Giác ngộ cách mạng từ sớm
Ở tuổi 96, dù sức khỏe giảm sút rất nhiều nhưng ông Nguyễn Tiến Hà - Trưởng ban Liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò vẫn còn rất minh mẫn và đặc biệt sôi nổi khi được hỏi về những ngày tháng lịch sử của Thủ đô.
Lớn lên ở khu phố Bạch Mai, Hà Nội, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, ngay từ khi còn rất trẻ, ông Nguyễn Tiến Hà đã được giác ngộ cách mạng và cùng anh trai mình (ông Nguyễn Hữu Văn – tức Tạ Quang Chiến, một trong 8 người được Bác Hồ đặt tên, cùng với các đồng đội là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi) hăng hái gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Khi đó, ông Tiến Hà có trình độ tú tài nên được tổ chức giao nhiệm vụ làm giáo viên truyền bá chữ Quốc ngữ cho người lao động.
Nhớ lại thời thanh xuân sôi nổi của mình, ông Nguyễn Tiến Hà không giấu nổi sự phấn khích: “Những thế hệ đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu có nhiều hoạt động như rải truyền đơn, dán áp phích cổ động, tuyên truyền để người dân giác ngộ cách mạng. Đi dán áp phích ở trên tường hoặc xe điện, nơi đông người qua lại phải có tổ Tam tam 3 người (1 người làm nhiệm vụ cảnh giới, 1 người phết hồ và 1 người cầm áp phích đập vào chỗ hồ đó), xong lẩn trốn thật nhanh. Hồi đó tôi còn trẻ nên được làm những việc phưu lưu thì tôi thích thú và hào hứng lắm”.
Hà Nội có những sự kiện lịch sử nào đáng nhớ thì ông Tiến Hà đều tự hào đã được góp sức tham gia, có thể kể đến như: Khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19/8/1945; Ngày 2/9/1945 lịch sử; 60 ngày đêm chiến đấu cầm chân địch khi mở đầu kháng chiến toàn quốc năm 1946…
Năm 1948, theo Chỉ thị của cấp trên, ông Hà được điều động vào vùng địch tạm chiếm trong nội thành Hà Nội để hoạt động, gây dựng cơ sở với vỏ bọc “giáo sư”. Thông qua việc dạy học, ông và các chiến sĩ khác đã truyền bá cho học sinh của mình tinh thần yêu nước, khéo léo vận động thế hệ trẻ tham gia cách mạng.
Đến năm 1950, trong khi đang thực hiện nhiệm vụ, ông không may bị địch bắt giam và tra tấn dã man bằng nhiều hình thức như: dí điện, treo lên xà nhà, bị dúi vào bể nước cho sặc sụa ngạt thở… nhưng ông không hé răng khai nửa lời. Chứng kiến sự kiên cường, bất khuất, tài trí của ông Nguyễn Tiến Hà, Ban chi ủy nhà tù Hỏa Lò đã tiến cử ông làm chi ủy viên, Ban lãnh đạo. Sau đó, ông được cử làm Bí thư chi bộ.
Ký ức ngày hào hùng
Năm 1952, sau hơn 2 năm bị quân địch giam giữ trong Nhà tù Hòa Lò, ông được trả tự do. Ngay sau khi được thả tự do, ông lập tức tìm cách liên lạc với đơn vị ở quận nội thành để được giao nhiệm vụ mới và tiếp tục hoạt động cách mạng với danh xưng “giáo sư Trần Hữu Thỏa”.
Do thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp, ông có nhiệm vụ phụ trách Trại hàng binh Âu - Phi, chủ yếu thực hiện việc tuyên truyền chính sách của Việt Nam với hàng binh. Đến năm 1954, ông Hà cùng với đội quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô.
Từ ngày 8/10, đơn vị của ông Hà được lệnh di chuyển về Hà Nội trước, đóng quân tại xã Thanh Trì, huyện Thanh Trì (nay thuộc quận Hoàng Mai). Càng sát tới thời điểm ngày 10/10, ông và đồng đội càng náo nức, cả đêm không sao ngủ được.
Qua lời kể của ông thì chúng tôi mới biết thêm rằng, để có những thời khắc xúc động, hào hùng trong ngày 10/10/1954 thì trước đó, từ ngày 8 – 9/10 đã có một bộ phận (trong đó có đơn vị của ông Hà) trở về nằm yểm ở Thủ đô trước, âm thầm đảm nhiệm công việc tiếp quản, nhận bàn giao các công sở như Bưu điện Bờ Hồ, Nhà máy Điện, Nhà máy Nước Yên Phụ, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phủ Doãn, Sở Hỏa xa Hà Nội…, đồng thời phiên dịch cho Ủy ban Quốc tế giám sát việc đình chiến.
16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính xâm lược Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên, đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện của quân xâm lược Pháp ở Thủ đô Hà Nội.
Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cơ giới, pháo cao xạ… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào trung tâm Thủ đô.
- 8 giờ ngày 10/10/1954: Cánh quân phía Tây, xuất phát từ "Quần Ngựa" (nay là Cung thi đấu thể thao Quần Ngựa). Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ Đô, dẫn đầu là Trung đoàn trưởng – Anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị. Đoàn đi qua các đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang,… đến 9 giờ 45 phút thì vào đóng trong "Thành cổ Hà Nội" bằng Cửa Đông.
- 8 giờ 45 phút: Cánh quân phía Nam, xuất phát từ "Việt Nam học xá" (khu vực Đại học Bách khoa bây giờ), tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế,… vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, rồi trở lại, theo hai hướng đông và tây của phố Trần Hưng Đạo, vào đóng quân ở các khu vực "Đồn Thủy" (Bệnh viện 108, Bệnh viện Hữu Nghị) và "Đấu Xảo" (Cung văn hóa Hữu Nghị).
- 9 giờ 30 phút: Đoàn cơ giới và pháo binh, cùng chỉ huy "tiếp quản Hà Nội", do Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ, và Phó chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, xuất phát từ sân bay Bạch Mai, đi đến Ngã tư Vọng, sang Ngã tư Trung Hiền, theo đường Bạch Mai, phố Huế, qua Bờ Hồ, đi đường Hàng Đào, Hàng Ngang, qua chợ Đồng Xuân, lên Hàng Giấy, vườn hoa Hàng Đậu… vào "Thành cổ Hà Nội" bằng Cửa Bắc.
Với hai đường tiến binh từ mạn Tây và mạn Nam, sáng 10/10/1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã vào tiếp quản Thủ đô qua hai cửa ô, là: Ô Cầu Giấy và Ô Cầu Dền. Hà Nội được hoàn toàn giải phóng. Trên đường các chiến sĩ vào nội thành Hà Nội, có rất nhiều người dân đứng hai bên đường vẫy tay chào đón và tặng hoa. Bên cạnh đó còn có rất nhiều các nghệ sĩ mang theo nhạc cụ, biểu diễn ngay trên đường phố để chúc mừng.
Vào hồi 15 giờ, ngày 10/10/1954 một hồi còi dài cất lên từ Nhà hát lớn Hà Nội. Ông Hà và các đồng đội của mình hòa vào dòng người nghiêm trang dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ.
Nhớ lại thời khắc linh thiêng ấy, nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà bồi hồi xúc động kể lại: “Ngày tiếp quản Thủ đô Hà Nội, đoàn quân của ta tiến vào Thủ đô qua Ô Cầu Giấy và Ô Cầu Dền, với cờ đỏ sao vàng trên tay. Ngay từ sáng sớm, người dân đổ ra đường với cờ hoa rực rỡ, hân hoan chào đón đoàn quân tiếp quản Thủ đô đi từ hai cửa ô tiến vào nội thành, gần đúng với những gì cố nhạc sĩ Văn Cao đã hình dung trong ca khúc Tiến về Hà Nội: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…”.
Sau lễ chào cờ, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Ngày 10/10/1954 đã trở thành cột mốc lịch sử, ghi nhận bao nỗ lực, cả những mất mát, hy sinh của quân và dân ta.
Sau khi hòa bình lập lại, ông Hà chuyển sang công tác ở ngành Giáo dục và Đào tạo với nhiều vai trò, vị trí công tác khác nhau, như: Hiệu trưởng Trường cấp 3 Nguyễn Huệ; Chủ nhiệm khoa kiêm Ủy viên thường vụ Đảng ủy ĐH Sư phạm Hà Nội; Chuyên viên cao cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trưởng đoàn chuyên gia Giáo dục ĐH Sư phạm ở Angola… Sau khi về hưu, ông tham gia sáng lập và làm Trưởng ban Liên lạc những chiến sĩ cách mạng bị tù đày ở nhà tù Hòa Lò; Phó trưởng Ban thường trực Ban Liên lạc Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu; ngoài ra, ông cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động, phong trào ở địa phương…
Nói về ký ức hào hùng của 70 năm trước, ông Tiến Hà cho hay, Giải phóng Thủ đô khỏi ách xâm lược của đế quốc Pháp là sự nghiệp cách mạng vẻ vang của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trực tiếp là sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô. Chiến đấu ở nơi trung tâm đầu não của thực dân xâm lược Pháp, cuộc kháng chiến ở Hà Nội là một nét tiêu biểu của sức mạnh chiến tranh nhân dân, là một điển hình kháng chiến toàn dân trên mặt trận đô thị.
Ly LinhBạn đang xem bài viết Ký ức ngày Giải phóng Thủ đô của một thầy giáo - cựu tù cách mạng Hỏa Lò tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].