Chuyên gia chia sẻ về các bệnh mà người già thường mắc phải vào mùa hè
Trong thời gian gần đây, tại Bệnh viện (BV) Hữu Nghị Hà Nội, số ca mắc cúm được ghi nhận tăng hơn cao hơn so với mọi năm. Trong đó, có một số bệnh nhân diễn biến nặng, suy hô hấp, cần phải thở oxy, thậm chí thở máy...

BS Vũ Hoài Nam - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Hữu Nghị Hà Nội đang thăm khám cho một bệnh nhân cao tuổi - ảnh: BV Hữu Nghị Hà Nội
Liên quan đến vấn đề này, Bác sĩ (BS) Vũ Hoài Nam - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Hữu Nghị Hà Nội cảnh báo: “Hiện nay thời tiết đã chuyển sang giai đoạn đầu hè nóng, ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn phát triển, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp dễ bùng phát như: Cúm A, cúm B, Covid-19, sốt xuất huyết… Trong đó, bệnh cúm mùa dễ diễn biến chứng nặng ở những người cao tuổi, người có bệnh nền và hệ miễn dịch suy giảm”.
Đặc biệt, dịch sốt xuất huyết cũng đang có những diễn biến phác tạp, trong khi tại Hà Nội vẫn đang lưu hành dịch và đã ghi nhận số ca mắc tăng lên, người dân cần hết sức cảnh giác.
Trong đó, đối với người lớn tuổi, thường mắc các bệnh nền như tiểu đường, béo phì, tim mạch, hen suyễn... khiến hệ miễn dịch bị suy giảm nên có nguy cơ cao bị sốt xuất huyết biến chứng nặng.
Cũng theo BS Vũ Hoài Nam, sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên, lây truyền từ người bệnh sang người lành qua muỗi vằn đốt. Sốt xuất huyết Dengue với các biểu hiện như: sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
“Đối với người già, khi mắc sốt xuất huyết cũng có các dấu hiệu cơ bản như: Sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người. Người bệnh cần đến các cơ sở y tế để bác sĩ để thăm khám, xét nghiệm và đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng. Sốt xuất huyết cần được chẩn đoán và có pháp đồ điều trị sớm, không tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà” - BS Nam cảnh báo.
Cũng theo BS Vũ Hoài Nam, với bệnh sốt xuất huyết, biện pháp phòng chống hiệu quả là diệt muỗi, bọ gậy, vệ sinh môi trường nơi ở, đặc điểm của muỗi truyền virus gây bệnh sốt xuất huyết thường sống ở đô thị, gần người, trong nhà hoặc quanh nhà.
Thông thường, muỗi thường hoạt động mạnh vào sáng sớm và buổi chiều tối, nên nếu trong nhà có người bị sốt xuất huyết, người dân cần thực hiện ngay các biện pháp tránh bị muỗi đốt như: Nằm màn, bôi kem chống muỗi, dùng nhang hoặc phun hóa chất diệt muỗi.… Đồng thời, vệ sinh môi trường, không để các vật dụng chứa nước đọng là nơi muỗi đẻ trứng…
Với người cao tuổi có điểm đáng chú ý là khi mắc các bệnh truyền nhiễm thường có biểu hiện ban đầu thường không có triệu chứng rõ rệt như ở người trẻ nên khó phát hiện, khi đã biểu hiện thì thường đã có biến chứng nặng. Bên cạnh đó, do các chức năng ở người cao tuổi bị suy giảm, nên khi bị nhiễm virus, vi khuẩn có thể dễ dẫn đến các biến chứng tổn thương gan, thận, suy hô hấp, suy đa tạng…
“Vì vậy, với người cao tuổi, khi có biểu hiện như: Ho, sốt, chảy mũi… cần được thăm khám sớm để phát hiện bệnh kịp thời và điều trị đúng hướng, tránh để biến chứng nặng, điều trị khó khăn” - BS Nam chia sẻ thêm.
Với người già, việc phòng bệnh là rất quan trọng, đặc biệt là trong thời điểm đầu hè, cần tuân thủ theo các hướng dẫn như: Tăng cường tập luyện thể dục, thể thao, ăn đủ chất, đặc biệt cần uống đủ nước do mùa nóng nhu cầu nước cho cơ thể tăng lên. Khi ra ngoài cần đeo khẩu trang, tránh cảm nắng và tránh bị nhiễm lạnh khi dùng điều hòa trong nhà...
Đối với bệnh cúm, nhất là cúm A rất dễ biến chứng nặng nên người già cần tránh tiếp xúc với những nơi nguy cơ như nơi tập trung đông người, tránh tiếp xúc với những người có biểu hiện bệnh...
Đặc biệt, việc tiêm vaccine phòng cúm có hiệu quả phòng bệnh rất hiệu quả, tuy nhiên vì hiệu lực vaccine không kéo dài nên cần được tiêm nhắc lại hàng năm. Những người được tiêm vaccine sẽ giảm rất nhiều nguy cơ diễn biến nặng của bệnh cúm; nhất là những người già, có bệnh nền.
6 loại bệnh mà người già thường mắc phải vào mùa hè
Theo Trung tâm truyền thông sức khỏe Trung ương, vào mùa hè, người già thường mắc 6 loại bệnh sau đây:
Thứ nhất, bệnh tim mạch: Đây là một trong những bệnh người già thường mắc phải nhất vào mùa hè. Đặc biệt, mùa hè nóng nực, người cao tuổi bị ra mồ hôi nhiều nên rất dễ bị mất nước và chất điện giải, trong khi đó, người cao tuổi lại hay mất cảm giác khát nên không chủ động uống đủ nước cần thiết.
Nếu cơ thể mất nước nhẹ thì sẽ luôn trong tình trạng mệt mỏi, bủn rủn tay chân và hay cáu gắt, còn ,ếu mất nước nặng hơn có thể truỵ tim mạch. Vì thế, người cao tuổi cần thiết phải uống nhiều nước, ăn nhiều rau và canh để cơ thể luôn có đủ nước, các chất điện giải và tránh lạnh đột ngột.
Thứ hai, bệnh xương khớp: Đau nhức xương khớp là bệnh người cao tuổi thường gặp phải nhất vào mùa đông, tuy nhiên thời tiết nóng nực vào ngày hè và thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng sẽ làm xuất hiện đau nhức xương khớp, đặc biệt là các khớp gối, cột sống, thắt lưng, khớp bàn tay, bàn chân khiến người cao tuổi bị mất ngủ, trằn trọc do không khí oi bức.
Vì thế, người cao tuổi cần phải giữ được giấc ngủ ngon giấc, đủ giấc. Cùng với đó, hàng ngày nên xoa bóp nhẹ các bắp cơ, vùng xương khớp, tập luyện thể dục dưỡng sinh hoặc các môn thể thao nhẹ nhàng cho người cao tuổi.
Thứ ba, bệnh đường hô hấp: Người cao tuổi có thể bị cảm lạnh do chế độ sinh hoạt hàng ngày không hợp lý dẫn đến viêm đường hô hấp như: viêm họng, viêm mũi, nếu nặng có thể viêm phế quản, viêm phổi. Vì thế, khi đi ngoài nắng nóng về nên để thân nhiệt giảm dần, nghỉ ngơi từ 15 - 30 phút rồi mới tắm hoặc vào phòng điều hòa.
Thứ tư, rối loạn tiêu hóa: Đây là một trong những chứng bệnh phổ biến trong mùa hè khi người cao tuổi rất dễ bị rối loạn tiêu hóa do thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh dẫn đến ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy gây mất nước và chất điện giải.
Đặc biệt, nếu những bệnh đường tiêu hóa này tái đi tái lại nhiều lần sẽ làm sức khỏe của người cao tuổi suy giảm và nguy cơ cao mắc các bệnh tiết niệu, nội tiết, tim mạch… Vì vậy, người cao tuổi nên sử dụng những thực phẩm tươi sống, ăn chín, uống sôi và chế độ ăn uống lành mạnh khoa học để ngăn ngừa các bệnh tiêu hóa.
Thứ năm, bột quỵ: Bệnh này thường xảy ra vào mùa hè chiếm một tỷ lệ đáng kể do thay đổi nhiệt độ, thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống nhất là ở những người có tiền sử bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, thiểu năng mạch vành), tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu (tăng cholesterol, triglyceride), đái tháo đường...
Vì vậy, người cao tuổi nên hạn chế đi lại hay làm việc trong những ngày nắng nóng vào những giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Cần đội nón mũ rộng vành khi đi ngoài nắng và dùng máy điều hòa nhiệt độ thì nên để nhiệt độ khoảng 26 - 28 độ C.
Thứ sáu, bệnh về da: Ở người cao tuổi thường hay mắc các bệnh về da như viêm da dị ứng gây ngứa, thậm chí có trường hợp viêm da dị ứng nhiễm trùng gây mưng mủ, lở loét. Đặc biệt là bệnh zona do vi rút gây ra và thường ký sinh sẵn trong cơ thể một số người đã từng bị bệnh thủy đậu (loại vi rút gây bệnh thủy đậu cũng đồng thời là vi rút gây zona)…
Bên cạnh đó, do thời tiết nóng nực của mùa hè cũng khiến cho người cao tuổi dễ bị say nóng, say nắng, sốt đột ngột…Vì vậy, những người cao tuổi cần quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe khi ra ngoài đường vào thời điểm thời tiết bất lợi…
Phạm Sinh
Bạn đang xem bài viết Nguy cơ các bệnh mà người cao tuổi thường mắc vào mùa hè tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].