Quyết định chưa có tiền lệ cứu bệnh nhi bị tim bẩm sinh
Sản phụ T.L. (33 tuổi, Hà Nội) bị tiền sử bệnh lupus ban đỏ 6 năm nay. Trong quá trình mang thai, thai phụ đi khám thai tại phòng khám tư, đến tuần 22 phát hiện em bé có tình trạng rối loạn nhịp tim thai (thông thường, tim thai dao động từ 120 – 160 lần/phút nhưng thai nhi lại có nhịp tim rất chậm, dao động 50 – 60 lần/phút).
Ngay sau đó, thai phụ đến khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và được chẩn đoán thai nhi có tiên lượng nặng, chậm phát triển trong tử cung, tim to, tràn dịch màng ngoài tim số lượng nhiều, có tình trạng Block nhĩ thất cấp độ III. Đây là bệnh lý rối loạn nhịp tim rất nặng.
Thai phụ được chỉ định tiếp tục điều trị lupus ban đỏ và nhập viện ngay để theo dõi tình trạng thai nhi. Tại bệnh viện, thai phụ được theo dõi và chăm sóc tại Khoa sản bệnh A4. Các bác sĩ của Khoa sản bệnh và Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã theo dõi mẹ và thai nhi rất kỹ.
Theo TS.BS Đỗ Tuấn Đạt, Trưởng khoa A4, trong thai kỳ nhiều tình huống nguy hiểm do mức độ bệnh lý nặng, thai nhi có thể ngừng tim bất kỳ lúc nào, nhưng giữ được thai trong bụng mẹ thêm ngày nào sẽ tốt cho bé. Các bác sĩ kỳ vọng sẽ giữ thai đến 37 tuần để em bé đủ phát triển và trải qua cuộc phẫu thuật đặt máy tạo nhịp ngay sau sinh.
Nhưng, khi thai kỳ ở tuần thứ 35, chức năng tim thai của trẻ diễn biến xấu rất nhanh, có dấu hiệu bị phù tim. Chính vì vậy, đến ngày 9/10, các bác sĩ thăm khám và đánh giá bắt buộc phải mổ đẻ để em bé được an toàn.
Tuy nhiên, ngay sau sinh, với nhịp tim rất chậm, nếu di chuyển em bé từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sang Bệnh Nhi Trung ương, mặc dù chỉ vài trăm mét, có bác sĩ hồi sức theo sát, nhưng trẻ có thể không qua khỏi trước khi lên bàn phẫu thuật.
Với quyết tâm “không để thai nhi tử vong sau khi chào đời”, ê-kíp hội chẩn liên viện giữa BV Phụ sản Hà Nội và BV Nhi Trung ương quyết định lập phòng mổ ngay tại BV Phụ sản Hà Nội để cứu bằng được thai nhi của sản phụ đang ở giai đoạn nguy kịch của bệnh tim bẩm sinh.
Ngày 10/10, hai cuộc phẫu thuật lấy thai và đặt máy tạo nhịp tim ngay tại phòng sinh đã được các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện nối tiếp nhau.
Một bé gái nặng 2.150g chào đời tại BV Phụ sản Hà Nội trong tình trạng non tháng, thai chậm phát triển, tim đập rất chậm khoảng 50 lần/phút, có khi xuống 35 lần/phút do block nhĩ thất mức độ 3. Rất nhanh chóng, bé gái được đặt ống nội khí quản, làm xét nghiệm, siêu âm tim, đánh giá tình trạng nhịp,…
Lần đầu tiên tại bệnh viện phụ sản đã lập một phòng phẫu thuật ngay bên cạnh khu mổ đẻ, để thực hiện một ca đại phẫu với sự hỗ trợ của các bác sĩ ngoại tim mạch (BV Nhi trung ương), điều trị chứng block nhĩ nhất gây loạn nhịp tim cho bé sơ sinh ngay sau khi lọt lòng. Quyết định lập phòng mổ chưa có tiền lệ này của hai viện đã cứu sống em bé có bệnh lý tim phức tạp.
Đến nay, sau gần 1 tháng, cân nặng của bé gái đã tăng lên 2,5kg, tình trạng sức khỏe ổn định. Đây là em bé sơ sinh đầu tiên mắc bệnh lý rối loạn nhịp nặng nề, suy tim, được cứu sống thành công.
Bước tiến mới cho điều trị trẻ sơ sinh mắc bệnh lý nặng
Theo GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ Sản Hà Nội, tỉ lệ trẻ mắc tim bẩm sinh thông thường khoảng 1%/tổng số trẻ mới sinh. Tại BV Phụ sản Hà Nội mỗi năm có 300 - 400 trẻ chào đời mắc bệnh lý này. Tuy nhiên cơ hội cứu sống nhiều trẻ trong số này rất ít ỏi.
Thành công của ca bệnh nói trên là một bước đột phá mới, mở ra trang mới cho việc phối hợp sản – nhi (một bên chăm sóc, dưỡng thai, mổ đẻ an toàn, một bên can thiệp điều trị sớm), tăng cơ hội cứu sống mới cho những em bé có bệnh tương tự thay vì nhiều năm nay chỉ đón những trẻ này chào đời thường thất bại.
Từ thành quả của ca bệnh đặc biệt này, lãnh đạo BV Phụ sản Hà Nội nghĩ đến phương án thiết lập buồng mổ riêng chuyên sâu như mổ tim nhi đặt trong khu mổ để chữa tổn thương tim, tiếp tục mang lại kỳ tích sản - nhi cho nhiều gia đình không may có con mắc tim bẩm sinh từ trong bào thai.
Các chuyên gia sản khoa thông tin thêm, với kỹ thuật hiện đại như ngày nay, nhiều bệnh lý tim bẩm sinh có thể phát hiện sớm từ khi trẻ trong bào thai, đặc biệt là ở tuần thai thứ 18 – 22. Tuy nhiên nhiều bệnh lý có thể phát hiện được từ tuần thai thứ 12 - 16 trở đi, tùy thuộc vào trình độ chuyên môn và trang thiết bị của cơ sở y tế. Riêng với bệnh block nhĩ thất cấp độ 3 gần như không có thuốc để điều chỉnh nhịp tim. Bệnh này thường phát hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ.
Trẻ mắc tim bẩm sinh có rất nhiều thể, trong đó có những bệnh có thể can thiệp trong năm đầu sau sinh, nhưng cũng không ít trường hợp phải cấp cứu khẩn trương để cứu sống trẻ. Và trường hợp rối loạn nhịp như bé gái nói trên thì sự sống chỉ tính bằng giây, bằng phút.
Tại BV Phụ sản Hà Nội, từ nhiều năm qua Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã phát hiện, hỗ trợ can thiệp cứu nhiều ca bệnh nặng ở trẻ sơ sinh sau khi phát hiện bé bệnh lý từ bào thai như các bệnh rối loạn chuyển hóa, dị tật tim bẩm sinh nặng, dị tật thính lực, xét nghiệm di truyền tế bào...
An AnBạn đang xem bài viết Lần đầu tiên mổ tim cho bé sơ sinh ngay tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].