Lễ hội đặc biệt này của người dân Tojora được gọi là Ma'nene. Truyền thuyết kể lại rằng, từ nhiều thế kỷ trước, một người thợ săn tên Pong Rumasek khi đang đi săn trên núi, ông gặp một xác chết bị bỏ hoang bên gốc cây.
Thấy vậy, Pong Rumasek liền cởi áo mặc vào cho cái xác đó rồi đem đi chôn cất đàng hoàng. Từ đó, vận may liên tục đến với người thợ săn này, giúp ông thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Thấy vậy, người dân trong làng cũng bắt chước người thợ săn với hy vọng cũng gặp được may mắn, thuận lợi trong cuộc sống. Kể từ đó, việc "quật mộ", mặc lại quần áo mới cho người đã khuất trở thành một tập tục truyền thống, kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Người dân trong làng đến mùa lễ hội sẽ đi tới mộ của người thân, đào xác lên và tiến hành lau chùi, tắm rửa cho cái xác, sau đó mặc quần áo mới, trang điểm lại cho người đã khuất. Dù là người già hay trẻ nhỏ đã qua đời đều được hưởng tập tục này.
Người Tojora cũng làm lễ cúng đồ ăn, thức uống ưa thích và thực hiện một số hành động quen thuộc của người đã mất. Họ tin rằng đây là cách để kết nối giữa các thế hệ, khẳng định mối quan hệ gia đình khăng khít giữa người sống và người đã khuất.
Những cái xác sẽ được đưa đi "diễu hành" theo một đường thẳng trong làng - cung đường được coi là có sức mạnh siêu nhiên, dẫn lối cho người chết đến với thế giới bên kia.
Những người dân trong làng cũng bị cấm không được khóc hay than vãn trong 3 ngày diễn ra lễ hội. Họ phải tỏ ra hạnh phúc và vui vẻ khi được gặp lại người thân của mình.
Chính nhờ lễ hội độc đáo này, ngôi làng hẻo lánh ở Indonesia đã thu hút được khách du lịch đến ghé thăm. Tuy nhiên, đây quả thực là một dịp không dành cho những người yếu tim.
Trước khi được đưa đi diễu hành trong làng, những cái xác sẽ được phơi nắng để tránh bị phân hủy.
Kim OanhBạn đang xem bài viết Lễ hội 'quật mộ' ở Indonesia: Đào mộ người thân, vệ sinh, mặc quần áo mới, diễu hành khắp làng tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].