Tan vỡ trong hôn nhân là điều không ai muốn. Nhưng khi cuộc sống chung không hạnh phúc, với nhiều người, ly hôn là sự giải thoát, là lựa chọn tốt nhất.
Có nhiều cặp vợ chồng sau khi ly hôn đã có những hành động như: Oán giận nhau mà đánh đập con, luôn chì chiết, chửi bới, không muốn người kia hay gia đình đằng nội/ ngoại quan tâm con, tìm mọi cách bôi nhọ người kia…
Mới đây, cặp đôi Quang Huy và Phạm Quỳnh Anh xác nhận ly hôn sau 1 năm ly thân. Sự việc này gây nhiều bất ngờ xen lẫn hối tiếc cho người hâm mộ. Nhiều người cho rằng, những gì mà Quang Huy và Phạm Quỳnh Anh làm là cách chia tay văn minh.
Với tư cách là người trải qua cái kết không mấy may mắn trong hôn nhân, nhà văn Di Li đã có những trao đổi cởi mở, thẳng thắn về vấn đề này.
"Nếu coi người cũ như bất kỳ một người bạn tốt nào đó thì cuộc sống nhẹ nhàng hơn nhiều"
Khi hôn nhân tan vỡ, hầu như tình yêu của hai người trong cuộc không còn. Khi không còn tình cảm, để đối xử với nhau như bạn bè là điều có dễ không?
- Dễ khó là tùy quan niệm, tính cách của mỗi người và tùy vào việc mối quan hệ đó tan vỡ vì lý do gì. Nếu như một người phụ nữ bị chồng phụ bạc rồi đối xử tàn tệ với mẹ con cô ta, chưa kể còn bạo hành, nát rượu và sau đó bặt vô âm tín không ngó ngàng đến con cái thì khó còn là bạn tốt được nữa.
Tuy nhiên, nếu như đôi bên chỉ là không hợp nhau nữa mà chia tay thì họ hiểu được vấn đề là do cả đôi bên, do kỹ năng hôn nhân, do cuộc sống nên rất có thể vẫn duy trì được mối quan hệ tốt đẹp.
Tôi vẫn hay kể câu chuyện về một anh bạn tôi làm nhà báo, sau khi chia tay vợ cũ nhưng vẫn là một người bạn tốt, tốt đến nỗi có lần anh còn đi đón con cho bạn trai vợ cũ. Nghĩa là cô vợ cũ của anh có bạn trai, anh bạn trai này có một cậu con riêng nhưng đến giờ đón con thì mắc bận nên nhờ cô đi đón hộ.
Tuy nhiên, sát giờ cô kẹt việc đột xuất nên bí quá không nhờ được ai mới nhờ chồng cũ. Anh bạn tôi vui lòng đi đón. Đón xong chẳng biết trả đứa bé về đâu vì ai cũng bận nên anh chở nó đi chơi ăn kem, tận tối mới giao trả được.
Câu chuyện nghe mắc cười ấy là điểm sáng nhân văn mà tôi nghĩ đó là sự văn minh. Tôi không có ý nói ai đó không chịu đi đón con cho bạn trai vợ cũ là không văn minh, mà chỉ ý rằng nếu ta mở lòng, coi người cũ như bất kỳ một người bạn tốt nào đó thì cuộc sống nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Nhiều người, sau ly hôn cảm thấy hụt hẫng, trống rỗng và gần như việc oán trách người cũ, coi người cũ như kẻ thù là chuyện bình thường với họ. Theo chị, điều này xuất phát từ đâu?
- Khi một mối quan hệ gặp mâu thuẫn, người ta có xu hướng nghĩ xấu về nhau mà quên đi những lúc tốt đẹp nhất.
Ví dụ như khi rời bỏ một công ty, nghỉ chơi với một người bạn thì nhiều người cũng có cảm giác khó chịu trong lòng như vậy chứ không riêng gì ly hôn. Chỉ có điều ly hôn thì bực bõ hơn nhiều, vì mối quan hệ càng quan trọng, khi xảy ra chuyện người ta lại càng tức.
Những lúc nghĩ lại chuyện cũ thì toàn hiện lên cái xấu còn cái tốt biến đâu mất sạch. Và người ta coi việc kể tội người cũ cũng là một cách để xả stress.
Có một điều, không ít phụ nữ và đàn ông sau khi ly hôn vẫn liên tục đưa con chung ra để ràng buộc đối phương. Chị nghĩ như thế nào về điều này, nhất là đối với phụ nữ?
- Người ta còn cay cú đến mức đưa tài sản ra để ràng buộc, để chia đôi rành mạch cho bõ tức, nữa là con cái. Đối với họ con cái cũng giống cái ti vi, phải chia đôi mỗi người một chiếc mới hả giận. Hoặc khi đã được quyền nuôi con rồi thì họ o bế, không cho người kia gặp con như một sự trừng phạt.
Tôi chỉ nghĩ những đứa con ấy thực bất hạnh khi có những ông bố bà mẹ như vậy. Người nào coi con cái là phương tiện thì cuối cùng cũng sẽ thấy con cái mình đối xử với mình như thế nào.
"Nếu không thể thay đổi anh ta được thì thế gian vẫn còn hơn 3 tỷ người đàn ông khác"
Vậy thì, điều đầu tiên và cách tốt nhất giúp một người phụ nữ sau đổ vỡ lấy lại niềm tin để bước tiếp là gì?
- Tôi nghĩ rằng một người phụ nữ nên làm phong phú thế giới của mình. Cuộc đời này còn nhiều điều khiến ta hạnh phúc chứ không chỉ có mỗi đàn ông mới làm ta hạnh phúc. Chưa kể muốn đàn ông làm ta hạnh phúc thì ta cũng phải chủ động tạo dựng điều đó.
Nếu không thể thay đổi anh ta được thì thế gian vẫn còn hơn 3 tỷ người đàn ông khác. Hơn nữa người phụ nữ còn có nhiều niềm vui như con cái, cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, công việc và nhiều sở thích nữ tính khác.
Một người phụ nữ mà chẳng còn thú vui nào khác ngoài chồng, tôi nghĩ cô ta cũng tẻ nhạt lắm thay. Và nếu đã tẻ nhạt đến như thế thì người sống chung với cô ấy làm sao mà chịu đựng nổi.
Ly hôn chưa bao giờ là chuyện dễ dàng đối mặt, đặc biệt là với phụ nữ. Hiếm có có cuộc ly hôn nào được đón nhận một cách thực sự thoải mái, ngay cả khi đó là con đường duy nhất giải thoát cho cả hai…
Nếu nhìn nhận một cách tích cực, đổ vỡ trong hôn nhân cũng mang đến cho phụ nữ những cái được. Theo chị, phụ nữ thường nhận được điều gì và thường có xu hướng tìm kiếm điều gì?
- Nếu như một cuộc hôn nhân đã nhuốm màu bi kịch thì ly hôn cũng là tích cực chứ. Nó giúp cho mỗi người đi tìm được một nửa mới của mình và thay vì có hai người khổ sở thì giờ có bốn người hạnh phúc. Chẳng tốt hơn hay sao.
Rất nhiều người kết hôn lần hai vô cùng hạnh phúc. Tôi gặp nhiều trường hợp như thế rồi. Nhiều phụ nữ, hoặc cả đàn ông không chịu ly hôn, ngoài lý do kinh tế chưa vững vàng thì rất nhiều người vì thói quen đã luôn phải có thêm một người trong nhà mà sợ hãi không dám “bước ra ngoài”, sợ nhỡ đâu không ai người ta lấy mình nữa.
Tôi từng nói với một cô bạn đang lâm vào tình trạng bi kịch trong hôn nhân rằng: “Cậu phải chấm dứt mối quan hệ này thì mới có người đến với cậu được chứ. Giờ cậu chẳng đi đâu giao tiếp với ai, mà có giao tiếp, người ta cũng thấy cậu đang bị ràng buộc thì ai dám đến với cậu.” Giờ thì cô ấy đã hạnh phúc rồi.
Nhiều người cho rằng, người phụ nữ khó có hạnh phúc. Chị suy nghĩ như thế nào về định kiến này?
- Hạnh phúc là thứ quý giá nhất cuộc đời này, đã quý thế thì nó cũng “đắt đỏ”, khó kiếm và khó giữ như thế. Chúng ta phải có kỹ năng để học cách tạo dựng và giữ gìn hạnh phúc.
Đôi khi kỹ năng này phải trả giá bằng vô số bài học đau thương. Nếu chúng ta chưa có hạnh phúc thì chẳng qua là chưa có kỹ năng và kinh nghiệm mà thôi.
Hạnh phúc không tự nhiên đến, mà nếu có một ngày tình cờ và may mắn nó tự nhiên xuất hiện thì cũng không có nghĩa nó cứ chễm chệ ở đó mãi, mà lúc nào hứng lên nó sẽ bỏ đi bất tử.
Hạnh phúc của một người phụ nữ, không chỉ đơn giản là có một ông chồng tử tế, mà còn bao gồm cả sức khỏe, sự tự tin, năng lượng dồi dào, tri thức, kinh nghiệm sống, đời sống tinh thần phong phú.
Nếu không có những điều ấy, một ông chồng tử tế đến mấy và lãng mạn như trong phim cũng chẳng giúp gì được, chưa kể anh ta cứ tiến bộ dần lên mà càng ngày vợ lại càng ấu trĩ, úi xùi dần đi thì tội cho anh ta phải chịu đựng nếu anh ta vẫn muốn làm người chồng tử tế.
Nên nếu ta sở hữu những giá trị của hạnh phúc, thì hạnh phúc sẽ tự tìm đến ta chứ không cần ta phải đi tìm nó.
Xin cảm ơn nhà văn Di Li!
Tú Anh - Ảnh: Phạm Văn ĐứcBạn đang xem bài viết Một phụ nữ chẳng còn thú vui nào khác ngoài chồng thì... chồng sao chịu đựng nổi tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].