Một niềm nhiệt huyết lớn hơn được anh dành cho công tác truyền nghề giúp nhiều bạn trẻ có thêm việc làm và tình yêu lâu dài với nghề, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị tinh hoa của nghề truyền thống.
Đón chúng tôi trong lúc tất bật tỉa tót những nét khắc gỗ cuối cùng trên tác phẩm Phúc Phật cho kịp giao khách, anh Hiệp cười giòn: “Đơn hàng cứ tới mà tôi không dám nhận. Bây giờ cơ sở nhiều việc quá mà chỉ thiếu thợ giỏi làm nghề”. Bắt đầu câu chuyện như thế để anh chia sẻ với chúng tôi cụ thể hơn mong muốn được đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn. Anh kể, sinh ra trong gia đình có tới 6 anh, chị, em, nhà nghèo nên không được học hành đầy đủ.
Nhưng tôi may mắn được bố gửi gắm đến học thầy Nguyễn Kim vốn là nghệ nhân điêu khắc gỗ nổi tiếng ở Phù Khê và được cụ tận tình chỉ bảo cho những nét đục, chạm đầu tiên.
Sau đó, cùng với năng khiếu trời cho, sự sáng tạo và kiên trì đã giúp anh làm chủ được kỹ thuật chuyển tạo hình trên các bản gỗ. Anh tìm mua, đặt hàng tới 96 lưỡi cắt và sưu tầm, đặt mua những loại gỗ chất lượng, với các công đoạn xử lý kỹ càng để cho ra sản phẩm mộc mĩ nghệ tinh xảo, có giá trị kinh tế, nghệ thuật cao đáp ứng thị trường trong và ngoài nước.
Sự cẩn thận thể hiện ở việc có những tác phẩm phải tới một năm, hai năm mới ra được sản phẩm cuối cùng. Có lúc chỉ một lưỡi đục sai cũng phải làm lại tác phẩm như vậy mới giữ được uy tín với khách hàng.
Chưa dừng lại ở đó, anh Hiệp còn chuyển thể những câu chuyện, hình ảnh đẹp diễn ra trong cuộc sống hàng ngày cùng nhiều tích truyện mang đậm bản sắc Việt Nam vào các tác phẩm, làm cho những tác phẩm ngày càng hoàn thiện hơn. Tiêu biểu như tác phẩm: Phúc Phật, Tứ Linh tụ tâm, Kê Ngưu tương phùng, Gia đình, Quốc hoa… được các nhà nghiên cứu và giới chuyên môn đánh giá cao.
Nhờ vậy, tranh điêu khắc gỗ của anh thường xuyên tham gia và đạt giải cao tại các Hội chợ, Triển lãm, Liên hoan của tỉnh và toàn quốc. Năm 2011 anh được Hội đồng khoa học Quốc gia vinh danh “Nghệ nhân Bàn Tay Vàng” và Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân quốc gia”, khi đó anh mới 37 tuổi - nghệ nhân quốc gia trẻ nhất Việt Nam.
Lúc thành công càng nhớ ơn thầy dạy năm xưa, nghệ nhân trẻ quyết định tham gia dạy nghề và trở thành Giảng viên của Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên của Tỉnh Đoàn Bắc Ninh.
Nhiều bạn thanh niên vẫn còn rất chơi vơi không biết lựa chọn lối đi nào tiếp theo để khẳng định mình. Cũng từng có thời gian làm cán bộ Đoàn nên tôi nhận thức sâu sắc hơn vai trò của việc định hướng việc làm.
Tôi muốn góp sức truyền đạt lại không chỉ kỹ thuật làm nghề mà quan trọng hơn là cảm hứng với nghề truyền thống cho các đoàn viên thanh niên”- Nghệ nhân Trần Hiệp tâm niệm. Biết tiếng nghệ nhân trẻ, nhiều bạn tới cơ sở của anh học nghề.
Còn anh cũng không quản nắng mưa cầm cưa, đục tới các cơ sở ở Chi Nhị (Song Giang, Gia Bình); Nghi Khúc (An Bình, Thuận Thành) để dạy nghề cho thanh niên. Phạm Sỹ Lượng, học viên tại cơ sở ở Chi Nhị phấn khởi: “Đến nay, chúng tôi được anh Hiệp chỉ dạy tận tình, đào tạo hơn 3 năm và trở thành thợ lành nghề. Không chỉ có thu nhập trung bình ổn định hơn 10 triệu đồng/tháng mà tôi còn được làm nghề tại địa phương, gần gia đình nên cảm thấy rất an tâm”.
Năm 2014, anh Hiệp thành lập HTX đồ gỗ mỹ nghệ Hiệp Thắng do anh làm giám đốc. Đến nay HTX có 28 thành viên với diện tích nhà xưởng sản xuất là 600m2. Hợp tác xã tạo việc làm thường xuyên cho các thành viên và 18 học viên học việc với mức thu nhập từ 4,5 -9 triệu đồng/người/tháng, đồng thời duy trì và phát triển tốt 6 mô hình vệ tinh do thanh niên làm chủ.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, ngoài sáng tạo theo cảm hứng, HTX Hiệp Thắng còn thực hiện theo đơn đặt hàng với những mức giá khác nhau. Có những sản phẩm bình dân làm quà lưu niệm như tranh gỗ nhỏ, cúp, tới những sản phẩm lớn như tượng, tranh rồng, tứ linh, tứ quý, tranh cảnh với độ tinh xảo cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
HTX Hiệp Thắng và cá nhân anh Hiệp đã được các cấp, ngành ghi nhận và tặng nhiều Bằng khen. Không bày tỏ nhiều mong muốn cho bản thân mình, anh Hiệp chỉ chia sẻ về dự định sẽ tiếp tục đào tạo nghề, xây dựng các mô hình khởi nghiệp gắn với chuỗi giá trị. Để từ đó, các lao động không chỉ có nghề, giỏi nghề mà còn nâng cao sức sống cho làng nghề.
Mục tiêu tới năm 2025 sẽ tạo việc làm cho gấp đôi số lượng thanh niên hiện nay. Vì vậy, anh cũng rất mong được các cấp, ngành, hội bổ sung nguồn vốn dài hơi hơn cho các dự án khởi nghiệp thanh niên do HTX xây dựng.
Hỗ trợ về mặt bằng sản xuất tạo thuận tiện cho việc truyền dạy nghề và trưng bày giới thiệu sản phẩm, qua đó, tạo cơ hội cho dự án thanh niên phát triển và lan tỏa cơ hội thành công cho nhiều người hơn.
Yến AnhBạn đang xem bài viết Nghệ nhân trẻ say sưa truyền nghề tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].