Chị N.P.T (29 tuổi, trú tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) lên Hà Nội khám vì chứng hoa mắt, chóng mặt khi đứng lên ngồi xuống. Chị T. cho biết, khoảng 1 năm gần đây, chị hay có hiện tượng chóng mặt, hơi choáng khi đứng lên ngồi xuống. Đặc biệt, chị thấy đầu nhẹ bẫng.
Chị T. đã đi kiểm tra ở tuyến dưới nhưng không phát hiện ra bệnh gì. Các bác sĩ chỉ kê thuốc bổ. Tuy nhiên, chị T. luôn lo lắng vì cách đây 3 năm, mẹ chị bị đột quỵ. Bởi vậy, chị quyết định lên Hà Nội để khám. Kết quả siêu âm tim và chụp MRI não không thấy bất thường. Các bác sĩ chẩn đoán chị bị hiện tượng tiền ngất.
Tiền ngất là gì?
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hải Anh - Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngày càng nhiều người bệnh đến khám vì các dấu hiệu chóng mặt, mất thăng bằng và chẩn đoán hiện tượng tiền ngất.
Bác sĩ Hải Anh chia sẻ, bệnh thường gặp ở dân văn phòng 20 - 30 tuổi. Nhiều người đang làm việc đứng dậy thấy đầu nhẹ bẫng và muốn ngã. Người bệnh có thể bị mất ý thức tạm thời. Thời gian chóng mặt tiền ngất thường kéo dài vài phút. Bệnh nhân đứng dậy thấy chóng mặt nhưng dựa vào bàn và tường thì triệu chứng này sẽ hết.
Để phân biệt ngất và tiền ngất, bác sĩ Hải Anh thông tin, người bệnh cần nhớ ngất là hiện tượng mất ý thức tạm thời do giảm tưới máu não nguyên nhân do bệnh lý thần kinh hoặc tim mạch. Còn tiền ngất xuất hiện trước khi bị ngất nhưng người bệnh vẫn bảo tồn được ý thức.
Với các dấu hiệu tiền ngất, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định nhiều biện pháp như siêu âm tim, điện tâm đồ để đánh giá sức khỏe tim mạch, nguyên nhân do thần kinh ít hơn.
Các dấu hiệu của chứng tiền ngất
Các dấu hiệu của chứng tiền ngất: Nếu ở trạng thái ngồi hoặc đứng, người bệnh thấy đầu nhẹ bẫng, buồn nôn, vã mồ hôi, yếu cơ và có rối loạn thị giác. Bệnh lành tính nhưng khi có biểu hiện không kiểm soát được cơn chóng mặt gây ngã sẽ nguy hiểm.
Tiền ngất trong môi trường công sở rất phổ biến nhưng bệnh nhân thường cảm thấy lo lắng nên đi khám. 95 % bệnh nhân tiền ngất không tìm được nguyên nhân. Thậm chí, có những người chiếu chụp nhiều lần. Tuy nhiên, nếu bạn thường có biểu hiện tiền ngất, cần đi khám loại trừ các căn nguyên nguy hiểm khác.
Để hạn chế hiện tượng tiền ngất, bác sĩ Hải Anh khuyên những người có hiện tượng bỗng dưng đầu nhẹ bẫng nên sử dụng các biện pháp tăng áp lực như nằm hoặc ngồi. Bạn có thể nắm chặt tay, vắt chéo chân, thay đổi tư thế từ từ khi nằm, ngồi hoặc đứng.
Ngoài triệu chứng chóng mặt do tiền ngất, nhiều người trẻ cũng gặp hiện tượng mất thăng bằng. Người bệnh đứng không vững, cảm giác chòng chành khi ngồi, giống say rượu, thời gian kéo dài khoảng vài giây.
Nếu cơn chóng mặt kéo dài lâu hơn, người bệnh nên đi khám vì có thể tổn thương thần kinh trung ương, phần não phía sau gáy.
V.LinhBạn đang xem bài viết Chóng mặt, đầu nhẹ bẫng là dấu hiệu của hội chứng tiền ngất tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].