Vào dịp Tết, miền Trung không lạnh như miền Bắc, cũng không nóng như miền Nam. Do đó, mâm cỗ ngày Tết của miền Trung rất đặc trưng với những đặc sản của vùng và phù hợp với điều kiện khí hậu của nơi đây.
Mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung có những món ăn sau:
Bánh Tét không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của các gia đình miền Trung
Có nhiều nét khá tương đồng với bánh chưng nhưng bánh tét là lại có dạng hình trụ giống giò và được gói bằng lá chuối thay vì lá dong. Muốn thưởng thức, bạn có thể dùng dây lạt để cắt thành khoanh tròn, có thể ăn ngay hoặc đem rán lên, rồi ăn kèm với dưa món. Đây chính là loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ Tết miền Trung.
Gà luộc lá chanh
Thịt gà dai mềm, được hấp cùng lá chanh để tăng hương thơm và độ ngọt thịt luôn là một món ăn không thể thiếu ở ngày Tết miền Trung.
Người miền Trung thường ăn kèm món này với muối tiêu chanh hoặc muối ớt vừa ngon vừa đậm đà.
Thịt heo ngâm mắm
Thịt heo ba rọi sau khi sơ chế xong sẽ đem ngâm vào nước mắm đường đã được pha nấu theo tỷ lệ nhất định. Khi thưởng thức, bạn hãy cắt lát và ăn kèm với dưa món là ngon hết sảy luôn.
Đặc biệt, món này còn có thể “dự trữ” trong nhiều ngày. Điều này cũng tương tự như cách người dân miền Trung cố gắng chống chọi với mưa lũ hằng năm. Và món thịt heo ngâm mắm thể hiện rất rõ đặc tính này.
Giò bò
Trong mâm cỗ ngày Tết của gia đình miền Trung không thể thiếu đi khoanh giò bò nâu đỏ, xen lẫn là những hạt tiêu sọ đen. Miếng giò bò giòn, có đầy đủ vị mặn, ngọt của thịt và vị cay thơm nồng đặc trưng của tiêu sọ, để lại dư vị không thể nào quên.
Bò kho mật mía
Món bò kho mật mía rất nổi tiếng bởi vị thơm, cay của gừng, sả, quế, ớt và vị giòn, ngọt tự nhiên của bắp bò hòa quyện với vị đậm đà, thơm dịu của mật mía. Là người miền Trung, bạn không thể quên món này trong thực đơn ngày Tết.
Nem chua
Trong mâm cỗ ngày Tết của nhiều tỉnh miền Trung không thể thiếu đi những bó nem chua nho nhỏ. Nem được làm từ thịt lợn xay nhuyễn, trộn với bì, gia vị, tỏi thái lát và lá đinh lăng rồi ủ chua cho lên men đến chín là ăn được. Nem chua có vị chua thanh, giòn giòn và cay cay.
Tôm chua
Cuối cùng món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người dân miền Trung đó là món tôm chua. Đây là món ăn nổi tiếng của xứ Huế, với vị chua ngọt đặc trưng và mùi thơm ngọt của tôm. Tôm chua được làm bởi nguyên liệu chính là tôm và các gia vị khác như ớt, cà chua, hồ tiêu, tỏi, mắm...
Món tôm chưa dùng trong ngày Tết sẽ chống ngán rất tốt, dễ tiêu hoá hơn rất nhiều. Khi ăn, nên ăn cùng rau, củ luộc hoặc rau, củ sống.
Măng hầm
Món măng khô sẽ được hầm cùng sương sườn lợn hoặc móng giò lợn cũng có thể được hầm cùng viên mọc. Khi ăn thêm gia vị như mùi, hành hoa...
Dưa món
Dưa món được làm từ nhiều nguyên liệu như cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải, củ kiệu... được ngâm chua mặn, khi ăn lại hơi giòn giòn. Dưa món có mặt trong mâm cơm ngày Tết của người miền Trung và là món ăn kèm, vừa bổ sung thêm vitamin C, chất xơ và giúp tiêu hoá dễ hơn, chống ngán cho ngày Tết.
Xem thêm: Cách luộc gà cúng cánh tiên vàng óng, dáng đẹp cho mâm cỗ ngày Tết
V.LinhBạn đang xem bài viết 9 món ăn trong mâm cỗ ngày Tết ở miền Trung, nhắc tới đã thấy nhớ nhà, nhớ quê tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].