Cúm A là một bệnh truyền nhiễm liên quan đến đường hô hấp, rất dễ lây lan và bùng phát thành đại dịch. Bệnh cần được phát hiện và điều trị nhanh để tránh xảy ra biến chứng cũng như giảm nguy cơ lây lan. Vậy cúm A có nguy hiểm không, có những lưu ý điều trị gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1 Cúm A là gì? Triệu chứng cúm A?
Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính gây ra bởi các chủng của virus Cúm A: H1N1, H5N1… khi virus gây bệnh tấn công vào mũi, hầu, họng và có thể cả nhu mô phổi. Sở dĩ bệnh có tên là cúm A là do vi sinh vật gây bệnh được đặt tên là virus cúm A.
Triệu chứng của cúm A tương tự cảm lạnh thông thường bao gồm sổ mũi và hắt hơi. Tuy nhiên, cảm lạnh thường diễn biến từ từ, còn cúm thì các triệu chứng diễn ra đột ngột hơn.
Các triệu chứng có thể bắt gặp ở bệnh nhân cúm A là:
- Đau đầu.
- Sốt cao trên 38,5 độ C.
- Ho khan.
- Mệt mỏi.
- Chảy nước mũi, nghẹt mũi.
- Đau họng.
- Đau mắt.
- Có thể gặp nôn và tiêu chảy.
Bệnh nhân mắc cúm A thường sốt cao
2 Cúm A có nguy hiểm không?
Bệnh có rất nhiều loại khác nhau như cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, cúm A H7N9,... đã từng trở thành những đại dịch trên toàn thế giới những năm trước.
Bệnh rất dễ lây từ người sang người, dễ bùng phát thành đại dịch. Đường lây chủ yếu của bệnh là đường hô hấp, thông qua những giọt bắn xuất hiện khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi.
Virus cúm A tồn tại lâu ở môi trường bên ngoài vật chủ. Cụ thể là:
- 48 giờ trên tay nắm cửa, bàn bếp, nhà vệ sinh,...
- 12 giờ trong quần áo.
- 5 phút trong lòng bàn tay.
Đặc biệt, ở một số người có tình trạng bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD khi mắc cúm có thể dẫn tới viêm phổi nặng, suy đa tạng hoặc tử vong.
Cúm A có thể làm xuất hiện tình trạng viêm phổi nặng
3 Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Mặc dù, cúm có thể tự khỏi nhưng khi xuất hiện những dấu hiệu sau, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị:
- Tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
- Thở nhanh, khó thở.
- Đau ngực.
- Chóng mặt.
- Co giật.
- Tím móng tay.
- Da khô, khóc không có nước mắt.
- Đau cơ.
Ngoài các triệu chứng của người lớn đã nêu trên, nếu trẻ có thêm các dấu hiệu như màu xám hoặc xanh ở gốc móng tay, mất nước, bố mẹ cũng nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Khi xuất hiện khó thở nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ đánh giá các dấu hiệu của bệnh liên quan đến đường hô hấp, những đặc điểm ảnh hưởng đến các cơ quan khác để xác định đã có biến chứng hay chưa.
Khi nghi ngờ cúm, bác sĩ có thể chỉ định test PCR (xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase) để tìm ra chính xác virus gây bệnh.
Ngoài ra, khi xuất hiện biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm để đánh giá mất nước, rối loạn điện giải, suy gan, suy thận,...
Test PCR để đánh giá chính xác nguyên nhân do virus nào
Các bệnh viện uy tín
Nếu nhận thấy bản thân, người thân và bạn bè có những triệu chứng nặng của bệnh cúm A hoặc cần nhận được sự tư vấn từ bác sĩ chuyên môn, bạn có thể đến chuyên khoa Hô Hấp của một số bệnh viện, phòng khám uy tín sau:
- Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương,...
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Nhi Trung Ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai,...
4 Phòng ngừa cúm A
Vì cúm A là bệnh rất dễ lây lan nên chúng ta cần có những kiến thức cơ bản trong phòng tránh bệnh này. Một số điểm cần lưu ý khi phòng tránh bệnh này là:
- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc các vật dụng của người bệnh.
- Thường xuyên sử dụng các dung dịch sát khuẩn mũi, họng.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với người bệnh.
- Bổ sung các chất dinh dưỡng đa dạng, đặc biệt tăng cường rau xanh và hoa quả.
- Tập thể dục thường xuyên nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Tiêm phòng cúm mỗi năm.
- Cách ly với người nghi mắc cúm.
- Lau sạch những bề mặt thường xuyên phải tiếp xúc như tay nắm cửa, sàn nhà, bàn bếp bằng chất tẩy rửa chuyên dụng.
- Thường xuyên mở cửa lớp học, phòng ngủ,...
Rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ mắc bệnh
5 Lưu ý khi bị cúm A
Hạn chế ra ngoài
Khi mắc bệnh, cơ thể rất mệt mỏi, cần thời gian để nghỉ ngơi nhằm lấy lại năng lượng. Chính vì vậy, thay vì ra ngoài, người bệnh nên ở nhà để giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn.
Mặt khác, đây là bệnh lây nhiễm nhanh nên việc hạn chế ra ngoài cũng là một cách để giảm nguy cơ lây bệnh sang người khác, đặc biệt là những đối tượng có hệ miễn dịch yếu như trẻ em hoặc người già.
Nghỉ ngơi tại nhà để cơ thể có thời gian hồi phục
Uống đủ nước
Một trong những triệu chứng hay gặp khi cúm là sốt cao gây nên tình trạng mất nước và mất điện giải do tình trạng đổ mồ hôi, nôn và tiêu chảy.
Chính vì vậy, việc cung cấp nước cho cơ thể là vô cùng cần thiết giúp hệ cơ quan hoạt động nhịp nhàng. Người bệnh nên bổ sung nước lọc hoặc trà pha mật ong, tránh nước uống có ga hoặc cà phê.
Xem thêm: Cách tính lượng nước cần uống mỗi ngày và lưu ý khi uống
Uống đủ nước để đảm bảo hệ thống tuần hoàn của cơ thể hoạt động hiệu quả
Ngủ càng nhiều càng tốt
Ngủ là một trong những hoạt động giúp cho hệ cơ quan trong cơ thể được nghỉ ngơi và hồi phục sau khi bị tấn công bởi các virus gây bệnh.
Ngoài ra, ngủ còn giúp cơ thể thư giãn, tránh những căng thẳng không cần thiết, đồng thời làm giảm nguy cơ biến chứng của bệnh cúm như viêm phổi.
Ngủ nhiều giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn
Ăn uống lành mạnh
Ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng sẽ giúp cho cơ thể có đủ nguyên liệu để hồi phục khi các cơ quan bị virus tấn công.
Bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả để tăng cường vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại virus gây bệnh.
Ăn nhiều rau xanh giúp tăng cường hệ miễn dịch
Bổ sung độ ẩm cho không khí
Không khí khô sẽ gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp, vì mũi sẽ phải tiết ra chất nhầy để làm ấm và ẩm không khí giúp cho phổi hấp thu dễ dàng.
Tuy nhiên, các tế bào niêm mạc mũi đang bị tấn công bởi virus cúm A sẽ hoạt động kém hiệu quả khiến cho hiệu suất trao đổi khí của cơ thể giảm mạnh.
Chính vì vậy, khi mắc cúm A người bệnh nên bổ sung độ ẩm cho không khí phòng bằng các máy tạo độ ẩm, tạo hơi nước nhằm giúp cho hệ hô hấp có thể hoạt động tốt nhất.
Bổ sung độ ẩm cho không khí để hỗ trợ hệ hô hấp hoạt động hiệu quả
Xem thêm:
- Cúm A là gì? 8 cách điều trị cúm A tại nhà bạn nên biết
- 6 cách phòng ngừa bệnh cúm bạn cần biết để không bị lây nhiễm
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn các kiến thức về cúm A, đặc biệt là những lưu ý khi điều trị bệnh này. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, có tốc độ lây truyền nhanh nên cần được chăm sóc và điều trị phù hợp. Hãy chia sẻ thông tin để mọi người cũng biết đến nhé!
Bạn đang xem bài viết Người mắc bệnh cúm A có nguy hiểm không? Các lưu ý khi điều trị cúm A tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].