Bé có nhịp tim nhanh bất thường được xử lý ra sao?
Sáng 17/3, bệnh viện Nhi TƯ thông tin, bệnh viện vừa cứu sống thành công bé trai sơ sinh mắc cơn tim nhanh nguy kịch.
Trước đó, ngày 14/3, BV nhận được yêu cầu hội chẩn từ xa từ các bác sĩ khoa Nhi – bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc về trường hợp bé trai L.P.T (9 ngày tuổi, cân nặng 3,5 kg) nhập viện trong tình trạng nguy kịch do rối loạn nhịp tim nhanh, nhịp tim đập đến 300 lần/phút (bình thường 120-180 lần/phút).
Nhận thấy tại đây không đủ các thuốc, trang thiết bị cấp cứu, và kinh nghiệm điều trị, các bác sĩ đã hội chẩn cấp cứu từ xa quyết định để bé T được vận chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại Trung tâm Tim mạch Trẻ em – BV Nhi, bệnh nhi được kiểm soát cơn tim nhanh bằng thuốc, tuy nhiên cơn tim nhanh liên tục tái phát sau 9 lần cắt cơn bằng thuốc, toàn trạng trẻ xấu đi nhanh chóng với các dấu hiệu sốc tim tiến triển.
Sau 6 tiếng nhập viện, các chuyên gia đã hội chẩn cấp cứu trong đêm, quyết định lựa chọn giải pháp cuối cùng là triệt đốt tim nhanh bằng năng lượng tần số radio trực tiếp qua đường dẫn vào buồng tim.
23 giờ 58 phút ngày 14/3 ekip mổ gồm bác sĩ can thiệp rối loạn nhịp, bác sĩ hồi sức tim mạch nội khoa, bác sĩ gây mê tim mạch được huy động cấp cứu cho bệnh nhi.
Hai catheter điện cực nhanh chóng đưa qua tĩnh mạch đùi và tĩnh mạch cảnh được đưa vào trong buồng tim, nguyên nhân gây bệnh nhanh chóng được xác định bằng thăm dò điện sinh lý. Bằng các động tác hết sức thuần thục và chuyên nghiệp, vừa hồi sức vừa can thiệp tối thiểu, tìm thấy đường dẫn truyền bất thường nối tâm nhĩ trái với tâm thất trái được triệt bỏ. Các rối loạn huyết động biến mất ngay sau đó, toàn trạng nhanh chóng được phục hồi chỉ sau 50 phút can thiệp.
Cần làm gì khi trẻ bị rối loạn nhịp tim?
TS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch - BV Nhi TƯ cho biết, nhịp tim nhanh là một trong những rối loạn nhịp hay gặp ở trẻ em, có thể gây suy tuần hoàn, hô hấp, thậm chí đột tử. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài như giãn cơ tim, suy giảm chức năng tim.
Để điều trị rối loạn nhịp ở trẻ em lớn, Bệnh viện Nhi Trung ương kết hợp dùng thuốc chống loạn nhịp và triệt đốt đường dẫn truyền bất thường bằng sóng cao tần radio, với tỉ lệ thành công lên tới 90-95%.
Với trường hợp trẻ mới sinh, tim và hệ tuần hoàn, mạch máu chưa trưởng thành nên phương pháp này không được chỉ định do tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến trong quá trình can thiệp.
Song nhờ làm chủ kĩ thuật cùng hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại, ca can thiệp cho bé 12 ngày tuổi đã thành công, không có biến cố bất lợi.
Chuyên ngành điện sinh lý hay loạn nhịp nhi khoa (BV Nhi TƯ) được hình thành và phát triển 10 năm. BV đã mở ở nhiều khoá đào tạo liên tục về rối loạn nhịp cho các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến dưới.
Đồng thời kết hợp đào tạo cùng với chuyển giao kỹ thuật và hội chẩn từ xa đã nâng cao đáng kể năng lực chẩn đoán-điều trị, và cứu sống nhiêu bệnh nhi mắc các rối loạn nhịp tim cho các bệnh viện thuộc các tuyến.
Từ năm 2016 đến nay Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận khoảng 300 trẻ nhỏ cân nặng dưới 15kg được đốt điện, trong đó có 17 bệnh nhi là trẻ sơ sinh, tỷ lệ thành công ngang tầm một số trung tâm điện sinh lý hàng đầu trên thế giới.
V.LinhBạn đang xem bài viết Kỳ lạ: Bé sơ sinh 9 ngày tuổi có nhịp tim đập lên tới 300 lần/phút tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].