Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Không hoàn toàn do di truyền, đây là 3 yếu tố giúp trẻ tăng trưởng chiều cao nhanh nhất

Khi trẻ bị thấp còi, nhiều phụ huynh lập tức đổ lỗi cho di truyền. Nhưng bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng đã chỉ ra điều đó không hoàn toàn đúng. Cần phải xem lại 3 yếu tố dưới đây:

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng I (tác giả cuốn sách Hỏi bác sĩ Nhi đồng) cho biết, trẻ cao một phần do di truyền nhưng nhiều phụ huynh không biết, dinh dưỡng, giấc ngủ và thể dục thể thao quan trọng hơn nhiều lần. 

Không hoàn toàn do di truyền, đây là 3 yếu tố giúp trẻ tăng trưởng chiều cao nhanh nhất 0

Theo đó, với dinh dưỡng, hệ khung xương chịu tác động lớn bởi hai vi dưỡng chất canxi và vitamin D. Nếu muốn trẻ tăng chiều cao, cha mẹ có thể bổ sung 2 chất này một cách thích hợp thông qua các sản phẩm sữa, phomai, trái cây…

Cụ thể, trẻ dưới 1 tuổi, lượng canxi có thể nạp đủ hoàn toàn từ sữa.

Với trẻ em từ 1 đến 3 tuổi, trẻ cần 500mg canxi/ngày tương đương với 500- 700 ml sữa/ngày, ngoài ra, cha mẹ có thể cho trẻ ăn thêm phomai, sữa chua, trái cây. 

Trẻ từ 4 đến 8 tuổi sẽ cần 800 mg tương đương 500ml sữa/ngày và ăn thêm phomai, sữa chua, trái cây.

Trẻ em từ 9 đến 18 tuổi cần 1.300 mg canxi/ngày, ở tuổi này, ngoài uống sữa, cha mẹ có thể cho trẻ bổ sung canxi theo đường uống.

Riêng về vitamin D, đây là chất rất quan trọng để cơ thể có thể hấp thu canxi. Cha mẹ có thể cung cấp vitamin D cho con bằng việc phơi nắng có thể bổ sung theo đường uống. 

Trong dưỡng chất, protein cũng có vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng của trẻ. Protein có nhiều trong sữa, trứng chứ không chỉ có trong thịt. Vậy bổ sung protein cho trẻ như thế nào là đủ?

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tính trên mỗi kg trọng lượng cơ thể, trẻ 1-2 tuổi cần dung nạp 1,63g protein, trẻ 3-5 tuổi là 1,55g. Mức này gấp đôi nhu cầu của người trưởng thành (0,85g trên mỗi kg trọng lượng cơ thể).

Cùng với đó, chất sắt là loại chất rất quan trọng với cơ thể người nhưng thường bị lãng quên. Vì thiếu sắt thường làm trẻ biếng ăn, chậm lớn, còi cọc, táo bón, ăn hay nôn trớ. Bác sĩ cho biết, cha mẹ có thể bổ sung sắt bằng cách cho trẻ ăn nhiều thịt màu đỏ, rau màu xanh đậm.

Sau dinh dưỡng, nhân tố giấc ngủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tăng chiều cao. Trong trạng thái ngủ sâu vào ban đêm, việc tiết hormon tăng trưởng thường cao gấp 5 lần thời gian ban ngày, các cơ bắp đều thả lỏng thoải mái trong suốt giấc ngủ, điều này có lợi cho việc mở rộng các khớp và xương.

Với trẻ, phải ngủ đủ giờ, ngủ sớm (trước 9h) và ngủ đúng giờ kể cả ngày cuối tuần. Trẻ nhỏ nên ngủ từ 10 đến 13 giờ/đêm. Trẻ em tuổi đi học cần ngủ 10 đến 12 giờ/đêm. Trẻ lớn từ 10 tuổi, giấc ngủ phải kéo dài từ 8 1/2 giờ đến 9 1/2 giờ/đêm.

Ngoài ra, trẻ nhỏ có thể cải thiện chiều cao thông qua hoạt động thể lực, thể thao. Theo khuyến cáo, tập thể dục có thể kích thích sự tiết hormone tăng trưởng. Tập thể dục ở mức độ vừa phải khoảng chục phút sẽ làm cho mức độ hormone tăng trưởng bắt đầu gia tăng, tiếp tục khoảng 1 giờ thì hormone sẽ đạt ở mức đỉnh, sau đó bắt đầu giảm, nhưng vẫn còn cao hơn so với mức trước khi tập thể dục.

Vì vậy, theo bác sĩ, để đạt hiệu quả tối đa, trẻ nên rèn luyện thể thao ít nhất trong 1 giờ.

H.N

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính