Gỡ gánh nặng cho “bước chân chạm đất”
23h50, đêm 30/4, TS Đinh Viết Sang (Đại học Bách khoa Hà Nội) soát lại một lượt văn bản trên máy tính, rồi ấn “Gửi”. Lá thư xin tài trợ lẫn thuyết minh đề tài khoa học được gửi đến Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VinIF) chỉ 10 phút trước khi hết hạn nhận hồ sơ hỗ trợ các đề tài khoa học thường niên năm 2020.
Công trình “Phát triển hệ thống thời gian ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ phát hiện polyp đại tràng và phân loại các tổn thương có nguy cơ ung thư hóa khi nội soi” do anh cùng TS.BS Đào Việt Hằng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) và cộng sự hợp tác nghiên cứu trong hơn một năm.
Vấn đề TS Sang và TS.BS Hằng nêu ra chính là đau đáu của rất nhiều đồng nghiệp. Tại Trung tâm Nội soi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và nhiều đơn vị y tế lớn khác, mỗi ngày có thể phải tiếp nhận hơn 400 ca nội soi đường tiêu hóa trong khi số lượng các bác sĩ cơ hữu của các đơn vị còn hạn chế. “Có những ngày mệt chân không chạm đất”, bác sĩ Hằng đã mô tả như vậy khi nói về những áp lực mà các bác sĩ nội soi ở Việt Nam đang phải đối mặt.
Yếu tố này là một trong những nguyên nhân khiến bác sĩ có thể bỏ sót tổn thương khi nội soi. Trên thế giới, tỷ lệ bỏ sót polyp và u tuyến đại tràng dao động từ 20-47%. Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng con số có lẽ khó thấp hơn.
Khảo sát của TS Hằng trên hơn 100 bác sĩ nội soi ở các tuyến trung ương và địa phương cho kết quả, 97% mong muốn có các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al) hỗ trợ chẩn đoán tổn thương trên nội soi, để tránh bỏ sót từ đó bệnh nhân được chẩn đoán chính xác căn nguyên bệnh và chữa trị kịp thời.
Công trình của hai vị tiến sĩ và các cộng sự là hệ thống thu thập dữ liệu gồm 10.000 ảnh và 200 video nội soi có tổn thương polyp đại tràng, trong đó có 2.000 ảnh tổn thương thuộc nhóm nguy cơ ác tính cao được xác định bằng kết quả giải phẫu bệnh. Dữ liệu được “gán nhãn” bởi chuyên gia từ đó xây dựng các thuật toán AI và hệ thống tích hợp có khả năng cảnh báo cho bác sĩ ngay trong quá trình nội soi. Cơ sở dữ liệu chuẩn đặc thù từ bệnh nhân Việt Nam được các chuyên gia y tế gán nhãn sau đó có thể được sử dụng phục vụ cho công tác nghiên cứu và đào tạo.
Lá phiếu đề xuất nhận hỗ trợ dài 3.526 chữ, gói gọn mục tiêu, tính mới, tầm ảnh hưởng về mặt khoa học và thực tiễn của dự án, các bước thực hiện và kết quả dự tính. Tất cả làm theo hướng dẫn của VinIF và lần đầu tiên, TS Sang thấy “mọi thứ đều tinh gọn”, khác với những đề tài từng tham gia.
Trước đó một năm, Đại học Bách khoa Hà Nội – nơi TS Sang công tác có 5 đề tài được Quỹ VinIF tài trợ, tổng kinh phí tới hàng chục tỷ đồng. Tất cả dự án đều được thẩm định, xét duyệt, và giải ngân nhanh chóng, chặt chẽ. Các đề tài nhận tài trợ thành công năm ngoái đã thôi thúc anh nộp hồ sơ.
Ít lâu sau ngày gửi thư ngỏ, TS Đinh Viết Sang và TS Đào Việt Hằng đã cùng đặt bút ký kết và sớm nhận được nguồn tài trợ từ Quỹ VinIF. Không còn nặng gánh ngân sách, tất cả việc cần làm với 2 vị tiến sĩ 8X bây giờ chỉ còn là “dạy” cho một cậu học sinh người máy nhận biết các loại tổn thương.
Từ VinIF, cơ hội để làm khoa học vì người Việt
Công trình của TS Sang và TS Hằng là 1 trong 22 dự án nhận được tài trợ năm nay với nhiều nghiên cứu liên quan trực tiếp đến các vấn đề thời sự trong nước.
“Lo mấy năm nữa, sẽ không mấy ai còn làm khoa học”, rất nhiều nhà khoa học bày tỏ nỗi niềm ấy bởi nguồn lực được đầu tư có hạn. Thấu hiểu điều ấy, GS Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Quỹ VinIF (Tập đoàn Vingroup), trong Lễ ký kết tài trợ các dự án khoa học công nghệ hồi tháng 10, nhấn mạnh, điều mà Quỹ hướng đến là sự phát triển của cộng đồng khoa học công nghệ Việt Nam nói riêng và xã hội nói chung.
Đó cũng là lý do mà hai năm qua, tổng cộng 51 dự án thuộc nhiều lĩnh vực tiên tiến như Gen và tế bào, Khoa học máy tính, Tự động hóa, Al, năng lượng tái tạo... được Quỹ đỡ đầu, với mức hỗ trợ tối thiểu 2 tỷ, tối đa 10 tỷ đồng.
Sự đồng hành ấy đã mở ra những con đường mới. Đáng nhớ là năm 2020, ba dự án nghiên cứu vaccine chống Covid-19 nhận được khoản tài trợ cấp tốc với tổng giá trị hơn 20 tỷ đồng. Đó là câu chuyện tới tận bây giờ, người làm khoa học vẫn nhớ rõ bởi trong lúc khẩn cấp nhất, một thỏa thuận hợp tác tài trợ cho các dự án nghiên cứu vaccine đã ra đời với sự chung tay của cả Nhà nước và Quỹ. Chỉ trong vòng hai tuần, 70% kinh phí nghiên cứu đã được giải ngân cho đề tài này.
Không chỉ các giáo sư đầu ngành, các viện nghiên cứu, những người trẻ chập chững trên con đường nghiên cứu khoa học cũng được trao cơ hội. Tháng 11 này, 293 suất học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước sẽ được trao cho các học viên, nghiên cứu sinh, tổng trị giá gần 40 tỷ đồng. Chương trình là một trong bốn hoạt động, với nỗ lực góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bền vững cho khoa học nước nhà.
-“Sự đồng hành của học bổng VinIF trong suốt một năm qua đã giúp tôi có đủ thời gian và chi phí để dành toàn lực nghiên cứu, hoàn thành tốt một trong những dấu mốc quan trọng trên hành trình làm khoa học của mình”, Phạm Đức Chinh, sinh năm 1993, một trong 160 học viên, nghiên cứu sinh xuất sắc của Chương trình học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ trong nước năm 2019 chia sẻ.
Vừa chính thức trở thành Tân thạc sĩ vào tháng 10 vừa qua, kết quả của chàng trai khuyết tật đam mê Kỹ thuật hóa học là minh chứng để thấy rằng khoa học là con đường không có ranh giới tuổi tác, giới tính và bệnh tật, là động lực để những nhà khoa học trẻ như Chinh tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học lâu dài.
-“Hi vọng không chỉ tôi mà nhiều nhà nghiên cứu sẽ có cơ hội tiếp cận và nhận được sự hỗ trợ từ VinIF, để tập trung nghiên cứu và cống hiến, tạo ra những phát kiến của người Việt, cho người Việt”, anh nói.
Yến AnhBạn đang xem bài viết 'Người đồng hành' VinIF và hành trình phát triển khoa học Việt tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].