Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đang điều trị cho một bệnh nhân nữ (29 tuổi) bị dị ứng ve sầu.
Trước đó, tối 8/5, bệnh nhân đã thử ăn ve sầu xào lá chanh lần đầu tiên. Vì món ăn thơm ngon và bùi bùi nên chị đã ăn khoảng 10 con.
Sau ăn, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện mẩn ngứa toàn thân, kèm theo buồn nôn và nôn, nhịp tim nhanh, khó thở… Ngay lập tức, chị được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bệnh nhân có tiền sử dị ứng nhộng tằm.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, đỡ ngứa, không còn buồn nôn, khó thở.
Bác sĩ Ma Thị Oanh, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, một số người khi ăn ve sầu có thể bị dị ứng, với các biểu hiện như nổi mề đay, mẩn ngứa khắp người nhưng đó là trường hợp nhẹ. Đối với trường hợp nặng, người bệnh có các triệu chứng khó thở, nôn mửa, co giật, hôn mê, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ khuyến cáo những người có cơ địa dị ứng với thức ăn (đặc biệt là dị ứng hải sản) cần chú ý cẩn trọng khi ăn ve sầu. Nếu thấy các dấu hiệu mẩn ngứa, khó thở… nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Ve sầu có ăn được không?
Các chuyên gia cho biết, ve sầu là loài biến thái không hoàn toàn, nên không có khái niệm "nhộng" như ở bướm tằm. Việc gọi tên là nhộng ve sầu không chính xác. Ve sầu là thiếu trùng sống trong đất, còn gọi là kim thiền, là một siêu họ côn trùng có đầu to, hai cánh có nhiều vân. Có khoảng 2.500 loài ve sầu trên thế giới. Ve sầu không chích, không cắn và vô hại đối với con người. Ve sầu cũng được dùng làm thuốc Đông y.
Ở Việt Nam, người dân ở Tây Bắc thu bắt 2 loài ve sầu (ve sầu đen – Cryptotympana atrata và ve sầu xanh – Meimuna mongolica) để ăn. Phần lớn cuộc đời của ve là thời kỳ ấu trùng ở dưới đất với độ sâu khoảng từ 30cm đến 2,5m. Các ấu trùng ve hút nhựa rễ cây và có những chân trước đào bới rất khỏe.
Ve sầu đã bị chết ngoài tự nhiên dễ bị nhiễm nấm độc hay vi khuẩn... hoặc khi chế biến chưa làm sạch dễ phát sinh độc tố. Do thời gian sinh sống chủ yếu dưới lòng đất, ve sầu dễ nhiễm các loại nấm độc ký sinh. Đến nay chưa có nghiên cứu khoa học chính thức nào về dinh dưỡng trong ve sầu khi sử dụng làm thức ăn. Tuy nhiên, thói quen truyền miệng, nhiều người vẫn coi ve sầu là món nhậu ngon.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ve sầu không có độc tố gây chết người nhưng lại dễ bị các loại nấm ký sinh trên cơ thể do sống sâu trong lòng đất lâu ngày. Đây chính là nguy hiểm tiềm ẩn khi sử dụng nhộng ve làm món ăn.
Như vậy, chuyện ăn ve sầu tốt cho sức khỏe chưa được cơ quan chuyên môn ở Việt Nam kiểm chứng và cho kết luận khoa học. Nhưng người ăn ve sầu phải nhập viện, thậm chí tử vong xảy ra hằng năm ở rất nhiều nơi trong cả nước.
V.LinhBạn đang xem bài viết Hào hứng ăn món 'đặc sản' chỉ mùa hè mới có, người phụ nữ Tuyên Quang nhập viện vội, lời cảnh tỉnh cho những người thích món này tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].