Mỗi năm Việt Nam có tới 1,6 triệu ca nạo phá thai

Mỗi năm Việt Nam có tới 2,1 triệu người mang thai ngoài ý muốn, trong đó có 1,6 triệu ca nạo phá thai. Việc mang thai ngoài ý muốn có tác động rất lớn về kinh tế xã hội với 600 triệu đô la/năm phải chi.

Sáng 30/8 tại Hà Nội, Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế tổ chức buổi tọa đàm "Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình với sự phát triển kinh tế xã hội bền vững" nhằm chia sẻ nghiên cứu của chuyên gia về tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và các tác động của tình trạng này tới kinh tế - xã hội. Tọa đàm có sự tham gia của Vụ Quy mô dân số (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình), Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế; Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài Chính và các chuyên gia trong lĩnh vực dân số.

Mỗi năm Việt Nam có tới 1,6 triệu ca nạo phá thai

Báo cáo tại buổi tọa đàm, bác sỹ Mai Trung Sơn - Phó Vụ trưởng, Chuyên viên cao cấp Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) thông tin, Chiến lược dân số là một trong những vấn đề hàng đầu tác động trực tiếp đến nền kinh tế - xã hội.

Công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như khống chế tốc độ gia tăng dân số, tỷ lệ sinh đã giảm từ 6,39 con (năm 1961) xuống 2,11 con (từ năm 2016 đến nay), mức sinh thay thế đạt từ năm 2006 và duy trì cho đến nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác dân số cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; nhu cầu chưa được đáp ứng có xu hướng tăng; mất cân bằng giới tính khi sinh; già hóa dân số...

Đặc biệt, về tỷ lệ nạo phá thai, ông Sơn cho biết Việt Nam là nước có tỷ lệ phát thai ở mức cao.

Bác sĩ Mai Trung Sơn - Phó Vụ trưởng, Chuyên viên cao cấp Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) khẳng định tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn của Việt Nam khá cao.

Bác sĩ Mai Trung Sơn - Phó Vụ trưởng, Chuyên viên cao cấp Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) khẳng định tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn của Việt Nam khá cao.

Chia sẻ thêm về tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai ở Việt Nam, Ông Moises Uribe, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Silverback Earth, chuyên gia về phát triển bền vững và quản lý chiến lược cho biết: Theo thống kê của Viện Guttmacher năm 2022, Việt Nam có 3,7 triệu phụ nữ mang thai hàng năm; 2,1 triệu người mang thai ngoài ý muốn, trong đó có 1,6 triệu ca nạo phá thai. Tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai của Việt Nam đang ở mức 86% là cao hơn nhiều so với các nước láng giềng như Indonesia (40%), Philippines (71%), Thái Lan (38%).

Ông Moises Uribe cũng chỉ ra một nguyên nhân quan trọng dẫn đến mang thai ngoài ý muốn là do nhu cầu về phòng tránh thai chưa được đáp ứng. Nhiều người đang sử dụng những biện pháp phòng tránh thai mang tính truyền thống và thiếu sự tin cậy.

Cũng theo ông Moises Uribe, tác động kinh tế xã hội do mang thai ngoài ý muốn là rất lớn. Việt Nam phải chi tiêu khoảng 600 triệu đô la/năm cho vấn đề này, bao gồm chi phí liên quan đến thuốc tránh thai, các ca phá thai, chăm sóc trực tiếp, nghỉ sinh... (một ca phá thai bằng thuốc hết 4,3 USD; một ca nạo hút thai hết 5,3 USD...)

Đầu tư thêm 1 USD cho giải pháp tránh thai sẽ tiết kiệm được 3,11 USD chi phí 

Từ tác động của mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai tới kinh tế xã hội, các đại biểu cho rằng, để giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai cần đầu tư vào các chương trình giáo dục giới tính quy mô lớn, tuyên truyền biện pháp tránh thai đúng đắn, an toàn và hiệu quả cho trẻ vị thành niên từ sớm; tăng cường đầu tư các dịch vụ y tế về sinh sản và tình dục, đặc biệt dành cho người dân có thu nhập thấp, tạo ra bình đẳng y tế; phát triển chương trình nghề nghiệp liên kết với các sáng kiến xã hội.

Theo tính toán của chuyên gia Moises Uribe, nếu đầu tư thêm 1 USD cho giải pháp tránh thai so với mức hiện tại sẽ tiết kiệm được 3,11 USD chi phí chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh và phá thai.

Ông Moises Uribe cũng cho hay, nếu nhu cầu tránh thai được đáp ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể giảm các trường hợp mang thai ngoài ý muốn xuống khoảng 68%, tức là từ 2,1 triệu ca mang thai ngoài ý muốn giảm xuống còn khoảng 700.000 trường hợp. Nhờ vậy thì tỷ lệ phá thai cũng sẽ giảm xuống nhiều so với tỷ lệ hiện tại.

Với mỗi 1% số ca sinh ngoài ý muốn được giảm xuống, Việt Nam có thể giải phóng tới 6 triệu USD chi phí trực tiếp, qua đó cũng giảm được tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và giảm suy dinh dưỡng mạn, tăng cường sức khỏe cho thế hệ tương lai.

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính