Khoảng 10 năm trước, chị L.T.Q. (40 tuổi, ở Nghệ An) được chẩn đoán bị Basedow, tuy có điều trị nhưng bệnh chưa ổn định. Sau đó, chị phát hiện bị tăng huyết áp và nhịp tim cao.
Ngày 27/6, bệnh nhân vào điều trị tại BV ĐK tỉnh Ninh Bình, được phát hiện có u thượng thận kích thước 12 cm nên bệnh nhân được chuyển lên BV Việt Đức để phẫu thuật.
Tuy nhiên do có nhiều bệnh lý kèm theo nên bệnh nhân chưa thể phẫu thuật. Đến ngày 10/7, các bác sĩ ở BV Việt Đức quyết định chuyển bệnh nhân sang BV Bạch Mai - Nơi có nhiều chuyên khoa đầu ngành để có thể phối hợp điều trị cho bệnh nhân.
Từ Trung tâm Cấp cứu A9 Bạch Mai, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Nội tiết - Đái tháo đường với những triệu chứng tim mạch nặng: nhịp tim nhanh thường xuyên ở mức 130-140 lần/ phút, huyết áp dao động thất thường, lúc cao vọt lên đến 220/110 mmHg, lúc tụt xuống 70/40 mmHg.
Ngoài ra, bệnh nhân còn bị sốt cao 40 độ C liên tục, rét run… Tình trạng bệnh nhân lúc đó cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ xuất huyết não và tử vong bất cứ lúc nào.
TS.BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng khoa Nội tiết & Đái tháo đường, BV Bạch Mai cho biết, đây là một ca bệnh khó. Bệnh nhân mắc 3 bệnh nặng cùng lúc là khối u thượng thận (Pheochromocytoma) kích thước lên đến 12 cm, cường giáp nặng kéo dài nhiều năm và nhiễm khuẩn huyết nặng.
Pheochromocytoma là một dạng u phần tủy của tuyến thượng thận, tăng tiết các hormone gây tăng huyết áp cơn, xảy ra ở khoảng 0,2% số bệnh nhân bị tăng huyết áp. Basedow là bệnh cường giáp gây tim đập nhanh, gầy sút, rối loạn thần kinh và tiêu hóa...
Phương pháp điều trị tốt nhất là cắt bỏ khối u thượng thận càng sớm càng tốt, nhưng không thể thực hiện được khi bệnh nhân vẫn cường giáp và còn sốt.
Các bác sĩ đã phải điều trị đồng thời 3 bệnh cùng lúc và tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho người bệnh. Bên cạnh đó, giám sát theo dõi từng chỉ số, từng diễn biến nhỏ nhất của người bệnh.
Sau 3 tuần điều trị tích cực, khi tình trạng cường giáp giảm, hết nhiễm khuẩn, huyết áp được kiểm soát ổn định, bệnh nhân được phẫu thuật cắt u thượng thận thành công tại Khoa Phẫu thuật Gan mật tụy. Hiện, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện về nhà.
Theo các bác sĩ, Pheochromocytoma và Basedow có thể làm sai lệch chẩn đoán giữa hai bệnh. Trong khi đó, biến chứng của một trong hai bệnh đều có thể gây ra tử vong rất cao. Về vấn đề tiên lượng, cả hai bệnh lý đều tác động nghiêm trọng đến hệ tim mạch, những khó khăn trong việc điều trị đồng thời có thể làm tiên lượng xấu đi.
An AnBạn đang xem bài viết Mắc cùng lúc 3 bệnh nguy kịch, người phụ nữ được cứu sống một cách kỳ diệu tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].