật Trẻ em, nhưng sẽ sớm tìm hiểu vì nó là cần thiết” (Nữ, cán bộ, 39 tuổi có 2 con gái dưới 10 tuổi); hoặc: “Hiểu luật để giúp mỗi người sống tốt hơn và ít vi phạm luật hơn nên cần quan tâm và hiểu biết pháp luật” (Nam, bán hàng, 37 tuổi có con gái dưới 13 tuổi).

Với những người trả lời có biết và nghe nói đến Luật Trẻ em, thì đa phần đều nói được hoặc về mốc thời điểm ký ban hành hoặc thời điểm hiệu lực. Mặc dù có một chút lẫn lộn về thời điểm ban hành và hiệu lực trong các câu trả lời. Khi đi sâu tìm hiểu làm thế nào họ có thể nhớ được các thời điểm ban hành và hiệu lực thì cũng rất thú vị, vì thời điểm này trùng vào ngày Tết thiếu nhi, nên cũng rất dễ nhớ cho mọi người “ngày Tết thiếu nhi mà chị... trùng vào ngày 1/6” (Nữ, cán bộ, 39 tuổi có 2 con gái dưới 10 tuổi).

Có cha mẹ biết đến Luật này vì tham gia cuộc thi tìm hiểu Luật Trẻ em trong ngày Tết thiếu nhi, khi cùng con tham gia các hoạt động ở khu phố, cơ quan. “Ngày 1/6 năm ngoái, cơ quan em tổ chức vui Tết cho các con, trong đó có hoạt động đố vui có thưởng, em đã trả lời chính câu hỏi này” (Nữ, kế toán, 35 tuổi có 1 con trai và 1 con gái dưới 7 tuổi).

Có người biết đến Luật Trẻ em vì chính những vụ XHTD gần đây mà báo chí, mạng xã hội đang rất quan tâm, bàn luận. Nhiều người thực sự tò mò và muốn biết hành vi XHTD trẻ em của người phạm tội sẽ bị xử như thế nào. “Facebook mấy tháng trước có xôn xao clip xâm hại trẻ em trong thang máy nên tôi cũng quan tâm xem và đọc, nhiệt tình comment, bình luận và chờ kết quả của tòa án nên có phần nào biết đến Luật Trẻ em” (Nam, nhân viên văn phòng, 32 tuổi có 2 con trai dưới 5 tuổi).

Có những cha mẹ biết đến Luật Trẻ em cũng rất ngẫu nhiên do họ thường xuyên sử dụng mạng xã hội. “Thường xuyên vào facebook xem bạn bè up ảnh vợ chồng, con cái, công việc, ăn chơi.... tôi biết đến Luật Trẻ em khi có chị nhắc nhở từ giờ không được tung ảnh con lên face mà chưa có sự đồng ý của cháu vì như thế vi phạm quyền trẻ em” (Nữ, kế toán, 35 tuổi có 1 con trai và 1 con gái dưới 7 tuổi).

Có thể nói, có những lý do rất thiết thực đã giúp cho các bậc cha mẹ biết và nghe nói đến Luật Trẻ em. Như vậy, có hơn một nửa cha mẹ nghe nói đến Luật Trẻ em và những lý do cha mẹ không biết đến Luật này chủ yếu là vì bận rộn kiếm sống, không quan tâm hoặc con còn nhỏ tuổi và vì do có quá nhiều luật ban hành. Những cha mẹ biết Luật thường trả lời được thời điểm ban hành, hiệu lực của luật, đồng thời, họ biết từ nhiều kênh thông tin gần gũi như báo chí, facebook, từ các cuộc thi tìm hiểu.

Hiểu biết về các quy định về xâm hại tình dục trẻ em

Luật Trẻ em có quy định: Trẻ em có quyền “được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị XHTD” (Điều 25, Luật Trẻ em 2016), đồng thời “hành vi XHTD đối với trẻ là hành vi bị nghiêm cấm” tại Điều 6, Luật Trẻ em. Trẻ em có quyền “được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác” (Điều 30, Luật Trẻ em 2016).

