Nhận định chung
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT 2018) thi chuyển cấp. Vì vậy, việc cung cấp sớm cấu trúc định dạng và đề thi minh họa sẽ giúp học sinh giải tỏa áp lực, có định hướng và chiến lược ôn tập cụ thể ngay từ đầu năm học mới để sẵn sàng với những thay đổi của đề thi tuyển sinh lớp 10.
Về cấu trúc đề thi
Đề minh họa môn Toán thi vào lớp 10 Hà Nội năm học 2025-2026 có cấu trúc khá tương đồng so với đề thi các năm trước đó theo CT GDPT 2006. Đề thi vẫn gồm 5 bài toán lớn, mỗi bài gồm nhiều ý nhỏ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, thời gian làm bài thi là 120 phút. Nội dung đề thi có sự tăng cường hợp lý một số yếu tố liên quan đến các ứng dụng thực tiễn nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học theo CT GDPT 2018.
Về nội dung kiến thức và độ khó
Nội dung kiến thức trong đề thi gồm ba mạch kiến thức là Số và Đại số, Hình học và Đo lường, Thống kê và Xác suất, bám sát CT GDPT 2018. Trong đó, mạch kiến thức Số và Đại số vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất (4,5 điểm/10 điểm). Một số kiến thức và dạng bài trong đề thi minh họa có sự tương đồng khá lớn với đề thi tuyển sinh các năm trước nhưng được giảm nhẹ về độ khó để phù hợp với CT GDPT 2018. Việc tăng cường các câu hỏi liên quan đến ứng dụng thực tiễn nhằm kiểm tra khả năng đọc hiểu và năng lực mô hình hóa toán học của học sinh; từ đó phân loại được thí sinh. Nhận định cụ thể về từng câu như sau:
Bài I. Thuộc mạch kiến thức Thống kê và Xác suất. Đây là mạch kiến thức mới trong chương trình. Các kiến thức được kiểm tra trong bài toán này bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình, không gây khó khăn và đánh đố học sinh.
Bài II. Thuộc mạch kiến thức Số và Đại số. Đây là câu hỏi dễ “ăn điểm”, thuộc dạng bài thường xuyên xuất hiện trong đề thi của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội từ trước đến nay.
Bài III. Thuộc mạch kiến thức Số và Đại số, gồm 3 ý hỏi trong đó có 2 ý hỏi liên quan đến thực tiễn, đòi hỏi thí sinh cần có khả năng phân tích đề, chọn từ khóa và dữ kiện mấu chốt để giải quyết bài toán. Bên cạnh đó, ý hỏi thứ 3 là một ý hỏi không khó, nhằm kiểm tra kiến thức về nghiệm của phương trình bậc 2.
Bài VI. Thuộc mạch kiến thức Hình học và Đo lường, kiểm tra kiến thức về hình học phẳng và hình khối trong thực tiễn. Ý c câu 2 (bài IV) vẫn là một câu hỏi khó nhằm phân loại thí sinh. Các dạng bài về hình khối trong thực tiễn được mở rộng và đi sâu hơn so với các đề thi trước đây theo chương trình cũ.
Bài V. Thuộc mạch kiến thức Số và Đại số. Đây là bài toán liên chuyên đề, không những kiểm tra tính ứng dụng thực tiễn của kiến thức về bất phương trình – bất đẳng thức mà còn kiểm tra kiến thức về hình học không gian. Để giải quyết bài toán này, học sinh cần nắm vững kiến thức, có khả năng đọc hiểu và tư duy tốt, linh hoạt trong việc biến đổi và xử lí bài toán.
Kết luận: Cấu trúc đề thi minh họa năm 2025-2026 của Sở GD&ĐT Hà Nội thể hiện đúng yêu cầu đánh giá năng lực người học theo định hướng của CT GDPT 2018, có sự giảm nhẹ về các yêu cầu tính toán và tăng cường yếu tố thực tế. Căn cứ trên cấu trúc, nội dung và phạm vi kiến thức của đề thi, học sinh cần xây dựng cho mình chiến lược học tập và ôn luyện một cách khoa học để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh vào 10.
Bạn đang xem bài viết Nhận định đề minh họa môn Toán thi vào lớp 10 Hà Nội năm 2025 tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].