Kinh nguyệt ra ít là một biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt, điều này gây ảnh hưởng đến tâm lý của các chị em phụ nữ và khiến họ hoang mang liệu kinh nguyệt ra ít có phải mang thai không. Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để giải đáp thắc mắc nhé!
1 Kinh nguyệt ra ít có phải mang thai không?
Đối với các chị em phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe sinh sản, tuy nhiên vì một số lý do mà chu kỳ kinh nguyệt thay đổi thất thường dẫn đến lượng máu kinh ra ít khiến chị em hoang mang, lo lắng.
Hiện tượng kinh nguyệt ra quá ít, quá nhiều hoặc chu kỳ không đều, đều có ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Tình trạng ra kinh ít có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: sự thay đổi về cân nặng đột ngột, do tâm lý, tập thể dục quá mức hoặc do các bệnh lý.
Để hiểu rõ vấn đề có kinh ít hơn bình thường có phải mang thai không, phụ nữ cần biết và phân biệt với máu báo thai, vì hai hiện tượng này có biểu hiện khá giống nhau, dễ gây nhầm lẫn.
Vì vậy, để xác định chính xác mình có thai hay không, bạn hãy đến các bệnh viện chuyên sản phụ khoa để bác sĩ có thể thăm khám, chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt và điều trị kịp thời tránh gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
Kinh nguyệt ít khiến cho các chị em lo lắng liệu mình có phải đang mang thai không
2 Lượng kinh nguyệt bình thường là bao nhiêu?
Chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ kéo dài từ 21 - 35 ngày, trung bình là 28 ngày với thời gian hành kinh từ 3 - 7 ngày và lượng máu mất đi trong một chu kỳ khoảng 60 - 80 ml. Tuy nhiên, trong suốt quá trình chu kỳ, có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến lượng máu trong kỳ kinh của các chị em phụ nữ.
Tùy thuộc vào tần suất và đặc điểm của kỳ kinh nguyệt, bạn có thể phát hiện sớm những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản. Đối với những người có kinh nguyệt ra ít, hay còn gọi là thiểu kinh lượng máu chỉ khoảng 20 - 30 ml/chu kỳ và số ngày hành kinh dưới thường 2 ngày.
Bạn có thể quan sát chu kỳ kinh nguyệt của mình có bình thường hay không bằng cách theo dõi sự thay đổi lượng băng vệ sinh dùng mỗi tháng, nếu số lượng ngày càng ít tức là kinh nguyệt ra ít.
Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường trung bình sẽ là 28 ngày
3 Phân biệt máu kinh nguyệt và máu báo thai
Máu kinh nguyệt và máu báo thai là hai hiện tượng khác nhau về đặc điểm và bản chất, tuy nhiên cũng dễ nhầm lẫn. Vì vậy, khi bạn thấy có một vết máu trên quần thì chưa hẳn là dấu hiệu báo thai mà cũng có thể là dấu hiệu cho thấy kỳ kinh mới của bạn sắp bắt đầu.
Việc hiểu rõ chu kỳ kinh nguyệt và cơ thể của mình sẽ giúp chị em phụ nữ phân biệt giữa kinh nguyệt ít và máu báo thai, thông qua những biểu hiện bất thường. Nếu cảm thấy hiện tượng ra máu không giống với kinh nguyệt bình thường hoặc đã quan hệ tình dục cách đây 8-15 ngày mà không được bảo vệ an toàn thì khả năng cao đó là máu báo thai.
Những yếu tố dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt giữa máu kinh nguyệt và máu báo thai:
- Thời gian và số lượng: Máu báo thai thường xuất hiện sớm hơn so với chu kỳ kinh nguyệt và chỉ là một đốm máu nhỏ hoặc là vệt máu nhỏ dính trên quần lót diễn ra trong vài giờ, nhưng cũng có một vài trường hợp có thể chảy máu nhiều hơn và kéo dài trong 1 - 2 ngày. Nếu có hiện tượng chảy máu âm đạo nhiều hơn, đó là dấu hiệu của chu kỳ kinh bình thường.
- Màu sắc: Máu kinh bình thường sẽ có màu đỏ tươi, trong khi máu báo thai thường có màu hồng nhạt, đỏ thẫm hoặc nâu. Máu báo thai thường ít có mùi như máu kinh nên ít gây ngứa và đau rát.
- Các biểu hiện khác kèm theo khác: Cơ thể phụ nữ khi có thai cũng sản sinh ra một ít dịch đục màu trắng do sự phát triển của các tế bào âm đạo để chuẩn bị cho việc làm tổ của thai nhi, vì vậy phụ nữ sẽ cảm nhận được cổ tử cung có chất nhầy dính và đặc khác thường.
Máu báo có thai thường ra ít và rải rác hơn so với máu trong kỳ kinh nguyệt
3 Kinh nguyệt ra ít là do đâu?
Kinh nguyệt ra ít có thể do một trong số các nguyên nhân sau:
- Căng thẳng, stress: Khi bạn gặp căng thẳng về cảm xúc, cú sốc tâm lý nào đó hoặc stress khi làm việc ở cường độ cao, não bộ sẽ làm thay đổi hormone, gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ có thể gặp tình trạng vô kinh hoặc thiểu kinh.
- Chế độ ăn uống không hợp lý: Thói quen ăn uống cũng có ảnh hưởng lớn đến quá trình rụng trứng. Rối loạn ăn uống hoặc thay đổi chế độ ăn uống đột ngột khiến cơ thể không kịp phản ứng, có thể rơi vào tình trạng mất cân bằng và làm thay đổi nồng độ hormone, gây rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới.
- Thay đổi cân nặng đột ngột: Cân nặng và tỷ lệ mỡ trong cơ thể thay đổi khiến chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn hoặc dài hơn bình thường. Khi bạn giảm cân bằng cách ăn kiêng, hạn chế calo nạp vào sẽ khiến cơ thể bị căng thẳng, quá trình rụng trứng bị ngưng trệ. Khi bạn tăng cân, lượng mỡ dự trữ trong cơ thể tăng lên cũng có thể khiến cho chu kỳ kinh nguyệt không đều.
- Tập thể dục quá sức: Khi tập luyện với cường độ cao, nhất là các bài tập về phần thân dưới có thể gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến hàm lượng hormone trong cơ thể.
- Đang thực hiện biện pháp tránh thai: Một số phương pháp ngừa thai ngăn cản trứng phóng thích trong cơ thể nữ giới, chẳng hạn dùng thuốc, miếng dán hoặc là đặt vòng tránh thai. Khi cơ thể không rụng được trứng, tử cung sẽ không tạo ra được lớp niêm mạc dày. Những phương pháp này đều khiến kinh nguyệt ra ít, thậm chí là máu kinh bị sẫm hoặc mất kinh.
- Đang trong thời kỳ mãn kinh: Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ có thể thay đổi về độ dài và lưu lượng nếu người đó, trong thời kỳ mãn kinh, kinh nguyệt có thể không đều, có lúc nhiều, có lúc ít.
- Đang cho con bú: Bà mẹ đang cho con bú thường có lượng prolactin cao trong cơ thể - một loại hormone được sản xuất bởi tuyến yên để kích thích sản xuất sữa mẹ. Đồng thời, loại hormone này cũng đóng vai trò điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.
- Thai ngoài tử cung: Dấu hiệu mang thai dễ nhận biết là mất kinh. Tuy nhiên, trong trường hợp chị em có thai trùng đúng ngày có kinh nhưng lượng máu ra rất ít - dấu hiệu thai ngoài tử cung. Đây là hiện tượng trứng được thụ tinh ở ngoài tử cung, có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của sản phụ nếu không được xử trí kịp thời.
- Cường giáp: Bệnh cường giáp sẽ khiến các cơ thể sản sinh nhiều hormone tuyến giáp hơn và dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.
- Hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS): Những người được chẩn đoán mắc hội chứng PCOS cũng có thể có kinh nguyệt ít hơn bình thường do có sự gia tăng bất thường về nồng độ hormone nam giới Androgen, gây gián đoạn chu kỳ rụng trứng, dẫn đến kinh nguyệt không đều, ra ít và mất kinh.
- Cổ tử cung có sẹo: Những người đã từng nong hoặc nạo tử cung do điều trị một số bệnh về tử cung, nạo bỏ niêm mạc tử cung vì sảy thai hay phá thai gây sẹo ở vùng này, làm ảnh hưởng đến kinh nguyệt, gây ra hiện tượng kinh nguyệt ít.
- Hẹp cổ tử cung: Phẫu thuật cổ tử cung là nguyên nhân phổ biến nhất gây hẹp cổ tử cung hoặc có thể là do thay đổi nồng độ estrogen trong thời kỳ tiền mãn kinh. Hẹp cổ tử cung tức là máu kinh bị kẹt lại trong tử cung và chỉ có thể thoát ra ngoài từ từ nên lượng máu kinh ra ít.
- Mất nhiều máu trong và sau khi sinh: Mất máu nhiều trong và sau khi sinh nở có thể dẫn đến thiếu oxy cho cơ thể, ảnh hưởng tới tuyến yên, làm giảm tất cả các loại hormone kể cả những loại hormone giúp điều hòa kinh nguyệt. Tuy nhiên, những trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.
