Một vài con số đáng báo động về tình hình HIV/AIDS ở Việt Nam

HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Ước có khoảng 230.000 người nhiễm HIV còn sống. Mỗi năm phát hiện mới hơn 12.000 người nhiễm HIV và khoảng 2.000 người nhiễm HIV tử vong hằng năm.

Tỉ lệ nhiễm trong nhóm nam quan hệ đồng giới tăng

Theo thống kê của Bộ Y tế, số người nhiễm HIV đang còn sống được báo cáo là 212.769 trường hợp. Số người nhiễm HIV tử vong lũy tiến tính từ đầu dịch đến nay là 108.849 trường hợp. Tính từ đầu năm 2021 tới nay, cả nước ghi nhận 10.925 trường hợp nhiễm mới HIV. Cũng từ đầu năm 2021 tới nay, ghi nhận 1.528 trường hợp tử vong. Ước tính đến hết năm 2021, cả nước phát hiện khoảng 13.000 trường hợp HIV dương tính và 2.000 trường hợp tử vong.

Đáng chú ý, theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong các năm gần đây cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng giới tăng nhanh, từ 5,1% năm 2015 lên 12,2% năm 2017 và 13,3% năm 2020.

Năm 2020, Cần Thơ có tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng giới (gọi tắt MSM) cao nhất (22,7%); TP.HCM và Kiên Giang là 14,7%; An Giang 13,5%; Khánh Hòa 12%.

Ước tính tỷ lệ nhiễm HIV mới hằng năm trong nhóm MSM tăng gấp 4 lần trong 8 năm qua (từ 0,62% năm 2012 lên 2,5% năm 2020). Tỷ lệ nhiễm giang mai trong nhóm này cũng tăng nhanh từ 2,6% năm 2015 lên 9,3% năm 2017 và 12,5% năm 2020.

Lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính trong lây nhiễm HIV và tỷ lệ này ngày càng tăng (từ 65,1% vào năm 2019 tăng lên 75,8 vào năm 2020, và hiện tại là 79,1%).

Một vài con số đáng báo động về tình hình HIV/AIDS ở Việt Nam 0

Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Trước tình hình đó, để can thiệp giảm lây nhiễm HIV trong nhóm MSM, các địa phương mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PEP) trong vòng 72 giờ, đồng thời duy trì và mở rộng việc cấp thuốc điều trị kháng vi rút ARV từ 30 ngày lên tới 60 ngày hoặc 90 ngày. Hiện có tới 80% người sử dụng PrEP là MSM. MSM có thể chuyển đổi phác đồ từ sử dụng PrEP hằng ngày (tức uống thuốc liên tục hằng ngày) sang phác đồ sử dụng PrEP theo tình huống (khi có nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ).

Về các chỉ số tiếp cận chương trình dự phòng của nhóm MSM, tỷ lệ được xét nghiệm HIV tăng từ 60,1% năm 2015 lên 77,2% năm 2020; tỷ lệ có thẻ bảo hiểm y tế cũng tăng từ 67,4% năm 2017 lên 79,2% năm 2020; tỷ lệ nhận được bao cao su miễn phí và chất bôi trơn miễn phí trong 6 tháng cũng tăng từ 21% năm 2015 lên 42% năm 2020.

Trong dịch Covid-19, các MSM sử dụng hoặc nghiện ma túy được cấp phát Methadone (điều trị thay thế chất ma túy) nhiều ngày thay vì bệnh nhân tới cơ sở y tế uống hằng ngày. Hình thức tự xét nghiệm HIV trong nhóm MSM được khuyến khích thông qua nhận test qua thư/chuyển phát nhanh trong bối cảnh đại dịch.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới triển khai cung ứng sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua trang thông tin điện tử, hiện đang triển khai tại 4 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hà Nội, Nghệ An và Bình Dương. Bước đầu ghi nhận kết quả khoảng 10% người nhận sinh phẩm có phản hồi kết quả “có phản ứng” và được kết nối với dịch vụ xét nghiệm khẳng định và điều trị ARV.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã thành lập nhóm đáp ứng nhanh trong cung cấp thuốc ARV điều trị người nhiễm; trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành thực hiện tiêm vắc xin Covid-19 cho người nhiễm HIV; người nhiễm HIV không phải khai báo về tình trạng nhiễm HIV của mình trước khi tiêm chủng…

Về công tác điều trị

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, trong năm 2021, các tỉnh tiếp tục rà soát các trường hợp nhiễm HIV chưa tham gia điều trị để tư vấn điều trị.

Toàn quốc có khoảng 1.300 cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm, 201 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại 63 tỉnh. Triển khai tư vấn xét nghiệm cho khoảng 1.700.000 lượt người, trong đó số lượt xét nghiệm có kết quả dương tính với HIV là khoảng 12.000 trường hợp.

Cả nước hiện có 478 cơ sở điều trị HIV (trong đó 270 cơ sở điều trị HIV thanh toán qua Quỹ Bảo hiểm y tế), 38 trại giam, 6 trung tâm và 2 trại tạm giam - đang điều trị cho khoảng 161.000 người. Trong đó có hơn 85.000 bệnh nhân điều trị ARV thanh toán qua nguồn BHYT chiếm khoảng 53% tổng số bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV. Đến ngày 19.8.2021 đã điều trị viêm gan C miễn phí cho 1.623 bệnh nhân là người đồng nhiễm HIV/viêm gan C tại 30 tỉnh (86 cơ sở).

Chương trình Methadone đã được triển khai tại 341 cơ sở điều trị của 63 tỉnh/thành phố, điều trị cho hơn 52.000 bệnh nhân. Đến hết tháng 10, tại 3 tỉnh/thành phố thực hiện đề án thí điểm đã có hơn 1.100 bệnh nhân được cấp thuốc Methadone mang về nhà. Cũng đến hết tháng 10 có hơn 800 bệnh nhân tham gia điều trị Buprenorphine tại 8 tỉnh, thành phố.

Các địa phương đã triển khai đa dạng mô hình thông tin giáo dục truyền thông về HIV/AIDS: Đẩy mạnh truyền thông qua mạng xã hội, truyền thông đại chúng nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hạn chế tiếp cận trực tiếp. Các hình thức tiếp cận cộng đồng, truyền thông cá nhân, nhóm và các hình thức khác vẫn được triển khai đa dạng với các địa phương dịch Covid-19 không bị ảnh hưởng nhiều.

HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Ước có khoảng 230.000 người nhiễm HIV còn sống. Mỗi năm phát hiện mới hơn 12.000 người nhiễm HIV và khoảng 2.000 người nhiễm HIV tử vong hằng năm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao tuy có giảm nhưng riêng trong nhóm MSM (men sex men - tình dục đồng giới nam) tăng mạnh trong những năm gần đây.

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính trong lây nhiễm HIV và tỷ lệ này ngày càng tăng (từ 65,1% vào năm 2019 tăng lên 75,8 vào năm 2020 và hiện tại là 79,1%).

Việt Phương

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/ 

Mã số chuẩn quốc tế (ISSN): e-ISSN 3093-3269

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected] 

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính