Mây dạng thấu kính xuất hiện ở núi Bà Đen là gì?

Sáng 24/11, MXH lan truyền hình ảnh một đám mây thấu kính xuất hiện trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh). Vậy mây dạng thấu kính là gì? Hình thành như thế nào?

Thú vị với hiện tượng đám mây dạng thấu kính xuất hiện ở núi Bà Đen (Tây Ninh). Ảnh: Đỗ Vinh Quan

Thú vị với hiện tượng đám mây dạng thấu kính xuất hiện ở núi Bà Đen (Tây Ninh). Ảnh: Đỗ Vinh Quan

Đám mây dạng "đĩa bay" xuất hiện ở núi Bà Đen - Tây Ninh

Ngày 24/11, nhiều clip, hình ảnh lan truyền ghi lại khoảnh khắc đặc biệt về hiện tượng trên đỉnh núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) thu hút sự chú ý của nhiều người.

Hình ảnh những đám mây lớn tạo thành quầng bao quanh đỉnh núi nổi bật giữa nền trời xanh đã tạo ra khung cảnh thiên nhiên kỳ thú.

Theo ghi nhận của người dân địa phương, hiện tượng này đã xuất hiện từ khoảng 17h00 hôm trước, nhưng không rõ nét và có hình thù đặc biệt. Nhưng vào hôm nay, hình ảnh rõ nét và đẹp mắt thế này được nhiều người ghi lại và chia sẻ.

Cũng theo người dân địa phương, hiện tượng này đã tường xuất hiện nhiều lần trước đây và thường thấy vào dịp cuối năm và những tháng mưa.

Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), hiện tượng trên thực chất là mây dạng thấu kính (Lenticular clouds). Đây là những đám mây đứng yên, có hình dạng tương tự thấu kính và hình thành ở những dãy núi cao.

Mây dạng thấy kính là gì?

Mây dạng thấu kính (Lenticular cloud) là những đám mây hình thành cố định trong tầng đối lưu, đặc trưng là luôn luôn đứng im cho dù sức gió có mạnh tới đâu.

Điều này xảy ra chính nhờ quá trình ngưng tụ hơi nước liên tục trong bầu khí quyển. Chúng được tạo ra từ rìa của những tầng sóng không khí hoặc giữa các lớp gió với nhau.

Có ba loại đám mây dạng thấu kính chính: dạng thấu kính đứng altocumulus (ACSL), dạng thấu kính đứng stratocumulus (SCSL), dạng thấu kính đứng cirrocumulus (CCSL), thay đổi theo độ cao ở trên mặt đất.

Nơi mây dạng thấu kính hình thành là ở đâu?

Theo các chuyên gia về thiên văn, mây dạng thấu kính là một hiện tượng thiên nhiên rất hiếm gặp. Nó thường xuất hiện dọc theo các dãy núi cao và chỗ khuất gió bên sườn núi, nhất là khi có một dòng không khí khô và ẩm ổn định bay ngang qua ngọn núi hay đồi.

Khi lớp không khí ẩm bị đẩy lên cao và đạt đến một điểm bão hòa, nó cô đọng lại thành những đám mây.

Điểm đặc biệt của các đám mây thấu kính là luôn bất động, hiếm có cơn gió nào lay chuyển được.

Hình dạng đặc trưng của những đám mây thấu kính giống với các đĩa bay nên nhiều khi chúng bị hiểu nhầm là các UFO (vật thể bay không xác định).

Mây thấu kính rất khó được nhìn thấy ở những nơi có địa hình thấp hoặc vùng đồng bằng. Tại Việt Nam cũng ít ghi nhận các đám mây hình thấu kính.

Vì thế, hiện tượng mây thấu kính trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh) sáng nay được đánh giá là kỳ thú và rất hiếm gặp.

Tĩnh Tâm

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính