Lười thể thao, ngủ ít, stress, họp hành căng thẳng... khiến giới trẻ đổ gục vì bệnh tim

Người trẻ thường không tập thể thao, công việc nhiều, áp lực nhiều dẫn đến stress, ngủ không đủ giấc, ăn đồ ăn nhanh nhiều, thực phẩm không đảm bảo, sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê…

gioi-tre-tang-benh-tim

 

Bệnh từ lối sống mà ra 

Anh Nguyễn Thức (quê ở Thanh Oai, Hà Nội), ở độ tuổi sung sức 24, anh luôn chủ quan trong việc chăm sóc sức khỏe thường ngày.

Thậm chí, vì nghĩ mình trẻ, khỏe nên anh học đòi bạn bè hút thuốc, thi thoảng thức đêm đánh bài, thi thoảng tụ tập bạn bè uống chút rượu, bia…

Và rồi, một buổi tối thức muộn đánh bài với bạn như bao ngày khác, anh Thức bỗng dưng thấy đau đầu và đổ gục ngay trước mặt chúng bạn.

Cơn đột quỵ xảy ra bất ngờ đã cướp đi tính mạng của anh làm người thân, bạn bè giật mình khi tiếp nhận tin dữ.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp người trẻ tuổi bị đột tử vì mắc các bệnh lý tim mạch.

TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tim Hà Nội nhận thấy, những người trẻ tuổi luôn nghĩ rằng quãng thời gian còn lại của mình rất dài, nhưng thực chất không phải.

Nếu như ta không biết bảo vệ sức khỏe của chính mình thì quãng thời gian còn lại cũng không dài. Bởi, tỷ lệ đột tử ở người trẻ bây giờ rất cao, mà nguyên nhân chủ yếu là do họ chưa quan tâm đến sức khỏe một cách đúng mức.

Bản thân TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy trong quá trình thăm khám cũng đã chứng kiến rất nhiều trường hợp người trẻ tuổi tử vong vì chủ quan với các bệnh lý tim mạch.

‘Năm ngoái, tôi đã tiếp nhận 4 trường hợp nam giới khoảng 30 tuổi đột tử vì bệnh lý tim mạch. Họ ra đi để lại những đứa con thơ và gánh nặng gia đình lên vai người vợ trẻ.

Thực tế thăm khám bệnh tôi thấy tỷ lệ đột tử do các bệnh lý về tim mạch ở người trẻ tuổi ngày càng nhiều.

Mà những trường hợp đột tử như vậy hầu hết là do họ không tầm soát được trước, lúc đau chủ quan không đi thăm khám…

Hoặc có những người không đi kiểm tra và không biết bệnh từ trước để điều trị kịp thời, sau một trận bia, rượu về ngủ một giấc qua đêm và tử vong’- BS Thủy chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Thủy, những bệnh lý tim mạch mà người Việt hay mắc hiện nay gồm: bệnh tăng huyết áp; những bệnh tim thiếu máu cục bộ bao gồm cơn đau thắt ngực, bệnh nhồi máu cơ tim…; Suy tim do hệ quả của bệnh lý tim mạch; Tai biến mạch máu não, bệnh van tim như hẹp hở 2 lá, hẹp hở van động mạch chủ…

Điều đáng nói là số lượng người bị bệnh tim mạch ngày càng gia tăng và độ tuổi ngày càng trẻ hóa, nhất là ở bệnh tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim.

Trước đây, bệnh lý tim mạch thường xảy ra ở những người tầm 40 tuổi trở lên, nhưng bây giờ, có bệnh nhân mới chỉ 27 tuổi đã đến cấp cứu tại Bệnh viện Tim Hà Nội vì nhồi máu cơ tim. Hay như những bệnh nhân chỉ mới 20 tuổi đã bị tăng huyết áp vì chế độ dinh dưỡng không hợp lý.

GDM01831

TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tim Hà Nội  

Những người dễ mắc bệnh tim mạch

 - Tuổi càng cao càng dễ mắc các bệnh lý về tim mạch, nhất là bệnh tăng huyết áp.

 - Nam giới hoặc phụ nữ sau mãn kinh.

- Có cha mẹ, anh chị em ruột bị bệnh về tim mạch.

 - Những người thừa cân, béo phì.

 - Người mắc một số bệnh nội khoa như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường type 2, hội chứng chuyển hoá…

- Người uống nhiều rượu, bia, hút thuốc lá, thuốc lào...

Lối sống, chế độ ăn không hợp lý ảnh hưởng như thế nào? 

Có nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh lý về tim mạch, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất phải kể đến đó là chế độ ăn uống không hợp lý và lối sống tĩnh tại (ít vận động thể lực).

Theo bác sĩ Thủy, có một nghịch lý là người trẻ thường không tập thể thao, công việc nhiều, áp lực nhiều dẫn đến stress, ngủ không đủ giấc, ăn đồ ăn nhanh nhiều, thực phẩm không đảm bảo, sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê… mà đây lại là những yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh lý tim mạch.

Chính những điều này cũng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, đột tử ở những người trẻ tuổi, những người đang trong độ tuổi lao động. Và tình trạng này thường xảy ra trong các cuộc họp căng thẳng, những lúc bức xúc…

Cũng trong độ tuổi lao động, vì công việc, cuộc sống áp lực dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi, nhưng lại tìm cách giải tỏa căng thẳng bằng việc uống bia, hút thuốc lá, uống cà phê, thức khuya, ngủ không đủ giấc… làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch.

Người trẻ nhu cầu ngủ phải đảm bảo từ 6 – 8 giờ/ngày, nhưng thực tế họ chỉ ngủ từ 4 – 5 tiếng, dẫn đến hôm sau đau ngực, kịch phát những cơn huyết áp, nguy cơ rối loạn nhịp tim tăng lên nhiều.

Còn ở người cao tuổi, họ có thời gian để tập luyện thể thao, điều chỉnh chế độ ăn, nhưng họ lại có nhược điểm là chủ quan, nhận thức còn lạc hậu, kinh tế khó khăn nên đến lúc cao tuổi mới đi khám sức khỏe thì bệnh đã nặng và không thể cứu vãn.

GDM01841

 Ông Nguyễn Nam Tiến (69 tuổi ở Mỹ Đức, Hà Nội) đang điều trị bệnh tim mạch tại Bệnh viện Tim Hà Nội

Trường hợp của ông Nguyễn Nam Tiến (69 tuổi ở Mỹ Đức, Hà Nội) là một ví dụ điển hình của việc thăm khám và điều trị muộn dẫn đến bệnh tim mạch tiến triển nặng.

Cách đây 6 năm, ông Tiến thấy dấu hiệu tức ngực nên đi khám và phát hiện hẹp van 2 lá và hở động mạch chủ. Nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên ông chần chừ việc điều trị bệnh.

Đến khi cơ thể không chịu được nữa, phát bệnh nặng gia đình mới đưa ông vào viện cấp cứu và điều trị bệnh.

Quá trình khám chữa bệnh của mình, bác sĩ Thủy cũng đã gặp rất nhiều người 60, 70 tuổi mới đi khám tim mạch lần đầu tiên.

‘Thực tế các bác sĩ như chúng tôi thường khuyên mọi người đi khám sức khỏe mỗi năm 1 lần để phát hiện và tầm soát bệnh sớm, nhưng người cao tuổi họ vẫn chưa làm được điều đó.

Kể cả ở nhóm người trẻ tuổi cũng rất ít người thăm khám, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, chỉ đến khi cơ thể khám hiện những dấu hiệu bệnh mới đi thăm khám.

Và đôi khi, có những bệnh tim mạch, khi có triệu chứng bệnh thì việc điều trị đã muộn’, bác sĩ Thủy cho biết.

Ngoài ra, một thói quen tưởng chừng như vô hại, nhưng lại là một trong những thủ phạm làm gia tăng tình trạng mắc bệnh lý tim mạch ở người cao tuổi. Đó là thói quen ăn nhiều trứng trong khẩu phần ăn hằng ngày.

Trong lòng đỏ trứng có chứa nhiều cholesterol nên thói quen ăn nhiều trứng sẽ làm mỡ máu tăng cao, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch.

Bác sĩ Thủy đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám có thể trạng rất gầy nhưng lại bị mỡ máu cao. Bởi thực tế là do họ ăn quá nhiều trứng gà. Cứ nghĩ gà nhà nuôi là sạch, ăn trứng thì không có mỡ nên thỏa sức ăn và dẫn đến mỡ máu cao.

Ở người cao tuổi không nên ăn nhiều trứng, chỉ ăn 1 – 2 quả/tuần và nếu duy trì được thói quen này sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Bên cạnh đó, cũng cần bỏ thói quen ăn mặn, đặc biệt hạn chế món dưa muối, cà muối, thịt muối… để làm giảm nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, một bệnh lý về tim mạch nguy hiểm đến tính mạng.

GDM01838

Chế độ ăn uống không hợp lý làm nhiều người phải nhập viện điều trị bệnh tim mạch 

Những dấu hiệu nhận biết bệnh lý tim mạch

Theo TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy, những dấu hiệu của các bệnh lý tim mạch rất kín đáo, để đến khi có triệu chứng biểu hiện ra mới đi thăm khám thì đôi khi là đã muộn.

Vì vậy, cách tốt nhất để tầm soát bệnh sớm là đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm, ngay cả khi chưa có triệu chứng.

Những triệu chứng gợi ý cho những trường hợp không có thời gian, điều kiện đi tầm soát, thăm khám sức khỏe thường xuyên gồm:

Đau tức ngực phải đi thăm khám ngay, nhất là khi đau tức vùng ngực bên trái. Dấu hiệu đau tức ngực ở nhiều cấp độ khác nhau, đau tức, chẹn ngực…, thực tế ở nam giới ngưỡng đau của họ cao hơn nữ giới, nên có người có dấu hiệu chẹn ngực mà chủ quan không đến viện thăm khám là đã có thể đột tử tại nhà.

Cảm giác khó thở, tim đập hồi hộp, đau đầu… là những biểu hiện cần đi thăm khám, kiểm tra sức khỏe

Với người bị suy tim thường thấy khó thở, nhất là khi leo cầu thang. Nhiều người bệnh bị suy tim chia sẻ dấu hiệu, ‘mọi khi tôi leo được đến tầng 5 nhưng giờ chỉ leo được đến tầng 2 là thở dốc không đi được nữa’.

Hoặc ‘bình thường tôi có thể đi bộ ra chợ xa, nhưng giờ đi bộ ra đến đầu ngõ đã thấy khó thở, mệt và không muốn đi nữa’.

Hay như cảm giác đau đầu, chóng mặt, ù tai… là rất có thể bị tăng huyết áp…

Đây chỉ là những dấu hiệu gợi ý, còn người dân vẫn lên đi kiểm tra sức khỏe, khám tầm soát bệnh ít nhất là 1 năm 1 lần để phát hiện sớm các bệnh lý về tim mạch.

GDM01836

 Phát hiện sớm những dấu hiệu gợi ý để phòng ngừa bệnh tim mạch tiến triển nặng

Cách để có được trái tim khỏe mạnh

 - Duy trì 1 lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi, ăn uống điều độ. Trong đó có ngủ đủ giấc, tránh lo lắng, căng thẳng, cuộc sống lạc quan, vui vẻ…

- Ăn uống cân bằng, đủ chất, đủ dinh dưỡng, không ăn quá nhiều nhưng không kiêng khem quá mức để bị suy dinh dưỡng. Hãy giữ cân nặng ở mức vừa phải với một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. 

- Ở người có bệnh lý thì tùy từng bệnh lại kiêng những đồ ăn khác nhau. Ví như với người bị tăng huyết áp thì không nên ăn mặn, nên ăn nhạt vừa; bệnh mỡ máu cao thì không nên ăn nhiều mỡ động vật, trứng và các loại nội tạng động vật như lòng, tim, gan…; bệnh đái tháo đường thì nên kiêng đồ ngọt như bánh kẹo, hoa quả ngọt, ăn giảm bớt tinh bột…

 - Bỏ thuốc lá, thuốc lào để tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…

 - Duy trì tập thể thao, thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày ở cả người trẻ tuổi và người già.

 - Hình thành thói quen thăm khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị bệnh có hiệu quả. 

Linh Ly

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính