Làng trị bách bệnh
Thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP.Hà Nội một trong những làng nghề thuốc nam nổi tiếng của người dân tộc Dao.
Trước đây, cộng đồng dân tộc Dao chỉ quen việc du canh du cư quanh khu vực núi cao Tản Lĩnh. Từ khi hạ sơn, người dân làng Yên Sơn đã tập trung phát triền nghề làm thuốc nam truyền đời của người Dao. Hiện tại, các loại thuốc của làng không chỉ để chữa bệnh, cứu người trong phạm vi cộng đồng dân tộc Dao mà còn buôn bán, vận chuyển xuống dưới xuôi để tiêu thụ.
Trưởng thôn Yên Sơn, bà Lê Thị Lân cho biết: “Toàn thôn có hơn 80% hộ gia đình làm thuốc nam. Các loại thuốc được sản xuất rất đa dạng, chữa được bách bệnh từ đau ốm vặt, đau răng đến các bệnh nan y, nam khoa khó chữa như vô sinh, hiếm muộn…”
Nguồn thuốc nam được người dân đi tìm kiếm ở trên rừng về để chế biến. Trước đây, khi làng nghề còn sản xuất manh mún thì khu vực núi Tản Lĩnh là nơi cung cấp thuốc chủ yếu. Vài năm trở lại đây, nguồn thuốc trên núi dần cạn kiệt nên người dân phải đi xa hơn như Phú Thọ, Yên Bái để kiếm thuốc. Họ đi rừng từ sáng sớm và trở về khi tối muộn, đợt nào nhiều thì vài ba ngày, mỗi lần khoảng vài tạ thảo dược để về chế biến.
Lương y Triệu Thị Hoàn là một danh ý có tiếng tại thôn Yên Sơn. Bà nổi tiếng chữa nhiều bệnh và có cơ sở chế biến cao linh dược to nhất nhì Yên Sơn. Bà cho biết nhờ các bài thuốc bí truyền của dân tộc Dao nên làng có nhiều loại thuốc quý, chữa được bách bệnh. Từ những lá thuốc để uống giải nhiệt đến các loại bệnh như: đại tràng, đau dạ dày, xương khớp…
Đặc biệt, làng còn nổi tiếng chữa trị bệnh vô sinh, chữa chạy cho các đôi vợ chồng hiếm muộn. Làng có vài danh y nổi tiếng chuyên chữa bệnh “muộn con” như lương y Nguyễn Văn Nghĩa, Triệu Thị Hoàn… Nhiều cặp đôi từ Sài Gòn, Nghệ An, Phú Thọ...tìm đến làng để chữa trị và đã thành công.
Kiếm tiền tỷ nhờ làm thuốc nam
Nhờ sự phát triển “chóng mặt” của làng nghề làm thuốc nam Yên Sơn, chỉ sau 3 năm bộ mặt kinh tế nơi đây đã thay đổi. Làng từ 150 hộ nghèo, hiện tại chỉ còn khoảng 40 hộ nghèo và sắp tới số lượng đó sẽ tiếp tục giảm.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người kinh doanh ở tỉnh khác về tìm nguồn thuốc để mang về xuôi bán. Từ việc làm thuốc để phục vụ cộng đồng nhỏ lẻ thì hiện tại người Dao Yên Sơn đã “thức thời” hơn trong việc phát triển kinh doanh thuốc nam, mở rộng thị trường đi tỉnh.
Trưởng thôn Lê Thị Lân cho biết: “Chị em phụ nữ trong làng đã mang các sản phẩm thuốc nam xống các hội chợ để quảng bá. Mặt khác, nhiều khách hàng mua thuốc về sử dụng thấy hiệu quả rồi họ truyền nhau về mua.”
Dòng người đổ về mua thuốc nam người Dao Yên Sơn ngày một đông. Nhiều hộ gia đình kết nối được nhiều mối buôn bán lớn ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Nam Định, Hà Nam... Không chỉ mở rộng thị trường trong nước, nhiều hộ đã xuất được thuốc sang nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản...
Chỉ trong vòng 3 năm trở lại, việc kinh doanh của làng Yên Sơn đã đem lại sự thay đổi lớn cho cuộc sống người Dao. Nhiều người xây nhà tiền tỷ, mua ô tô sang, cho con đi du học nhờ làm thuốc, bán thuốc.
Bà Triệu Thị Lý – một người làm thuốc có tiếng trong vùng có khu xưởng nấu cao rộng 50m2, có 8 nồi nấu cao dược hoạt động 24/24. Mỗi mẻ thuốc lấy về được nấu trong 20 ngày, cho ra thành phẩm là 1 tạ cao thuốc nam với đủ loại thảo dược để chữa bệnh, tăng cường sức khỏe.
Mỗi tháng xưởng sản xuất được 1.5 tạ cao, thu nhập khoảng 300 triệu.
Một nguồn tin giấu tên cho hay, đã có nhà thu nhập 5 tỷ/năm từ việc buôn bán thuốc nam.
Tuệ MinhBạn đang xem bài viết Làng làm thuốc nam chữa bách bệnh, kiếm tiền tỷ mỗi năm tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].