CÂU CHUYỆN LY KỲ
Trong buổi pháp thoại ngày 21/3 tại chùa Ba Vàng, cũng như trên một số trang báo, chị N.T.Q.P là nữ giám đốc một công ty tại Hà Nội, đã kể câu chuyện về chính bản thân chị bị mắc kẹt bởi những biến chứng rất nặng từ 3 cuộc mổ, do một chuyên gia nổi tiếng người Pháp thực hiện.
Đến lần mổ thứ 4, GS Trịnh Hồng Sơn ở BV Việt Đức trực tiếp phẫu thuật, nhưng tình trạng của chị P. quá nặng, với các biến chứng nhiễm trùng trong ổ bụng, chảy máu, hoại tử nhu mô tụy và nhu mô lách; GS Sơn dù là một tài năng y khoa rất đặc biệt, nhưng trong hoàn cảnh đó không một ai dám tin giáo sư có thể cứu sống chị P..
Đau đớn, sợ hãi và tuyệt vọng, đã có lúc chị P. cam chịu buông xuôi số phận, đề nghị bác sĩ rút ống thở để cắt nguồn Ôxy, đó là một hình thức tự sát.
Nhưng trong một lần bất tỉnh kéo dài 45 phút, chị P. đã mơ thấy mình đang đi xuống một con đường đỏ rực hoa bỉ ngạn, điều mà chị đọc được trong các tài liệu rằng người sắp chết sẽ mơ thấy đi xuống những con đường như thế.
Quá hoảng sợ, nhưng đến gần cuối con đường, chị P. lại nghe được tiếng nói “cho đi lên”, câu nói trong giấc mơ đã tiếp thêm sức mạnh để chị P. vượt qua bệnh tật.
Nghe lời người bạn, chị P. nói với em gái tìm đến chùa Ba Vàng, xin thầy Bảo Lực cho làm lễ thỉnh oan gia trái chủ.
Ở chùa Ba Vàng, vong đã nhập vào em gái chị P.; người nhà kể lại cô em gái bị ngã quỵ xuống đất, giãy giụa, nhưng cấm khẩu nên sư thầy phải làm lễ thoát vong 3 lần, vong mới chịu ra.
Đến lần vong nhập thứ 2, thì vong hiện về nói vanh vách tình trạng bệnh tật của chị P., rồi nói về những quả báo kiếp trước nên chị P. bị vong ám, gia đình chỉ việc làm theo hướng dẫn của vong thì chị P. sẽ được sống sót sau chuỗi ngày vô vọng.
Câu chuyện của chị P. rất giống với một bộ phim kinh dị khoa học viễn tưởng.
Nhưng nếu soi chiếu nó dưới góc nhìn y khoa, thì những người bị vong ám như chị P., hay những người bị vong nhập giống như em gái chị P., đó là một trạng thái bản thể xuất hiện trong khoảnh khắc tuyệt vọng, nó khá phổ biến trong cuộc sống; tâm lý học gọi đó là “sự hiện diện nhạy cảm” và “giác quan dự báo”.
SỰ HIỆN DIỆN NHẠY CẢM
"Sự hiện diện nhạy cảm" là một dạng thức tâm lý, xảy ra ở một người bị cô lập trong một môi trường quá khắc nghiệt, quá bất thường, hay khi cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng quá mức.
Trong điều kiện đó, mỗi cá nhân cảm thấy mơ hồ, thậm chí nhìn thấy rõ ràng có một ai đó xuất hiện, như oan hồn, vong linh của người thân và tổ tiên, hoặc các vị thần; sự xuất hiện là để giúp họ thoát khỏi sự nguy hiểm.
Có thể giải thích "sự hiện diện nhạy cảm" thông qua sự kích thích từ môi trường xung quanh, từ thể chất bên trong, hay việc tác động tâm lý; sự kích thích thông qua vỏ não tác động đến trung tâm điều khiển cảm giác sợ hãi là hạch nền, từ đó điều khiển cơ thể tự động tiết ra các nội tiết tố gây căng thẳng sợ hãi.
Các nội tiết tố đó là norepinephrine, acetylcholine, dopamine, serotonin, adrenalin và cortisol.
Trong những tình huống nguy hiểm, các nội tiết tố sợ hãi sẽ cảnh báo não bộ nhận thức về điều gì đó đang và sẽ xảy ra, đồng thời kích hoạt vùng chú ý của vỏ não để tìm kiếm nhận thức từ môi trường xung quanh, tìm kiếm trong kí ức, tìm kiếm từ những kinh nghiệm bản thể, nhằm giải thích sự việc theo cách gọi là tự kỉ tôn giáo.
Một nghiên vừa mới công bố năm 2014, do Olaf Blanke và cộng sự thực hiện, bằng cách kích thích vào các vị trí cụ thể trên vỏ não của những người leo núi, kết quả thu được là hiện tượng ma quái xuất hiện.
Nhà leo núi Reinhold Messner là người tình nguyện tham gia vào nhóm nghiên cứu của Blanke, anh đã kể lại những lúc kiệt sức và đói lả, luôn thấy có một linh hồn đi theo anh, giữ đúng khoảng cách, rồi đưa cho anh đồ ăn.
Trường hợp của chị P. có lẽ cũng tương tự.
Nhiều năm trước, chị P. đã phải trải qua cuộc mổ và bị dính ruột, sau đó liên tục bị đau bụng, mỗi lần đau phải vào viện đặt ống thông dạ dày. Chị đã gửi cả bệnh án sang Singapore nhưng bác sĩ bó tay.
Cách đây khoảng 6 năm, chị nằm mơ thấy kiếp trước mình làm vợ lẽ và giết một đứa trẻ, từ đó chị bị ám ảnh và thỉnh thoảng lại mơ thấy người mẹ dắt đứa con nhỏ đến hỏi sao chị P. lại giết đứa bé.
Trong 2 tháng nằm viện trải qua 4 cuộc mổ, chị P. đã nghĩ về đứa bé trong những giấc mơ nhiều hơn, rồi đến giấc mơ diễn ra trong lúc tuyệt vọng nhất, chị thấy mình đi xuống con đường đầy hoa bỉ ngạn, chị tưởng mình đang đi đến cõi chết; sau đó là câu chuyện làm lễ thỉnh oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng, em gái chị P. đã bị vong nhập.
Những hiện tượng giống như thế, đã được nhà tâm lý học Peter Suedfeld giải thích, rằng trong cuộc sống hàng ngày, khi người ta tập trung vào giải quyết những kích thích từ môi trường xung quanh nên "sự hiện diện nhạy cảm" không xuất hiện, nhưng khi điều kiện sống thay đổi quá khắc nghiệt, những kích thích từ môi trường bên ngoài không được chú ý giải quyết hoặc không thể giải quyết, trong khi phải cố gắng tập trung lo lắng cho cơ thể bên trong, đó là lí do tạo nên "sự hiện diện nhạy cảm".
Như vậy, giấc mơ của chị P. hay hiện tượng vong nhập của em gái chị P., dưới góc nhìn tâm lý học, sẽ không có gì bí ẩn, đó chỉ là sự hiện diện nhạy cảm, do chị P. rơi vào trạng thái bệnh tật không có lối thoát, do em gái chị P. quá sợ hãi lo lắng cho chị ruột của mình.
GIÁC QUAN DỰ BÁO
Tâm lý học cho rằng, giác quan dự báo là kết quả của sự tiến hóa trong tâm lý con người, nó xuất hiện từ cổ xưa giúp mỗi cá nhân bảo vệ sự xâm hại từ kẻ săn mồi và kẻ thù.
Giác quan dự báo là hiện tượng chúng ta vẫn gọi với cái tên giác quan thứ 6.
Hiểu theo cách đơn giản, khi một người đi trên con đường tối, bỗng nghe thấy âm thanh di chuyển trong một con hẻm, thì phản xạ đơn giản nhất là giật mình. Ở mức cao hơn, não bộ và cơ thể sẽ tập trung sự chú ý cao độ, xuất hiện những phán đoán như kẻ cướp đang rình rập, thực tế có thể đúng là kẻ cướp, nhưng có khi chỉ là một con mèo.
Giấc mơ của chị Phương hay hiện tượng vong nhập của em gái chị Phương, dưới góc nhìn tâm lý học, sẽ không có gì bí ẩn, đó chỉ là sự hiện diện nhạy cảm, do chị Phương rơi vào trạng thái bệnh tật không có lối thoát, do em gái chị Phương quá sợ hãi lo lắng cho chị ruột của mình.
Sự tập trung chú ý và phán đoán, chính là cơ sở để hình thành những linh cảm, giúp cho việc kích hoạt phản ứng báo động, đề phòng mối đe dọa để không bị trả giá cho mối đe dọa có thể gây hại thực sự.
Giác quan dự báo chịu sự tác động của nhiều yếu tố bên ngoài môi trường, nên những cá nhân có cùng điều kiện sẽ xuất hiện sự đồng cảm; điều đó giải thích hiện tượng tại sao vong nhập vào em gái chị P., vong đã nói vanh vách bệnh tình của chị gái, nói về câu chuyện kiếp trước chị P. làm vợ lẽ và giết hại một đứa trẻ.
SỰ HIỆN DIỆN NHẠY CẢM TRONG TÔN GIÁO
Trong tôn giáo, sự hiện diện nhạy cảm có thể xảy ra sau một thời gian thiền định, đặc biệt với những người tuân thủ quy tắc thiền khắc nghiệt, nhịn ăn, kèm theo suy tư nội tâm kéo dài, gây ra những kích thích vật lí bất thường và dữ dội như cơ thể mệt mỏi, đau đớn.
"Sự hiện diện nhạy cảm" là vấn đề của hầu hết các tôn giáo.
Những bậc tôn giáo thời kì đầu như Moses, Jesus, Mohammed và đức Phật, trong những câu chuyện truyền lại, đều có kể về việc gặp những con vật siêu nhiên đi lang thang trong sa mạc, với rất nhiều những câu chuyện li kì.
Câu chuyện thỉnh vong cúng lễ oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng cũng thế.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh chủ trương các nhà sư, hay các phật tử theo nhà chùa tu tập, bắt buộc phải thực hành chế độ tu khắc nghiệt, như ngày chỉ ăn một bữa và thức ăn trộn lẫn rất khó ăn, nửa tháng tắm một lần, tối vào rừng tụng kinh niệm phật cả đêm, ngủ lăn ra đất rừng chứ không có màn chiếu.
Rất nhiều nhà sư về chùa Ba Vàng nhưng không trụ lại được.
Các phật tử đến xin thỉnh vong cúng giải oan gia trái chủ cũng phải trải qua những điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Không phải ai đến xin cũng được nhận ngay. Ngày làm lễ cúng oan gia trái chủ, vài trăm khách thập phương phải đến từ rất sớm để chờ đợi, rồi xếp hàng dài đợi lấy số, nghe hướng dẫn.
Những người may mắn lấy được số hẹn, nhà chùa phát tài liệu hướng dẫn về đọc, những ngày chờ đợi sẽ phải đọc đi đọc lại tài liệu, 1 ngày tụng kinh và 6 ngày nghe pháp, mỗi ngày chỉ ăn 1 bát cơm 1 cốc nước chè và 1 cốc sữa tươi.
Đến ngày hẹn, để được gặp vong, người thỉnh phải ngồi im trong phòng kín, xem đi xem lại cả chục lần video truyền bá về vong ma, hồn quỷ, về những nghiệp báo của hàng chục hay hàng trăm kiếp trước.
Rõ ràng, trong những điều kiện khắc nghiệt như vậy, thì ngay cả những nhà sư cho đến phật tử đến chùa Ba Vàng, sẽ rất dễ gặp phải sự hiện diện nhạy cảm, nghĩa là các phật tử hoàn toàn có thể gặp vong trong lễ cúng oan gia trái chủ.
BỆNH TẬT VÀ TÔN GIÁO
Y học yên đại hướng đến chăm sóc sức khỏe toàn diện, bao gồm chăm sóc thể xác, chăm sóc tinh thần, chăm sóc về tâm linh; cả 3 đều có vai trò hết sức quan trọng.
Ở các nước phương Tây, trong bệnh viện luôn có phòng cầu nguyện cho các tôn giáo, có bàn thờ Phật, có cả các bậc chân tu hành đạo giúp bệnh nhân.
Các bệnh viện Thái Lan, mỗi buổi sáng bác sĩ đến bên giường bệnh, trước khi khám cho người theo đạo Phật, bác sĩ luôn chắp tay cúi đầu để cầu mong người bệnh tai qua nạn khỏi.
Câu chuyện thỉnh oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng đã giúp cho chúng ta tỉnh ngộ ra nhiều điều, nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta khi chúng ta hiểu được rằng, pháp là một đại dương mà khi chúng ta nhập vào bằng đức tin; nhưng chỉ có đức tin thôi sẽ rất nguy hiểm, bởi những hiện tượng chưa được giải thích đúng cách sẽ giống những con sóng dữ có thể dìm chết chúng ta.
Để không bị dìm chết, chúng ta cần phải có sức mạnh của trí tuệ, thì mới giúp chúng ta vượt qua những con sóng mê tín dị đoan.
Bất cứ ai nếu không có sức mạnh của trí tuệ sẽ bị mắc kẹt giữa mê tín và tôn giáo.
Bản thân chị P., việc chị theo thầy Trí Minh, thường xuyên niệm phật, sám hối hàng ngày, suy nghĩ lạc quan, sống tích cực, không thù ghét hay oán giận ai; điều đó thực sự hỗ trợ rất tốt cho sức khỏe của chị, mà cụ thể là chị đã chiến thắng được 4 cuộc mổ với những biến chứng rất nguy hiểm.
Nhưng nếu không có GS Trịnh Hồng Sơn và các y bác sĩ chữa cho chị căn bệnh thể xác, thì dù chị có tụng kinh niệm phật đến thế nào, có mất bao nhiêu tiền để giải hạn oan gia trái chủ, thì chị cũng không thể thoát khỏi bệnh tật.
Bác sĩ Trần Văn Phúc
Bạn đang xem bài viết Mổ xẻ 'thỉnh vong' ở chùa Ba Vàng dưới góc độ y khoa tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].