Viện Dinh dưỡng Quốc gia mới công bố kết quả của Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc (2019-2020).
Theo đó, năng lượng trung bình trong khẩu phần ăn của người Việt đạt 2023kcal/người/ngày, tăng nhẹ so với mức năng lượng 1925kcal/ người/ngày năm 2010. Cơ cấu sinh năng lượng từ Protein, Lipid, và Glucid (2020) là: 15,8% : 20,2% : 64,0% (% so với tổng năng lượng ăn vào), cơ cấu này được coi là cân đối theo khuyến nghị cho người Việt Nam (2016).
Mức ăn rau quả của người dân đã tăng bình quân đầu người từ 190,4g rau/người/ngày; 60,9g quả chín/người/ngày (2010) lên thành 231,0g rau/người/ngày; 140,7g quả chín/người/ngày (2020); Mức tiêu thụ rau quả mới chỉ đạt khoảng 66,4% - 77,4% so với nhu cầu khuyến nghị của Tháp Dinh dưỡng cho người trưởng thành.
Đáng lưu ý là mức tiêu thụ thịt tăng nhanh; từ 84,0g/người/ngày (là mức tiêu thụ thịt bình quân trên toàn quốc vào năm 2010) tăng lên 136,4g/người/ngày (năm 2020); khu vực thành phố tiêu thụ cao hơn, ở mức 155,3g/người/ngày (năm 2020).
Mức tiêu thụ gạo có xu hướng giảm. Tại các trường học ở thành phố có xu hướng tăng tiêu thụ các loại nước ngọt và thức ăn nhanh.
Theo các chuyên gia y tế, chế độ ăn nhiều thịt, ít rau còn liên quan trực tiếp đến tình trạng thừa cân, béo phì, gia tăng các bệnh không lây nhiễm và các bệnh đường tiêu hóa.
Do đó, để phòng tránh bệnh tật nói chung, các bệnh đường tiêu hóa nói riêng, thay vì ăn nhiều thịt, ít rau, mỗi người cần tăng cường ăn rau xanh, củ quả, hạn chế lượng thịt tiêu thụ mỗi ngày.
Cụ thể, mỗi người cần ăn đủ 5 suất rau, tương đương 400g rau xanh và quả chín mỗi ngày. Điều này có thể làm giảm 2 lần nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và tăng khả năng dự phòng với các bệnh không lây nhiễm khác.
Mỗi suất rau hoặc trái cây 80g tương đương với một trái chuối, táo, kiwi cỡ vừa hay một bát rau xanh, nửa cốc nước ép rau quả.
Có thể đảm bảo nhu cầu chất xơ đối với người từ 24 tháng tuổi trở lên bằng cách mỗi ngày ăn 2 lần các loại quả, 3 lần hoặc hơn các loại rau. Số lượng mỗi lần ăn cần phù hợp với lứa tuổi.
Đồng thời cần hình thành các thói quen ăn uống lành mạnh khác như hạn chế đồ ăn nhiều đường và muối. Điều này hoàn toàn có thể điều chỉnh bằng việc hạn chế các loại nước ngọt, bánh ngọt, đồ ăn nhanh, dưa cà muối, nêm ít muối vào đồ ăn…
Bên cạnh thói quen ăn uống lành mạnh cần hạn chế rượu, bia, bỏ thuốc lá; hoạt động thể lực đều đặn 30-60 phút mỗi ngày; chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress...
An AnBạn đang xem bài viết Người Việt ăn nhiều thịt, nhưng rau quả mới chỉ đạt 2/3 nhu cầu theo Tháp Dinh dưỡng tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].