Thứ nhất: Vợ và chồng có quyền bình đẳng ngang nhau về mọi mặt trong gia đình.
Điều 17 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định: Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng.
Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.
Thứ hai: Vợ ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình vẫn được tính có thu nhập tương đương người chồng đi làm.
Trong nhiều gia đình, người vợ ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình, còn người chồng đi làm kiếm tiền. Những khi vợ chồng "cơm không lành, canh không ngọt", người vợ thường bị thiệt thòi khi bị đánh giá không làm ra tiền.
Tuy nhiên, trong Điều 7, mục 4, khoản b Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định: “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.
Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm.
Thứ ba, chồng không cho vợ về nhà bố mẹ đẻ, gặp gỡ bạn bè, các mối quan hệ lành mạnh... sẽ bị phạt từ 100.000 - 300.000 đồng.
Theo điểm a, khoản 1, Điều 52 Nghị định 167/2013, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với việc cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó.
Thứ tư, chồng không cho vợ đi làm việc cũng bị phạt từ 100.000 đến 300.000:
Theo điểm b, khoản 1, Điều 52 Nghị định 167/2013, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với việc cấm thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc.
Thứ năm, chồng bỏ mặc, không chăm sóc khi vợ mang bầu, nuôi con nhỏ bị phạt tới 2 triệu đồng:
Theo Điều 50 Nghị định 167/2013, phạt từ 1,5 triệu - 2 triệu nếu bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
Nếu người chồng bỏ mặc vợ khi vợ mang thai, nuôi con nhỏ ngoài bị phạt tiền còn phải buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Thứ sáu, chồng chửi mắng, chì chiết vợ bị phạt 500.000 - 1 triệu đồng:
Điều 51 Nghị định 167/2013 quy định sẽ phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình. Do đó, nếu người chồng chửi mắng vợ sẽ bị phạt tới 1 triệu đồng.
Thứ bảy, chồng đánh vợ bị phạt tới 1,5 triệu hoặc xử lý hình sự:
Điều 49 Nghị định 167/2013 quy định, hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên trong gia đình sẽ bị phạt tiền từ 1 - 1,5 triệu đồng.
Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình phạt tiền từ 1,5 - 2 triệu đồng.
Đối với hành vi này, nếu nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự.
An NhiênBạn đang xem bài viết Ngày Phụ nữ Việt Nam: Chồng không cho vợ gặp gỡ bạn bè sẽ bị phạt đến 300.000 đồng tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].