Sáng 28/5, nhận định đề thi Vật lý lớp 10 trường chuyên Khoa học Tự nhiên mà các thí sinh thi chiều 27/5, các thầy giáo tổ Vật lý của Hệ thống giáo dục Học mãi, cho biết: Đề Vật lý năm nay khá khó.
Nội dung đề thi trải rộng từ chương trình Lớp 8 đến chương trình Lớp 9 (lớp 9 chiếm trọng số lớn hơn) gồm 5 câu hỏi tự luận liên quan tới tất cả các lĩnh vực Cơ học, Quang học, Nhiệt học, và Điện học. Trong đó, câu 1 và câu 2 thuộc phần kiến thức lớp 8, các câu còn lại thuộc chương trình Vật lí 9.
Đề được đánh giá là dài và khó, kiểm tra toàn diện kiến thức vật lý thực nghiệm và kỹ năng thực hành Vật lí của học sinh nhưng cũng nặng về tính toán.
So với đề thi năm ngoái (2018), đề năm nay (2019) có thể coi là tương đương cả về cấu trúc, nội dung, độ phức tạp, và hàm lượng câu hỏi thực hành. Có liên hệ tới thực nghiệm, đánh giá khả năng tư duy khoa học, tư duy thực chứng của học sinh. Khả năng tạo các thí nghiệm để kiểm chứng, đo lường, và đánh giá. Điểm đặc sắc của đề thi 2019 được thể hiện trên ba phương diện sau:
- Đề thi rất dài, học sinh khó có thể làm xong bài thi trong vòng 150 phút, với phạm vi kiến thức trải rộng trong chương trình Vật Lý từ Lớp 8 đến Lớp 9.
- Các câu hỏi có độ khó cao, khối lượng tính toán lớn và phức tạp, đòi hỏi học sinh phải có khả năng xử lý số liệu và kiến thức Toán học tốt để áp dụng; ở các dạng toán: giải hệ phương trình, giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình, quang hình học, phần hàm số.
- Nhiều nội dung câu hỏi liên quan tới kiến thức thực nghiệm đòi hỏi học sinh phải có kiến thức tốt về thực hành Vật lý (câu 5 được đánh giá là một câu hỏi chuyên sâu về thực nghiệm)
Nhìn chung, đề thi có khả năng đánh giá và phân loại học sinh với năng lực Vật lí khác nhau và phù hợp với việc thi tuyển học sinh giỏi, chất lượng cao.
Việt LinhBạn đang xem bài viết Nhận định đề thi Vật Lý lớp 10 chuyên Khoa học Tự nhiên: Đề khó, kiếm điểm cao không dễ tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].