Trong số những bậc cha mẹ có biết và có nghe nói về Luật Trẻ em, có 3 trường hợp biết chính xác Điều được quy định liên quan đến quyền được bảo vệ để không bị XHTD của trẻ: “Điều 25 và Điều 6 quy định cấm XHTD trẻ em” (Nữ, nhân viên văn phòng, 38 tuổi có 2 con gái dưới 12 tuổi). Những người phỏng vấn không chỉ nói được chính xác tên Điều đã quy định mà còn nêu lên được những nội dung của Luật tương đối chính xác.

Điều đáng ngạc nhiên, với Điều 6 “hành vi XHTD đối với trẻ là hành vi bị nghiêm cấm” và Điều 25 trẻ em có quyền “được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị XHTD”, thì không chỉ những cha mẹ có biết và nghe nói đến Luật Trẻ em nắm được nội dung này, mà ngay cả những cha mẹ không biết có Luật Trẻ em cũng nắm được. Đối với họ, XHTD trẻ em không chỉ được cấm vi phạm trong luật pháp mà còn là điều cấm kỵ cả về mặt đạo đức, văn hóa truyền thống, vì thế những điều quy định trong Luật cũng là phù hợp với thực tiễn cuộc sống, văn hóa đạo đức.

Hầu hết những người được hỏi không biết quyền của trẻ được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính, quy định ở Điều 30 của Luật Trẻ em. Một trong những quyền trẻ em thực sự cần để bảo vệ trẻ được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác.

Quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính đặc biệt có lợi ích đối với những trẻ bị XHTD và đang trong quá trình điều tra, xử lý vi phạm đối với kẻ phạm tội. Nếu như nhiều cha mẹ biết quyền được bảo vệ của trẻ trong giai đoạn tố tụng và xử lý vi phạm hành chính thì sẽ tự tin, chủ động và mạnh mẽ hơn trong việc tố giác tội phạm XHTD trẻ em.

Tuy nhiên, khi được gợi ý cụ thể về việc trẻ em có quyền được dùng luật sư bào chữa hay không, có quyền được trình bày ý kiến, hay có được bảo vệ để không bị xúc phạm danh dự nhân phẩm trong quá trình xét hỏi hay không thì đa số bậc cha mẹ đều đồng ý là trẻ em có quyền đó.

Empty

Một số lý do mà người trả lời không biết đến quyền của trẻ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính là vì theo họ: “Đây thực sự là những kiến thức tương đối sâu, cần tìm hiểu kỹ và người trong ngành luật và các ngành nghề liên quan đến bảo vệ trẻ em mới có thể biết được” (Nữ, nhân viên văn phòng, 38 tuổi có 2 con gái dưới 12 tuổi). Hoặc có thể do họ chưa từng gặp trường hợp liên quan đến thủ tục tố tụng nên không biết những thông tin này.

Cũng có người cho rằng, các quy định về các quyền trong quá trình tố tụng nếu như trả lời chính xác là Điều cụ thể nào trong Luật hay nội dung chính xác từ câu chữ là rất khó, nhưng thực ra đâu đó trong cuộc sống những nội dung về quyền này đã được người dân biết đến, nhắc đến và được trao đổi với những từ ngữ đời thường, chỉ là khi đưa vào Luật nó được cô đọng và có tên gọi nên họ khó có thể gọi tên.

Hầu hết các cha mẹ được hỏi đều nhận thức được vai trò, trách nhiệm của gia đình, của cha mẹ trong việc bảo vệ cho con em được quyền sống an toàn, lành mạnh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em. “Trước tiên, cha mẹ cần được cung cấp các kiến thức về luật, về xâm hại trẻ em, tạo cho trẻ môi trường sống an toàn, lành mạnh, khi đó giảm tối đa các rủi ro trẻ bị xâm hại, ví dụ như nắm được lịch học của con, các mối quan hệ trong lớp, trong trường và ngoài xã hội để biết con đi đâu, làm gì có được an toàn hay không” (Nữ, văn phòng, 38 tuổi có 2 con gái dưới 12 tuổi); hay “Cha mẹ chủ động đưa đón con đi học, tìm hiểu bạn thân của con, theo dõi thời gian học, các trang web mà con vào xem, luôn bên con và để ý đến con thì sẽ hạn chế những nguy cơ thiếu an toàn” (Nữ, giáo viên, 33 tuổi có 2 con trai dưới 8 tuổi); hoặc “Hướng dẫn con những tình huống không an toàn, dạy bảo con, cảnh báo những hoàn cảnh có nguy cơ cao, hạn chế đi về nhà khuya, trang phục kín đáo, trong trường hợp bị XHTD nên đưa con đến tư vấn bác sĩ tâm lý…” (Nam, bộ đội, 35 tuổi có 1 con gái và 2 con trai dưới 6 tuổi). Như vậy, nhìn chung các bậc cha mẹ đã nhận thức được tương đối rõ ba cấp độ bảo vệ trẻ em được quy định trong Luật Trẻ em, đó là cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.

Nhiều cha mẹ có biết về các hành vi bị nghiêm cấm trong Điều 6, mục 7, Luật Trẻ em như: “Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền” và Điều 51 “Trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em”. Theo nhận thức của những người mẹ thì: “Mọi người không được phép che giấu người phạm tội XHTD trẻ em, phải cung cấp thông tin, báo cáo những thông tin vi phạm đến công an” (Nữ, bán hàng, 34 tuổi có 1 con trai và 1 con gái dưới 10 tuổi); “Trong trường hợp người phạm tội XHTD là người thân trong gia đình, họ hàng, người quen biết chúng ta cũng không nên vì nể nang, vì quan hệ mà sợ không báo cáo công an” (Nữ, giáo viên, 33 tuổi có 2 con trai dưới 8 tuổi).

Luật Trẻ em và Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định 18 cơ quan, tổ chức và gia đình có trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi bị XHTD (Điều 48, 49, 50, 51, 52, 88, 100 của Luật Trẻ em và từ Điều 49 đến 56 của Nghị định 56/2017/NĐ-CP) bao gồm: 1- Tòa án nhân dân các cấp; 2- Viện Kiểm sát nhân dân các cấp; 3- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; 4 - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; 5- Bộ Tư pháp; 6- Bộ Y tế; 7- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 8- Bộ Giáo dục và Đào tạo; 9- Bộ Thông tin và Truyền thông; 10- Bộ Công an; 11- Ủy ban nhân dân các cấp; 12- Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; 13- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; 14- Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; 15- Quỹ Bảo trợ trẻ em; 16- Ủy ban Quốc gia về trẻ em; 17- Tổng đài điện thoại quốc gia thường trực số 111; 18- Gia đình.

Khi được hỏi về các cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo vệ trẻ em mà cha mẹ có thể liên hệ thì tất cả đều trả lời được ít nhất một địa chỉ bảo vệ, trong đó địa chỉ được nhắc đến nhiều nhất là công an, tiếp đến là gia đình, báo chí (truyền thông) và một nửa số người trả lời biết đến số điện thoại quốc gia thường trực 111 tiếp nhận, xử lý thông tin, hướng dẫn quy định quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

Một vài trường hợp nhắc đến giáo viên, trường học, tòa án có thể hỗ trợ và liên hệ. Tuy nhiên các cơ quan còn lại như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ủy ban nhân dân cấp xã/phường… không được nhắc tới.

Nguyên nhân các cha mẹ không biết đến các cơ quan trên là vì đây là các cơ quan chức năng, làm nhiệm vụ phối hợp với cơ quan công an, tòa án, gia đình, trường học và chủ yếu đảm nhiệm khâu tuyên truyền kiến thức, phòng ngừa và các dịch vụ can thiệp về sau cho trẻ đã bị xâm hại (tư vấn tâm lý, hỗ trợ chỗ lánh nạn, giáo dục đối với trẻ em phạm tội và các dịch vụ hỗ trợ kèm theo…) và từ trước đến nay ít có hoạt động trực tiếp nên cha mẹ khó có thể biết đến.

