Phụ nữ sau sinh nên kiêng nước đá
Nhiều mẹ có thói quen uống nước đá để giải khát, tuy nhiên nước đá có những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe bà mẹ sau sinh.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu vì cơ thể mẹ còn yếu, nước đá sẽ khiến mẹ dễ bị lạnh đường huyết, lâu lành vết mổ, ảnh hưởng đến vấn đề tiết sữa và hệ tiêu hóa của mẹ.
Ngoài ra, khả năng đề kháng của cơ thể mẹ sau sinh chưa tốt, vì vậy uống nước lạnh dễ gây viêm họng, đau họng, ho.
Sau khi sinh do thay đổi nội tiết nên men răng của người mẹ cũng kém hơn, việc kiêng uống nước lạnh cũng nhằm tránh bị ê buốt, làm tổn thương men răng.
Vì vậy mẹ sau sinh nên hạn chế uống nước đá trong 3 tháng đầu, đặc biệt là trong tháng đầu tiên mới sinh.
Theo quan niệm của ông bà ta thì sau sinh người phụ nữ nên giữ ấm vì đây là lúc thận khí suy nhược, cơ thể dễ nhiễm bệnh. Quan niệm truyền thống còn lưu ý bà đẻ nên kiêng tắm nước lạnh, phải tắm nước ấm, tắm ở nơi kín gió. Đây là những quan điểm kiêng cữ sau sinh hoàn toàn tương đồng với y học hiện đại.
Các loại đồ uống thanh nhiệt, lợi sữa cho bà đẻ
Mặc dù không nên uống nước đá nhưng bà đẻ vẫn có những loại trà, đồ uống tốt giúp giải nhiệt, gọi sữa về dồi dào.
Do cơ thể các bà mẹ, đặc biệt mẹ cho con bú hay bị "nhiệt" (dân gian gọi là nực sữa) nên các loại thức uống giúp giải nhiệt là rất cần thiết. Sau đây là những đồ uống vừa thanh nhiệt, giải độc vừa lợi sữa cho bà đẻ:
- Bà đẻ nên uống chè vằng để nhanh lành vết thương:
Nghiên cứu dược lý cho thấy rằng chè vằng có tác dụng kháng khuẩn, nhanh lành vết thương, làm tăng nhanh tái tạo tổ chức, có tác dụng đối với bệnh nhân thiếu máu, vàng da. Đối với các sản phụ thì chè vằng còn được biết đến như một dược liệu giúp lợi sữa, phục hồi sau sinh, cho làn da hồng hào hơn.
Các mẹ dùng 1-2 năm chè vằng khô, rửa sạch cho vào nồi đun sôi. Có thể uống thay nước hằng ngày, đối với chị em mới sinh nên uống khi nước còn đang nóng thì tốt hơn, nên các mẹ mẹ có thể nấu xong rồi cho vào bình thủy để dùng dần
- Đồ uống từ 5 loại đậu giúp sữa về "ướt áo":
Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều các loại hỗn hợp 5 loại bột đậu (đậu xanh, đậu nành, đậu đỏ, đậu đen, đậu trắng) để pha nước uống.
Nếu muốn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm các mẹ có thể tự rang sơ và xay nhỏ các loại đậu rồi cho vào lọ kín để sử dụng dần. Mỗi tối lấy 1 -2 nắm tay đậu đã rang cho vào bình giữ nhiệt (bình thủy), cho khoảng 1,5 lít nước sôi vào. Sáng hôm sau là có thể uống, dùng hết bình cho cả ngày, tối lại ủ bình khác.
- Nước lá rau ngót:
Nếu rau ngót bị cấm trong thai kỳ 3 tháng đầu và những tháng gần cuối, sau sinh cho con bú lại khuyến khích mẹ nên dùng loại rau này. Rau ngót có chứa nhiều dưỡng chất tốt như protein, canxi, phốt pho, sắt, vitamin A, B và C vì thế nước rau ngót rất tốt cho các bà mẹ sau sinh.
Nước rau ngót là một trong những nước uống quen thuộc giúp bà mẹ tăng lượng sữa, điều này bắt nguồn từ những tác động nội tiết của các hợp chất hóa học sterols có tính chất estrogen trong rau ngót.
Các mẹ có thể uống nước lá rau ngót hằng ngày hoặc ăn canh rau ngót điều này giúp mẹ cải thiện được lượng sữa đáng kể.
- Nước lá đinh lăng:
Lá đinh lăng cũng là loại nước giúp lợi sữa. Hàng ngày mua lá đinh lăng, rửa sạch rồi cho vào nước (đổ nước ngập lá) đun sôi sau đó chắt lấy nước và uống khi nước còn ấm. Nếu chưa uống ngay mà nước bị nguội thì khi uống phải hâm nóng, không nên uống lạnh.
- Nước lá thì là - giúp mẹ nhiều sữa, sữa thơm ngon:
Lá thì là rất thơm ngon và dễ uống, là thành phần của nhiều loại trà lợi sữa trên thị trường. Bà đẻ chỉ cần uống đều đặn nước lá thì là đun sôi, ủ nóng trong những tháng đầu sau sinh sẽ thấy cải thiện lượng sữa về, sữa cũng có mùi thơm ngon rất hấp dẫn với em bé.
Trong khi bà đẻ cần kiêng cữ không uống nước đá lạnh, có rất nhiều đồ uống, trà thảo dược tốt cho phụ nữ sau sinh. Bà đẻ có thể tìm hiểu thêm về dinh dưỡng sau khi sinh con tại đây.
Phương AnhBạn đang xem bài viết Mẹ sau sinh bao lâu thì được uống nước đá? tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].