Nhóm đối tượng lao động nào bị stress nhiều nhất?
Khảo sát cho thấy, nhóm quản lý cấp trung, nhóm nhân viên có thâm niên từ 2-5 năm đang thấy áp lực nhất. Ngành Sản xuất/Vật liệu xây dựng và Ngân hàng là 2 ngành có lượng nhân viên stress đông nhất, tiếp theo là các ngành Sản xuất/Hóa chất; Dược/Chăm sóc sức khỏe; Xây dựng/Kiến trúc.
Xét theo phòng ban, stress nhiều nhất là phòng quản lý chất lượng QA/QC (cứ 2 người sẽ có 1 người stress từ thường xuyên tới rất thường xuyên). Sau đó là ban lãnh đạo, quản lý chiến lược, ngoài ra nhóm nhân viên bán hàng và chăm sóc khách hàng cũng có tỷ lệ stress khá cao.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, xoay quanh 4 nhóm yếu tố chính là: Tài chính và gia đình; Tính chất công việc; Môi trường và điều kiện làm việc; Quan hệ công sở.
Đáng lưu ý ở giai đoạn này, dù làm trong lĩnh vực và cấp độ nào thì hai mối bận tâm hàng đầu khiến người đi làm dễ phân tâm đều xoay quanh “áp lực tài chính, phải lo nhiều thứ” và “công việc nhiều, thời hạn gấp gáp”.
Bên cạnh đó, nhóm nhân viên dễ hoang mang khi “thiếu định hướng nghề nghiệp rõ ràng”, nhóm nhân sự cấp trung thường có áp lực thêm vì “quy trình làm việc phức tạp, thiếu rõ ràng”, nhóm quản lý cấp cao cũng mệt mỏi vì “phải thích ứng với quá nhiều thay đổi trong tổ chức”.
Đây cũng chính là “sát thủ vô hình” giết chết động lực cũng như sự gắn kết của người đi làm với doanh nghiệp. Vì tần suất stress càng cao, nỗ lực tự nguyện cống hiến cho công việc và cam kết gắn bó với công ty càng suy giảm.
Cụ thể, kết quả khảo sát của Anphabe ghi nhận, trong nhóm nhân viên có dự định nghỉ việc trong vòng 6 tháng tới, tỷ lệ stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên cao gấp 250% so với nhóm thỉnh thoảng mới bị stress.
Đáng chú ý, sau COVID-19, người đi làm trẻ có xu hướng thay đổi góc nhìn về tầm quan trọng của công việc so với nhiều ưu tiên khác trong cuộc sống. Khi công việc không còn là tất cả, họ sẽ tìm cách phản kháng bằng cách nói không hoặc từ bỏ trong im lặng. Đó là lý do vì sao xu hướng “Quiet Quitting” – tạm dịch là nghỉ việc trong yên lặng (mô tả xu hướng làm việc vừa đủ, chính xác những gì được giao, không hơn không kém. Đúng giờ về là ngắt liên lạc với công ty, đồng nghiệp và không để công việc lấn sân sang các thú vui khác trong cuộc sống) ngày càng phổ biến. Nên dù muốn hay không, các lãnh đạo và quản lý nhân sự cần phải lưu tâm đến xu hướng này.
Thêm nữa, thực trạng stress tăng cao, ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng nguồn nhân lực buộc doanh nghiệp phải nghiêm túc xem xét lại chính sách chăm lo AN SINH (WELL-BEING) cho nhân viên.
Mặc dù đây đang là một chiến lược quan trọng trong nhiều bàn nghị sự trên thế giới, thực tế tại Việt Nam vẫn chưa thực sự theo kịp. Khảo sát của Anphabe với gần 100 doanh nghiệp lớn đại diện 20 ngành nghề chính cho thấy, mới chỉ có 15% chọn An Sinh cho nhân viên vào nhóm ưu tiên chiến lược hàng đầu trong 2023, đứng thứ 9 sau nhiều ưu tiên chiến lược khác.
Trong khi đó, xu hướng chung từ các doanh nghiêp cấp tiến cho thấy An Sinh ngày nay không đơn giản là cung cấp vài phúc lợi nhỏ như đặt thêm bàn tennis trong văn phòng hay snack miễn phí, mà phải trở thành chiến lược nhân tài trụ cột, định hướng cho rất nhiều chính sách nhân sự đa dạng tại doanh nghiệp.
Vì mỗi người đi làm mang theo tất cả mối quan tâm của họ trong cuộc sống đến công sở, nên cách tiếp cận An Sinh Toàn Diện tiên tiến hiện nay là chăm lo cho nhân viên như một “con người trọn vẹn” chứ không chỉ là “con người đi làm” với 5 trụ cột chính bao gồm: sức khỏe Thể Chất, sức khỏe Cảm Xúc, sức khỏe Tinh Thần, sức khỏe Tài Chính và sức khỏe Sự Nghiệp.
Doanh nghiệp cần thích ứng với thay đổi
“Sức khỏe toàn diện của nguồn nhân lực ảnh hưởng trực tiếp đến Sức khỏe doanh nghiệp, từ hiệu quả kinh doanh ngắn hạn tới sự phát triển bền vững"- bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng Hạnh phúc Anphabe đánh giá.
Do đó, theo bà Thanh Nguyễn, việc chăm lo An Sinh cho nhân viên là chiến lược rất cần thiết và nên được chú trọng ngay và luôn. Để chăm lo An Sinh toàn diện cho nhân viên, doanh nghiệp hãy bắt đầu làm đúng từ những điều căn bản nhất, sau đó, cố gắng cá nhân hóa các nhóm hoạt động cụ thể tương ứng với nhu cầu thiết thực của từng nhóm nhân viên. Cụ thể:
- Chăm lo sức khỏe Thể Chất (Physical Well-being) là giữ cho nhân viên an toàn về mặt thể chất, mạnh khỏe và tràn đầy năng lượng.
- Chăm lo sức khỏe Cảm Xúc (Emotional Well-being) là giúp nhân viên trải nghiệm và thể hiện những cảm xúc cũng như kết nối tích cực trong công việc và cuộc sống.
- Chăm lo sức khỏe Tinh Thần (Mental Well-being) là tập trung thúc đẩy sức mạnh tâm lý của nhân viên để họ ra quyết định sáng suốt, đối phó với căng thẳng và nhận ra những ý nghĩa sâu sắc.
- Chăm lo sức khỏe Tài Chính (Financial Well-being) bằng cách thúc đẩy cảm giác an toàn, an tâm về tài chính, giúp nhân viên cảm thấy có đủ tiền để đáp ứng các nhu cầu quan trọng và tận hưởng cuộc sống.
- Chăm lo sức khỏe Nghề Nghiệp (Career Well-being) bằng cách giúp nhân viên yêu thích công việc và có động lực để đạt được mục tiêu.
"Tôi tin rằng công ty nào thể hiện rõ sự QUAN TÂM chân thành tới người lao động, họ sẽ là thỏi nam châm hút về những tinh hoa của nguồn nhân lực và tới lượt mình, nhân viên cũng sẽ “chăm lo” tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp đó.” - Bà Thanh Nguyễnkhẳng định.
K.ThoaBạn đang xem bài viết Người đi làm Việt Nam đang ngày càng stress, doanh nghiệp nên làm gì? tại chuyên mục Sống Hạnh Phúc của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].