Vì theo họ, XHTD trẻ em bị nghiêm cấm, nên nếu vi phạm sẽ bị tội và theo quan niệm thông thường, tố giác tội phạm thường tìm đến công an sau đó sẽ được tòa án xử phạt và trong trường hợp các em nhỏ thì báo cho gia đình, cha mẹ, giáo viên, những người trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ trẻ có thể biết và an ủi trẻ: “Nếu tôi biết có trường hợp trẻ bị XHTD thì sẽ báo cho gia đình, thầy cô giáo để bảo vệ trẻ và báo công an để họ truy bắt kẻ vi phạm” (Nam, kỹ sư, 33 tuổi có con trai 3 tuổi).

Khi được hỏi về vai trò của các cơ quan như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ủy ban nhân dân cấp xã để liên hệ và hỗ trợ khi có vụ việc XHTD trẻ em, một nam giới cho biết: “Không biết các cơ quan đó có nhiệm vụ gì. Sau mỗi vụ XHTD trên báo chí đưa tin, đọng lại là mức hình phạt của kẻ phạm tội và hậu quả mà trẻ phải gánh chịu còn lại không thấy nói gì đến vai trò của các cơ quan đó cả” (Nam, bộ đội, 43 tuổi có con trai 15 tuổi).

Có thể thấy, tất cả những người được hỏi (kể cả người biết và người chưa biết Luật Trẻ em) đều nhận thức đúng và nắm được nội dung của Điều 6 “hành vi XHTD đối với trẻ là hành vi bị nghiêm cấm” và Điều 25 trẻ em có quyền “được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục”, vì hành vi này bị xã hội từ xưa đến nay lên án, cấm kỵ cả về mặt đạo đức, luật tục và văn hóa truyền thống.

Empty

Các cha mẹ được hỏi nhận thức rất rõ vai trò, trách nhiệm của gia đình, của cha mẹ trong việc bảo vệ cho con em được quyền sống an toàn, lành mạnh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em, nhận thức quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị XHTD của trẻ em và trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Họ biết được các địa chỉ có thể giúp đỡ, hỗ trợ trẻ em bị XHTD là công an, gia đình, nhà trường và đôi khi là số điện thoại quốc gia thường trực 111 và tòa án.

Các kênh, nguồn thông tin phổ biến về quy định xâm hại tình dục trẻ em trong Luật Trẻ em 2016

Kết quả từ nghiên cứu này cho thấy, nguồn thông tin mà cha mẹ tiếp cận các quy định của Luật Trẻ em về XHTD chủ yếu từ truyền thông đại chúng như tivi, đài, báo, báo điện tử: “Gần đây, hiện tượng XHTD trẻ em đang gia tăng, báo chí, ti vi, mạng xã hội đề cập nhiều nên dễ dàng để có thông tin” (Nữ, bán hàng, 34 tuổi có 1 con trai và 1 con gái dưới 10 tuổi); “Tôi biết được Luật Trẻ em do xem chương trình nói về xâm hại trẻ trên kênh VTV1, sau thời sự” (Nữ, nội trợ, 34 tuổi có 1 con trai và 1 con gái dưới 10 tuổi); hoặc “Các chương trình trên tivi nhất là các kênh VTV1 có nói đến việc xử lý các vụ XHTD trẻ em vẫn gặp khó khăn và một số kênh VTV7, VTV4 có phóng sự về vấn đề xâm hại trẻ em, được phát lại nhiều lần” (Nam, nhân viên văn phòng, 32 tuổi có 2 con trai dưới 5 tuổi).

Một số ít cha mẹ tự tìm hiểu và biết đến các vụ XHTD trẻ em và các quy định pháp luật về XHTD trẻ em qua bạn bè, facebook và qua công việc. “Biết đến do truyền miệng từ bạn bè, facebook do gần đây có nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng” (Nữ, nhân viên văn phòng, 38 tuổi có 2 con gái dưới 12 tuổi); “Vì có hai con trong độ tuổi teen [vị thành niên] nên mình cũng quan tâm và tự tìm hiểu trên internet, để trước hết hiểu và nhắc nhở các con, sau đó phòng tránh và tạo môi trường an toàn cho con” (Nữ, cán bộ, 39 tuổi có 2 con gái dưới 10 tuổi).

Việc các bậc cha mẹ tiếp cận các thông tin liên quan đến xâm hại trẻ em và luật pháp về xâm hại trẻ em một phần là do vấn đề này đang là vấn đề nóng trong xã hội và có nhiều vụ việc nghiêm trọng phát hiện nên đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan truyền thông, báo chí, mạng xã hội và đồng thời đã đăng tải nhiều bài viết, phóng sự, chuyên đề và cách phòng chống cho toàn xã hội như để cảnh tỉnh các bậc cha mẹ nâng cao cảnh giác và tăng cường bảo vệ trẻ ở mọi nơi, mọi lúc.

3. Kết luận

Nghiên cứu này cho thấy nhận thức cha mẹ về Luật Trẻ em nói chung và quy định XHTD trẻ em còn khá mờ nhạt, một bộ phận cha mẹ chưa nắm được cụ thể về các quyền này của trẻ, dù các kênh thông tin cha mẹ tiếp cận là khá đa dạng từ truyền thông, tivi, báo chí và facebook và còn ít người chủ động tìm hiểu về quy định của Luật Trẻ em.

Xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề ngày càng đáng lo ngại ở Việt Nam. Sự quan tâm phòng chống XHTD trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà còn thuộc về gia đình, nhà trường và toàn xã hội nói chung, trong đó cha mẹ có vai trò quan trọng. Nhận thức của cha mẹ về vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc bảo vệ cho con em được quyền sống an toàn, lành mạnh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em, về quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để trẻ không bị XHTD và trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em là một vấn đề quan trọng. Nhất là việc nắm được các địa chỉ có thể giúp đỡ, hỗ trợ khi trẻ em bị XHTD.

Thực tế này cho thấy cần có sự truyền thông mạnh mẽ và sâu rộng hơn về Luật Trẻ em, đặc biệt truyền thông về vai trò, vị trí, nhiệm vụ của 17 cơ quan bảo vệ trẻ em, hướng dẫn cụ thể những địa chỉ cần đến để bảo vệ trẻ bị XHTD tới các bậc cha mẹ, gia đình, nhà trường và cộng đồng để giúp cho cha mẹ và cộng đồng xã hội giải quyết các vụ việc XHTD trẻ em trong gia đình, cộng đồng hiệu quả nhất đồng thời thúc đẩy việc bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam.

Tác giả: Lê Việt Nga

Tài liệu trích dẫn

Đào Hồng Lan. 2016. Tăng cường phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời phỏng vấn về công tác phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=26184.

Luật Trẻ em 2016. http://bocongan.gov.vn/KND/vb/vbqp/Lists/VBQP/Attachments/2242/QH13.pdf.

Nghị định 56/2017/NĐ-CP, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-van-ban-goc.aspx?ItemID=121977.

Vũ Hải Việt. 2015. Một số quyền cơ bản của trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam. http://csnd.vn/Home/Nghien-cuu-Trao-doi/1079/Mot-so-quyen-co-ban-cua-tre-em-theo-quy-dinh-cua-phap-luat-Viet-Nam.

 

Ghi chú:

* ThS., Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

[1] Bài viết là sản phẩm của Đề tài cấp Cơ sở “Thực hiện Luật Trẻ em: Nhận thức của cha mẹ về xâm hại tình dục đối với trẻ em” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2019.

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO