Luật Thủ đô (sửa đổi) bám sát 5 quan điểm chỉ đạo
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực.
Để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định và thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng dựa trên 5 quan điểm chỉ đạo:
Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; Bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; Chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; Kế thừa, phát triển các quy định đang phát huy tác dụng tốt của Luật Thủ đô 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.
Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều). Luật quy định về chính quyền Thủ đô, trong đó, về mô hình tổ chức, thực hiện mô hình không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc TP Hà Nội. Tăng số lượng đại biểu HĐND (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch HĐND (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực HĐND so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của HĐND.
Về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức Thủ đô, Luật quy định một số nội dung đặc thù: HĐND TP thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện. Hà Nội được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế.
HĐND, UBND TP Hà Nội được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc TP.HĐND quận, thị xã bố trí trong dự toán chi ngân sách của UBND phường khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách phường để thực hiện một số nhiệm vụ chi như chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, quốc phòng, an ninh…
Về chế độ công vụ; cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài; chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, Luật quy định cán bộ được quản lý thống nhất từ cấp xã đến thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền. Quy định đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại đơn vị sự nghiệp công lập...
Những quy định mới mang tính đột phá để phát triển Thủ đô
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh: Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua có ý nghĩa lịch sử với nhiều quy định vượt trội, có tính đột phá nhằm thúc đẩy xây dựng phát triển Thủ đô, để thủ đô vươn tầm phát triển, xứng đáng là đô thị đặc biệt, có vai trò dẫn dắt sự phát triển chung của cả nước.
Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc thù; nhiều nội dung thể hiện sự kế thừa, bổ sung và phát triển hơn so với Luật Thủ đô năm 2012. Từ đó đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, có sức lan tỏa nhằm thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Cụ thể, trong các nhóm chính sách quan trọng của Luật Thủ đô năm 2024, phải kể đến là chủ trương phân quyền mạnh mẽ về quyết định đầu tư cho thành phố; các quy định thu hút nhà đầu tư chiến lược và các ưu đãi để thu hút nhà đầu tư... Luật sửa đổi lần này đã hoàn thiện với mức độ cao, bao quát hầu hết các lĩnh vực, gồm cả tổ chức chính quyền địa phương, việc phân quyền, việc liên kết phát triển mang tính liên vùng, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo ra một kỷ nguyên mới cho Thủ đô của một nước có trên 100 triệu dân.
Một trong tư tưởng chính của Luật Thủ đô năm 2024 là đổi mới tư duy về mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội và chính sách nhân tài. Từ đó, tạo điều kiện để Hà Nội chủ động, sáng tạo, tự quản thực hiện nhóm chính sách đột phá, vượt trội để phát triển.
Ví dụ như quy định HĐND thành phố được chủ động hơn trong việc thành lập các ban của HĐND thành phố; giao HĐND thành phố một số thẩm quyền, như quyết định việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố. Đây là tiền đề giúp chính quyền thành phố Hà Nội chủ động, quyết liệt hơn trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để đảm đương các nhiệm vụ, quyền hạn được giao như yêu cầu của Bộ Chính trị.
Thứ hai, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung quy định tập trung các nguồn lực phát triển Thủ đô. Đó là ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô, bảo đảm an toàn đê điều và phòng, chống lũ; được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch...
Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định đột phá về thu hút nguồn lực, đầu tư tài chính, đáp ứng nhu cầu tổ chức chính quyền và phát triển kinh tế của Thủ đô. Hay việc ưu tiên phát triển giao thông công cộng được coi là cơ chế hiệu quả để khai thác nguồn lực từ đất đai, phát triển kinh tế, hạ tầng mà nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng. Song song là phát triển không gian ngầm, không gian xanh, không gian giao thông và quy định về trọng dụng nhân tài trong chiến lược phát triển Thủ đô…
Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng có nhiều điểm mới tiến bộ trong lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Văn hóa, đưa ra những cơ chế vượt trội để Hà Nội có thể phát triển, vừa là Thủ đô vừa là đầu tàu của cả nước.
Việc ra đời của Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tạo xung lực mới, không gian mới để Thủ đô phát triển toàn diện, với không gian mở, tập trung đổi mới sáng tạo, xứng tầm với Thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố vì hoà bình…
V.LinhBạn đang xem bài viết Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua: Bài 1: Cơ hội vàng để phát triển Thủ đô tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].