Các vấn đề với cơ quan sinh sản có thể dẫn đến kinh nguyệt không đều
4 Cách khắc phục tình trạng kinh nguyệt ra ít
Thay đổi lối sống
Một lối sống khoa học, ngủ đúng giờ, đúng giấc, giữ ổn định đồng hồ sinh học sẽ giúp bạn giữ tinh thần luôn thoải mái và ổn định và đừng quên tập thói quen ghi chép, theo dõi chu kỳ kinh nguyệt. Điều này sẽ giúp bác sĩ nắm rõ được các thay đổi trong chu kỳ để có thể tìm ra nguyên nhân và điều trị nhanh chóng khi cần thiết.
Bạn nên ghi chép chu kỳ kinh nguyệt để phát hiện khi có thay đổi bất thường
Bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý
Xây dựng một chế độ ăn uống đa dạng, đầy đủ các dưỡng chất cho cơ thể để khắc phục việc chu kỳ kinh nguyệt ít. Nữ giới cần bổ sung các thực phẩm giàu sắt, đạm, vitamin và khoáng chất để bồi bổ máu, đặc biệt là vitamin B và vitamin D. Đồng thời nên hạn chế các sản phẩm có nhiều dầu mỡ, đồ ăn mặn hoặc các chất kích thích khác.
Kiểm soát căng thẳng
Bạn hãy luôn để tinh thần luôn thoải mái, ổn định và thư thái. Cân bằng hợp lý giữa công việc, học tập và nghỉ ngơi tránh gây áp lực cho sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần, để không ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Thư giãn sẽ tránh gây áp lực cho sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần
Duy trì cân nặng hợp lý
Duy trì thói quen vận động thể chất để có một mức cân nặng hợp lý sẽ giúp cân bằng lại hormone và chu kỳ kinh nguyệt. Dù cho nhu cầu của bạn là tăng cân hay giảm cân thì hãy xác định cân nặng mục tiêu và chiến lược để đạt được số cân phù hợp.
Cố gắng duy trì một lối sống lành mạnh, tránh tình trạng dư thừa chất béo quá mức hoặc ăn kiêng dẫn đến thiếu nhiều dinh dưỡng sẽ làm ảnh hưởng đến nồng độ hormone trong cơ thể.
Duy trì cân nặng hợp lý sẽ giúp cân bằng hormone
Khám phụ khoa thường xuyên
Vệ sinh vùng kín đúng cách để tránh nguy cơ gây viêm nhiễm dẫn đến các bệnh phụ khoa. Bạn cần chú ý vào các thời điểm như trong kỳ kinh nguyệt, trước và sau khi có quan hệ tình dục.
Nếu trong kỳ kinh, bạn nên thay băng vệ sinh sau mỗi 3 - 4 tiếng sử dụng để tránh tạo môi trường cho vi khuẩn, vi nấm xâm nhập và phát triển và đừng quên đi khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng.
Bạn nên khám phụ khoa 6 tháng/ lần hoặc bất kỳ khi nào có dấu hiệu bất thường
5 Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Khi kinh nguyệt ra ít bất thường mà không rõ nguyên nhân có thể là do các vấn đề về sức khỏe sinh sản, vì thế chị em cần đến các phòng khám chuyên phụ khoa để được bác sĩ thăm khám nếu có các dấu hiệu sau đây:
- Khi nghĩ rằng mình đang mang thai hoặc lo lắng khi quan hệ tình dục không an toàn.
- Chu kỳ kinh nguyệt đột ngột ngừng trong 3 tháng hoặc lâu hơn nhưng cũng không có dấu hiệu mang thai.
- Kinh nguyệt không đều.
- Chảy máu bất thường giữa các kỳ kinh.
- Cảm thấy đau bụng dữ dội, buồn nôn trong các kỳ kinh.
- Đau vùng xương chậu.
- Dịch tiết âm đạo có màu hoặc có mùi khác thường.
Nếu kinh nguyệt không diễn ra đều đặn, bạn cần đến các bệnh viện uy tín để thăm khám
Các bệnh viện chuyên phụ khoa uy tín
Nếu có các dấu hiệu bất thường, bạn có thể đến một trong các bệnh viện uy tín dưới đây để được các bác sĩ thăm khám:
- Tại TP.HCM: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Chợ Rẫy,...
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Sản Trung Ương, Bệnh viện Sản Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai,...
Xem thêm:
- Sự khác nhau giữa chậm kinh và mang thai bạn nữ cần biết để phân biệt
- 10 nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt phái nữ cần biết để ứng phó phù hợp
- 1 tháng có kinh 2 lần có sao không? 12 lý do có kinh 2 lần trong tháng
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn thông tin về liệu kinh nguyệt ít có phải mang thai hay không, nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng này. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đến các phòng khám chuyên khoa uy tín để được thăm khám và chữa trị kịp thời. Nếu thấy bài viết bổ ích, hãy chia sẻ bài viết này cho người thân và bạn bè nhé!
Bạn đang xem bài viết Kinh nguyệt ra ít có phải mang thai không? Nguyên nhân là gì? tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].