Sáng 12/6, thông tin với PV Gia Đình Mới, ông Thái Văn Tính - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Kiên Giang xác nhận trên địa bàn tỉnh vừa có một trường hợp bệnh nhân được Quỹ Bảo hiểm Y tế hỗ trợ tới 11 tỷ đồng tiền chữa bệnh.
Bệnh nhân là thầy giáo trẻ Danh Văn (SN 1990, xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang), là giáo viên trường Tiểu học và THCS Tiên Hải (xã đảo Tiên Hải, huyện Tiên Hải, TP Hà Tiên).
Tháng 11/2019 thầy Danh Văn bị ngã gãy chân khi đi từ trường học về nhà. Thầy Văn được chuyển vào Bệnh viện đa khoa Kiên Giang chữa trị. Tại đây, các bác sĩ phát hiện thầy Văn mắc căn bệnh máu khó đông. Từ cơ sở Kiên Giang, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để điều trị.
Tại BV Chợ Rẫy, qua các xét nghiệm cho thấy, thầy Văn mắc chứng rối loạn đông máu do thiếu yếu tố VIII (Hemophilia). Với căn bệnh này, sau khi bệnh nhân phẫu thuật sẽ phải dùng nhiều loại thuốc đặc trị, đắt tiền để không bị xuất huyết. Thầy Văn điều trị đến tháng 1/2020 thì được xuất viện về nhà.
Từ giữa tháng 11/2019 đến giữa tháng 1/2020, tổng chi phí điều trị cho thầy Danh Văn lên đến 9,4 tỷ đồng.
Trong tháng 5/2020, thầy Văn đi tái khám, điều trị với tổng chi phí lên tới hơn 2 tỷ đồng. Tổng cộng 2 đợt điều trị của thầy Văn hết hơn 11 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này do BHYT chi trả.
Giải thích về điều này, ông Thái Văn Tính cho biết: “Do thầy Danh Văn đã có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và đã có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở nên được BHYT chi trả toàn bộ số tiền điều trị".
Ông Tính cũng cho biết: Trường hợp của thầy giáo Danh Văn là trường hợp đầu tiên của tỉnh Kiên Giang được BHYT chi trả số tiền lớn như vậy. Từ trường hợp của thầy giáo Văn cho thấy ý nghĩa của việc tham gia BHYT.
Thông tin về số chi phí "khủng" của bệnh nhân Danh Văn, BS.Hoàng Thị Thúy Hà - Phó Trưởng khoa Huyết học (BV Chợ Rẫy) cho biết: Đây là ca Hemophilia thể nặng, lại kháng yếu tố 8, nên phải sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc đặc trị cũng như nhiều liệu pháp song song.
Bệnh nhân Hemophilia do thiếu yếu tố 8, khi buộc phẫu thuật phải bù đắp yếu tố 8 để máu đông. Trong khi đó, cơ thể bệnh nhân Văn đã đề kháng yếu tố 8 (có thể do truyền nhiều và liên tục từ năm 12 tuổi đến nay), nên trong quá trình điều trị dù truyền rất nhiều yếu tố 8, song máu vẫn không đông. Điều này khiến mỗi ngày bệnh nhân Văn mất gần 2 lít máu. “Nếu không hóa giải, bệnh nhân này sẽ tử vong, không phải do chấn thương, mà do mất máu quá nhiều”- BS.Hà giải thích.
Chính vì vậy, ngoài việc bù đắp máu với số lượng “khủng” mỗi ngày, các bác sĩ còn sử dụng liệu pháp hạ giảm miễn dịch để kiềm chế chất kháng yếu tố 8 trong cơ thể bệnh nhân. Bên cạnh đó, các chuyên gia huyết học còn dùng liệu pháp “kháng đông bắc cầu” cùng một phương thức khác tiên tiến hơn, với các loại thuốc đặc trị đắt tiền, để giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng mất máu và dần lành vết thương.
V.LinhBạn đang xem bài viết Một bệnh nhân được Bảo hiểm y tế chi trả tới 11 tỷ đồng để chữa bệnh nặng tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].