Lương cơ sở là gì?
Hiện, lương cơ sở được quy định rõ ràng trong Nghị định số 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Là lương dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức; Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí; Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Mức lương cơ sở được xác định bằng con số cụ thể. Hiện nay, mức lương cơ sở vẫn áp dụng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP là 1.490.000 đồng/tháng.
Lương cơ sở dùng để tính lương cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Mức lương cơ sở không được áp dụng trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực Nhà nước.
Lương cơ bản không có chu kỳ thay đổi cố định, phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng và khả năng của ngân sách Nhà nước. (Thường là 1 năm 1 lần).
Lương cơ bản là gì?
Trong khi đó, lương cơ bản không được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật nào, mà chỉ là cách gọi của mức lương thấp nhất mà lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận.
Về đối tượng áp dụng, mức lương cơ bản được áp dụng cho cả khu vực trong và ngoài Nhà nước. Hay nói cách khác, lương cơ bản là khái niệm được sử dụng phổ biến cho tất cả các đơn vị sử dụng lao động và người lao động.
Nếu lương cơ sở là số cố định, thì để xác định lương cơ bản, đơn vị cần phải xác định dựa vào nhiều yếu tố. Vì lương cơ bản được áp dụng cho cả khu vực doanh nghiệp và khu vực Nhà nước nên cách thức tính toán cũng có sự khác nhau.
Cách tính lương cơ bản cho cán bộ, công nhân viên chức thuộc khu vực Nhà nước:
Lương cơ bản = Lương cơ sở x hệ số lương.
Cách tính lương cơ bản cho các doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực Nhà nước:
Đối với những lao động làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực Nhà nước, mức lương cơ bản được xác định dựa trên mức lương tối thiểu vùng (Vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; vùng III là 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.
Doanh nghiệp thuộc vùng nào thì sẽ tính lương cơ bản dựa vào lương tối thiểu vùng của khu vực đó. Doanh nghiệp cần lưu ý mức lương cơ bản không được nhỏ hơn lương tối thiểu vùng.
Lương cơ bản cũng không thay đổi theo chu kỳ mà tăng theo sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.
V.LinhBạn đang xem bài viết Lương cơ bản là gì? Lương cơ bản và lương cơ sở khác nhau như thế nào? tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].