Đó là trường hợp bệnh nhân N.H.L. (22 tuổi, ở Quảng Trạch, Quảng Bình). Đầu năm 2019, khi kiểm tra sức khỏe để đi xuất khẩu lao động, L. tình cờ phát hiện có khối u vùng trung thất.
Bệnh nhân đến khám chuyên khoa tại BV Ung bướu Hà Nội và được chẩn đoán: u lympho ác tính Non Hodgkin lan tỏa tế bào B lớn.
U lympho ác tính Non Hodgkin là nhóm bệnh ác tính của tổ chức lympho, biểu hiện có thể tại hạch hoặc ngoài hạch. Theo GLOBOCAN 2018, bệnh đứng thứ 11 về tỷ lệ mắc và đứng thứ 11 về tỷ lệ tử vong sau ung thư phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan, vú, thực quản, tụy, tuyến tiền liệt, cổ tử cung, leukemia.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính của bệnh nhân cho thấy, phổi phải xẹp một phần nhu mô thùy giữa, nhu mô thùy dưới có tổn thương mờ kẽ tạo đám, trung thất trước lệch phải có khối kích thước 75x100mm, thâm nhiễm dính động mạch chủ ngực, động mạch phổi và tĩnh mạch chủ trên, hạch rốn phổi phải kích thước 11mm.
Khối u trung thất kích thước lớn chèn ép khiến bệnh nhân tê dọc cánh tay phải, kèm đau tức ngực, khó thở.
Các bác sĩ BV Ung Bướu Hà Nội đã tiến hành hội chẩn liên khoa để đưa ra phác đồ điều trị. Sau xạ trị chống chèn ép, bệnh nhân giảm khó thở, giảm đau tức ngực.
Nhận định đây là thể bệnh diễn biến nhanh, tỷ lệ đáp ứng hóa chất cao, các bác sĩ khoa Nội II đã hội chẩn truyền hóa chất và thuốc điều trị đích cho bệnh nhân L.
Sau truyền 3 đợt, kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy, khối u giảm kích thước rõ rệt, triệu chứng lâm sàng không còn, bệnh nhân được điều trị tiếp tục đến 6 chu kỳ.
Kết thúc 6 chu kỳ truyền hóa chất và thuốc đích, bệnh nhân được chụp PET/CT cho kết quả khối trung thất trước bên phải giảm kích thước chỉ còn 31x21mm, không tăng chuyển hóa FDG (không còn tính chất ác tính, bệnh nhân đã đáp ứng hoàn toàn với điều trị).
Bệnh nhân được dừng điều trị hóa chất từ tháng 10/2019. Ba tháng sau thì L. phát hiện mang thai con đầu lòng.
Cô gái trẻ tâm sự: “Khi đó, cầm que thử trên tay mà không tin vào mắt mình và hoang mang vô cùng”.
Vì L. được biết bệnh nhân hóa trị sẽ khó mang thai, nếu mang thai khi đang hóa trị cũng sẽ rất nguy hiểm. Nhiều loại thuốc hóa trị có thể làm tổn thương thai nhi, gây dị tật bẩm sinh hoặc tác hại khác.
Nếu mang thai quá sớm sau khi hóa trị cũng có thể ảnh hưởng tới thai nhi, vì trứng bị hỏng do hóa trị có thể được thụ tinh dẫn tới nhiều hậu quả như sinh non, sảy thai, dị tật bẩm sinh.
Sau khi biết tin, L. và chồng đã thông báo ngay cho bác sĩ điều trị và được các bác sĩ tư vấn khám sàng lọc, theo dõi sức khỏe sát sao.
Dù biết phải đối mặt nhiều nguy cơ nhưng với niềm khao khát làm mẹ, L. vẫn quyết định giữ thai. Mỗi lần đi khám, được bác sĩ cho biết sức khỏe của mẹ và em bé đều bình thường, “tảng đá” đè nặng trong lòng cô lại như được nhẹ bớt phần nào.
Những ngày giữa tháng 10, khi L. gần đến kỳ sinh nở thì nghe tin cơn bão dữ sắp đổ bộ vào miền Trung. Sản phụ được gia đình cho nhập viện sớm để chờ ngày chuyển dạ.
Và một bé trai khỏe mạnh nặng 3,5 kg đã chào đời trong niềm vui sướng khôn xiết của đôi vợ chồng trẻ cùng gia đình hai bên.
Hiện nay, cùng nhiều hộ dân chịu ảnh hưởng của bão khác, gia đình L. cũng đang từng bước ổn định lại cuộc sống.
Nhưng sự có mặt của “thiên thần nhỏ” đã khiến cho căn nhà luôn rộn ràng, náo nhiệt. Cô gái hơn một năm trước còn là bệnh nhân ung thư, giờ đang ngập tràn trong niềm hạnh phúc “làm mẹ”.
An AnBạn đang xem bài viết Kỳ tích làm mẹ của người phụ nữ trẻ mắc ung thư tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].