Nghiên cứu của Đại học Washington đã thí nghiệm trên 16 em bé. Một nửa đến từ các gia đình nói tiếng Anh và một nửa từ đến các gia đình nói 2 thứ tiếng Anh - Tây Ban Nha.
Các bé được nghe những tiếng nói khác nhau, từ những âm thanh ê a đến những câu tiếng Anh - Tây Ban Nha.
Các nhà nghiên cứu theo dõi phản ứng của trẻ với các âm thanh thông qua công nghệ 'từ não đồ' (magnetoencephalography - MEG).
Các máy MEG trông như các bộ sấy tóc khổng lồ ở thẩm mỹ viện, giúp các nhà nghiên cứu nhận diện rõ phần nào của bộ não được kích hoạt thông qua hoạt động điện từ.
Những bé từ gia đình nói song ngữ Anh - Tây Ban Nha có sự hoạt động gia tăng ở vùng vỏ não trước trán (prefrontal cortex) và vỏ não trán ổ mắt (orbitofrontal cortex) - những vùng đảm nhiệm chức năng điều hành của não, như ra quyết định hay giải quyết vấn đề.
'Kết quả của chúng tôi cho thấy từ trước khi bắt đầu biế nói, trẻ được nuôi dưỡng trong những gia đình song ngữ đã làm quen với những nhiệm vụ liên quan đến chức năng điều hành,' Naja Ferjan Ramirez, người chỉ đạo nghiên cứu cho biết.
'Trẻ được tiếp xúc với hai ngôn ngữ có vẻ 'cởi mở' với âm thanh của ngôn ngữ mới hơn trẻ tiếp xúc với chỉ một thứ tiếng, và điều này có lợi cho sự thích nghi của não bộ,' đồng tác giả Patricia Kuhl cho biết.
Cơ chế thích nghi này mang lại nhiều lợi ích cho cả trẻ em và người lớn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người nói 2 ngôn ngữ có chức năng điều hành của não bộ tốt hơn những người chỉ nói đơn ngữ.
Điều này có nghĩa là người nói song ngữ có khả năng nhanh nhạy hơn trong việc chuyển đổi giữa các nhiệm vụ, hồi tưởng ký ức, xử lý vấn đề và lập kế hoạch tốt hơn.
Những điều này cũng đúng ở những đứa trẻ nói song ngữ.
Thêm vào đó, tất cả chức năng điều hành não bộ đều là chìa khóa dẫn tới thành công ở trường lớp, và thành công học thuật là chỉ số quan trọng cho hạnh phúc dài lâu.
Học ngoại ngữ còn giúp ngăn hoặc làm chậm các bệnh thoái hóa não bộ như suy giảm trí nhớ hay Alzheimer ở người già.
Về cơ bản, song ngữ không có tác động tiêu cực nào - và thời điểm tốt nhất để bắt đầu là giai đoạn sớm.
'Kết quả nghiên cứu của chúng tôi không chỉ cho thấy rằng trẻ rất nhỏ cũng có thể học nhiều ngôn ngữ khác nhau, mà còn minh chứng giai đoạn sớm là thời điểm tối ưu để bắt đầu học ngoại ngữ,' Ferjan Ramirez.
Điều tuyệt vời nhất là bạn có thể nuôi dạy một đứa trẻ song ngữ - ngay cả khi bạn không phải người nói song ngữ.
Dưới đây là một số gợi ý từ Linguistic Society:
1. Nếu bạn đã nói song ngữ, hoặc gia đình bạn có người nói song ngữ, vậy hãy thử cách 'mỗi bố/mẹ, một thứ tiếng'.
Về cơ bản là phải phân biệt với trẻ bố nói tiếng gì và mẹ nói tiếng gì.
Bằng cách đó, trẻ sẽ hiểu và biết cách phản ứng.
2. Nếu bạn không nói song ngữ, cũng không sao! Bạn vẫn có thể cho trẻ tiếp xúc với các ngôn ngữ khác nhau.
Hãy bắt đầu từ những từ ngữ đơn giản. Ví dụ khi cho trẻ ăn, hãy chỉ vào các món ăn và gọi tên tiếng Anh của nó.
Hoặc bạn có thể cùng con xem các chương trình song ngữ.
Miễn là bạn cho trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ thường xuyên và liên tục trong bối cảnh tương tự, trẻ sẽ thích nghi và học hỏi được.
3. Hãy tìm kiếm những cộng đồng trao đổi ngôn ngữ để bạn và con có thể cùng nói chuyện với người bản ngữ. Cả bạn và con sẽ cùng học hỏi được từ cách học này.
Thư NguyênBạn đang xem bài viết Nghiên cứu chỉ ra trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai càng sớm thì càng thông minh tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].