Người nhà của cậu bé cho biết, trước đó bé vẫn ăn uống, vui chơi bình thường, nhưng chỉ sau một đêm, tỉnh giấc buổi sáng bé có những biểu hiện khác thường trên khuôn mặt.
Gia đình vội vã đưa bé đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (xã Chí Đám – huyện Đoan Hùng – tỉnh Phú Thọ) khám với biểu hiện bé bị lệch mặt, mắt phải nhắm không kín, khi ăn vướng đồ ăn trong khoang má phải.
Qua thăm khám và các biểu hiện lâm sàng các bác sĩ chẩn đoán bé bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên phải, cần phải nhập viện điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền – phục hồi chức năng kết hợp điều trị y học hiện đại.
Bệnh nhi được điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền như: xoa bóp, cứu ngải, chiếu tia hồng ngoại, điện châm.
Bên cạnh đó bác sĩ hướng dẫn bệnh nhi tập cơ mắt, cơ vòm miệng, tập húyt sáo, chúm môi thổi lửa, tích cực nhai bên liệt khi ăn cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh gió lạnh, giữ ấm vùng đầu mặt cổ và tắm nước ấm.
Vì bé sợ kim châm nên suốt 15 ngày điều trị là hành trình các bác sĩ luôn đồng hành cùng gia đình bé, sử dụng thêm các liệu pháp tâm lý, tăng cường phương pháp xoa bóp bằng tay kỹ thuật viên do khó khăn khi điều trị thời điểm ôn châm và điện châm.
Sau quá trình điều trị tích cực cùng những hướng dẫn tận tình của bác sĩ tình trạng bệnh của bệnh nhi đã tiến triển rất tốt, mắt đã nhắm kín, miệng hết méo, thổi sáo được, ăn không vướng bên má, ngậm nước xúc miệng nước không rớt ra ngoài, bệnh nhi được bác sĩ điều chị cho ra viện.
BSCKII Y học cổ truyền Nguyễn Kim Hùng cho biết, đối với trẻ em bị liệt mặt, méo miệng, nguyên nhân thường là do bị lạnh.
Do đó, để phòng tránh căn bệnh liệt dây thần kinh số VII, cha mẹ cần đảm bảo cơ thể của con luôn được giữ ấm, không được để con bị lạnh.
Với thời tiết mùa hè nắng nóng buổi tối các gia đình thường sử dụng điều hòa nhiệt độ khi ngủ nhưng cần chú ý hẹn giờ điều hòa hoặc tắt khi nhiệt độ phòng đã mát. Ban đêm khi nhiệt độ giảm, thân nhiệt trẻ cũng giảm vì vậy rất dễ bị nhiễm lạnh.
Khi điều trị bệnh phương pháp y học cổ truyền – phục hồi chức năng bệnh nhân sẽ được:
- Dùng kim hào châm, điện châm, thủy châm, nhĩ châm (châm loa tai), diện châm
- Cấy chỉ vào huyệt
- Nhiệt trị liệu: Chiếu tia hồng ngoại, bó thuốc, bó parafin, siêu âm điều trị
- Điện trị liệu: Dòng điện một chiều, điện xung, kéo dãn cột sống, laze nội mạch
- Xoa bóp trị liệu: Xoa bóp bằng tay Kỹ thuật viên, xoa bóp bằng máy
- Tập vận động: Tập vận động bằng tay kỹ thuật viên, bằng dụng cụ hỗ trợ
Với phương pháp này có thể điều trị hầu hết các bệnh mạn tính như: các chứng đau không phải cấp cứu như đâu đầu, đau khớp, đau lưng – thắt lưng, thoát vị đĩa đệm, rối loạn tuần hoàn não, các chứng liệt sau đột quỵ, chấn thương, liệt dây thần kinh ngoại biên, suy nhược thần kinh, mất ngủ, suy nhược cơ thể, rối loạn chức năng như nôn nao, bí tiểu, trẻ em đái rầm, tai ù,…
Bạn đang xem bài viết Ngủ trong nhiệt độ lạnh vào ban đêm, bé trai 8 tuổi bị méo miệng, liệt cơ mặt tại chuyên mục Y tế 24h của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].