Báo Điện tử Gia đình Mới

Kim tiêm dài 1cm nằm trong má người phụ nữ sau khi tiêm filler làm đẹp tại quán làm tóc

Ra quán làm tóc để tiêm filler xóa rãnh mũi má, nhưng đẹp đâu chưa thấy mà người phụ nữ gặp phải sự cố gãy kim, đầu kim dài 1cm cắm sâu vào má.

Theo thông tin từ BV ĐK Hùng Vương (Phú Thọ), đơn vị này mới tiếp nhận một nữ bệnh nhân trung niên nhập viện trong tình trạng sưng, đau nhức vùng má.

Bệnh nhân thực hiện thủ thuật tiêm filler xóa rãnh mũi má tại một quán làm tóc. Quá trình thực hiện thủ thuật làm đẹp xảy ra sự cố bị gãy kim tiêm, đầu kim cắm sâu vào má.

Sau khi thực hiện chụp CT scanner cho kết quả hình ảnh dị vật dài khoảng 1cm ở vị trí phần mềm cánh mũi phải, kim găm sâu vào má. Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định thủ thuật lấy dị vật. Sau 10 phút thủ thuật, dị vật là đầu kim đã được lấy ra từ vùng má bệnh nhân.

  Chị em khi đi làm đẹp nên chọn các cơ sở y tế được cấp phép, có bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ thực hiện thủ thuật. Ảnh minh họa

Chị em khi đi làm đẹp nên chọn các cơ sở y tế được cấp phép, có bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ thực hiện thủ thuật. Ảnh minh họa

Qua trường hợp này các bác sĩ khuyến cáo, làm đẹp là nhu cầu chính đáng và bình thường của tất cả mọi người đặc biệt là phụ nữ.

Tuy nhiên, chị em cần làm đẹp an toàn, tại các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ uy tín. Các cơ sở được cấp phép không thể là các SPA, chăm sóc da hay các cơ sở cắt tóc gội đầu…, mà phải là các phòng khám da liễu hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Các cơ sở phải có biển niêm yết ghi rõ là Phòng khám chuyên khoa, có niêm yết tên cũng như số giấy phép hành nghề của bác sĩ phụ trách.

Tiêm filler là một thủ thuật ngoại khoa. Vì vậy, nó có chỉ định, chống chỉ định và có những nguy cơ biến chứng nhất định. Biến chứng do tiêm filler có thể chia làm 2 nhóm chính: biến chứng liên quan đến kĩ thuật tiêm hoặc biến chứng do sử dụng các chất làm đầy không được cấp phép.

Biến chứng do kĩ thuật tiêm nặng nề nhất có thể gặp phải là tiêm vào mạch máu. Tổ chức filler có thể theo mạch máu gây tắc mạch, tắc mạch não gây nhồi máu não, tắc mạch võng mạc gây mù, tắc mạch máu ở da gây hoại tử da… Kĩ thuật tiêm không đúng có thể dẫn đến gãy kim, không đảm bảo vô khuẩn dẫn đến nhiễm trùng tại chỗ ở vùng tiêm. Những nhiễm trùng này thường lan tỏa theo các đường chọc kim trong quá trình tiêm.

Nhóm biến chứng thứ hai là biến chứng do tiêm các chất không được cấp phép. Những chất như silicon lỏng và các chất làm đầy không rõ nguồn gốc, không được xử lý tốt có thể ngấm vào mô, gây viêm tấy, kích ứng, nhiễm khuẩn, tạo viêm, xơ, loét... Tình trạng này có thể xuất hiện sớm hoặc muộn tùy từng bệnh nhân.

Do đó, trước khi lựa chọn can thiệp bất cứ thủ thuật, phẫu thuật nào trên cơ thể, chị em cần tìm hiểu kĩ thủ thuật, phẫu thuật đó có thực sự phù hợp, có cần thiết với mình hay không. Đồng thời, chị em cũng cần tìm hiểu can thiệp đó có lợi ích cũng như có thể có những biến chứng gì cho cơ thể, để đưa ra lựa chọn đúng đắn, phù hợp nhất.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO